Để “biệt dược” ngấm vào “người bệnh”
(Baonghean) Sau khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được ban hành đã được sự đón nhận của đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành… Đặc biệt, trong các kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã thể hiện niềm tin, khí thế, quyết tâm, trách nhiệm… để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; Sự bất cập trong công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp… xảy ra trên phạm vi tương đối phổ biến, có ở các cấp, các ngành và gây ra hậu quả là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm vị trí, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, của Nhà nước.
Thiết nghĩ, vấn đề cần quan tâm lúc này như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi...". Song, "lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không"? Sau vụ việc ở các tập đoàn PMU 18, Vinashin, Vinalines chúng ta đã thấy rõ các “căn bệnh nan y”, thấy rõ các “con bệnh” tồn tại một thời gian khá dài. Vậy, làm sao để những “căn bệnh nan y” đó không thể trở thành “căn bệnh truyền nhiễm”? Làm sao để các bệnh nhân sớm được chữa trị và không xuất hiện bệnh nhân mới? Chắc chắn cần phải có “biệt dược” và “biệt dược” đó phải được ngấm vào “người bệnh”.
Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI), Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Phải chăng đó là những liều “biệt dược”. Điều cần nói là làm cách nào để các liều thuốc đó phát huy tác dụng? Dẫu rằng, đây là việc làm đòi hỏi phải có thời gian, cả quá trình, công việc không đơn giản, dễ dàng. Nhưng không vì thế mà thiếu sự nỗ lực, thiếu quyết tâm, phấn đấu bền bỉ, kiên trì. Cần phải kiên quyết phát hiện ra “người bệnh”, phát huy tác dụng của “biệt dược”, xác định rõ đây là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của đội ngũ cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhưng trước hết là trách nhiệm của đội ngũ “lương y” chủ chốt thực sự có “y đức” ở các cấp và sự hợp tác của các “bệnh nhân” trên tinh thần gương mẫu, tự giác trước khi có các biện pháp cưỡng chế.
Bùi Thế Kỷ