Để bình yên những tuyến sông

27/03/2012 17:40

(Baonghean) - Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá (14 con sông với 1.140 km giao thông đường thuỷ), các phương tiện đường thuỷ của Nghệ An ngày một tăng mạnh (đến nay toàn tỉnh đã có gần 5.000 phương tiện thuỷ).

Cùng với đó, các bến đò ngang, đò dọc cũng được mở ra ngày một nhiều (toàn tỉnh có 55 bến đò ngang, trong đó 46 bến thường xuyên có khách). Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện vận tải thủy ở nhiều nơi vẫn còn phụ thuộc vào thói quen, tập quán, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, nhất là ở những địa bàn miền núi... Mặt khác, các con sông ở Nghệ An đều bắt nguồn từ những dãy núi cao từ phía Tây dãy Trường Sơn nên có độ dốc lớn, nước chảy xiết, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rồi nạn khai thác cát và vàng sa khoáng trên các con sông diễn ra ngày càng phức tạp (khoảng 50 bãi khai thác cát sỏi, gần 300 phương tiện và tàu khai thác vàng, sa khoáng), làm cho dòng chảy của các con sông bị thay đổi, từ đó nổi lên các bãi bồi làm cản trở, gây nguy hiểm và ách tắc giao thông.




Bến bốc hàng "dã chiến" không đảm bảo an toàn gần khu vực cầu Bến Thủy.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông đường thuỷ ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Phòng CSGT đường thuỷ tỉnh có 6 đội, chốt ở 6 trạm: Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Con Cuông, Sông Hiếu, Bến Thuỷ, thì chỉ có đội ở Bến Thuỷ là có nơi ở vì đây cũng là trụ sở của Phòng CSGT đường thuỷ, còn các đội khác phải ở tạm trong nhà dân. Khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ các phương tiện vi phạm thì không có nơi neo đậu, tạm giữ các phương tiện này. Các bến đò ngang vẫn còn quá sơ sài, chưa đảm bảo yêu cầu, các phương tiện hầu hết quá cũ.


Cùng với đó, ý thức của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thuỷ chưa cao, khi qua đò ngại mặc áo phao, nhiều khi chỉ vì muốn nhanh hơn một tí mà chen nhau lên cùng một chuyến làm cho đò quá tải... Vào mùa mưa lũ, ở sông Giăng, sông Con, thượng nguồn sông Lam ở Tương Dương, Con Cuông... có nhiều cầu bị ngập, nhiều đoạn đường bị chia cắt, người dân lại tự tiện mở các bến đò dã chiến để phục vụ nhu cầu hàng ngày, gây nguy cơ tai nạn cao.


Với những khó khăn đó, điều đáng mừng là trong năm 2011 trên địa bàn tỉnh ta đã không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nào nghiêm trọng. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Phòng CSGT đường thủy, Ban ATGT tỉnh. Trong năm 2011, Phòng CSGT đường thuỷ đã xử phạt 603 trường hợp vi phạm, với các lỗi chủ yếu như phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, mở bến đò không có giấy phép, phạt tiền trên 600 triệu đồng...


Thượng tá Đặng Quang Vinh - Phó trưởng phòng CSGT đường thuỷ cho biết: Để hạn chế tối đa những thiệt hại do tai nạn đường thuỷ gây ra, chúng tôi xác định công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định đối với những tổ chức, cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại những bến đò khách ngang sông... Hiện nay, Phòng CSGT đường thuỷ đang phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình điểm về "văn hoá giao thông đường thuỷ", định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động của từng mô hình theo tiêu chí đề ra.


Để ATGT đường thủy ổn định, đảm bảo trật tự, an toàn, thông suốt, cần tổ chức thực hiện đồng bộ những giải pháp tích cực. Chính quyền các địa phương ở các xã, huyện có sông ngòi chảy qua phải quản lý được số lượng, chất lượng bến bãi, phương tiện thuỷ tại địa phương của mình, không để xảy ra tình trạng mở các bến bãi một cách tự phát. Người dân khi tham gia giao thông đường thuỷ cần phải tuân thủ nghiêm những quy định về ATGT đường thuỷ, cùng với đó là phải có ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT đường thuỷ.


Đức Dũng

Mới nhất
x
Để bình yên những tuyến sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO