Để các nghệ sỹ gắn bó với nghề

05/03/2012 15:02

(Baonghean) - Trong khó khăn chung của sân khấu cả nước, sân khấu chuyên nghiệp Nghệ An cũng đang phải đối mặt với thực trạng khó khăn. Để sống được với nghề, rất nhiều các nghệ sỹ đã không ít lần phải trăn trở, lựa chọn.

Hầu hết các nghệ sỹ khi được hỏi "Liệu anh, chị có trăn trở, khi đã chọn con đường nghệ thuật?" đều có chung một câu trả lời "Hối tiếc thì không nhưng trăn trở thì có". Và liệu chuyện cơm, áo, gạo, tiền đã bao nhiêu lần khiến các nghệ sỹ tỉnh nhà muốn "theo chồng bỏ cuộc chơi".

Với nghệ sỹ múa Diễm Hằng - Đoàn ca múa kịch Nghệ An - thì để tồn tại, sống được với nghề, quả không đơn giản chút nào. Với đồng lương của một nghệ sỹ múa, Diễm Hằng chỉ có thể đủ để trang trải tiền điện thoại, ăn uống sinh hoạt hàng ngày, còn mua sắm quần áo, phấn son,...



Để có được chương trình nghệ thuật như thế này, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh đã phải trăn trở, đầu tư rất nhiều công sức. Ảnh: Sỹ Minh

Hằng phải tự thân vận động bằng cách dạy ngoài giờ, dựng chương trình, tham gia biểu diễn, múa phụ họa cho các chương trình nghệ thuật khác. Còn với ca sỹ Trúc Phương, chuyện vừa hoàn thành nhiệm vụ Đoàn giao, tranh thủ buổi tối chạy sô hát phòng trà, tiệc đám cưới, đám hỏi hay hội nghị, hội thảo... là chuyện "thường ngày ở huyện". Nếu không có những buổi chạy sô đó, thì lấy gì để nuôi lớn những ước mơ trở thành ca sỹ chuyên nghiệp? Và không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, rất nhiều ca sỹ, diễn viên múa đành ngậm ngùi chia tay ánh đèn sân khấu khi lòng dũng cảm, sự đam mê không đủ lớn để níu kéo họ, để rồi dẫn đến những cuộc ra đi khi mà sân khấu tỉnh nhà đang rất cần họ.



Tìm hiểu vấn đề này, ông Quang Thuận - Trưởng đoàn Ca múa kịch Nghệ An cho biết: "Làm thế nào để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sỹ, cán bộ, diễn viên của Đoàn là việc mà Ban giám đốc rất trăn trở.

Hàng năm, ngoài xây dựng những chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn đã chủ động lên kế hoạch, tổ chức tốt các đợt lưu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, ngoài tỉnh bằng các chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như "Cô gái đốt lò vôi", "Khắc Luống và múa Tùng Loọng", "Hội Xăng Khan", "Tiếng khèn mùa Xuân"... với chất liệu dân ca dân tộc Thái; "Bắt vợ", "Lê lê lê tu lê", "Bản làng mừng đón dâu mới" (dân tộc Mông)...

Theo kế hoạch, trung bình một năm, mỗi đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh phục vụ các huyện miền núi, vùng cao khoảng trên 150 buổi/năm. Thời gian còn lại, các đoàn phải tự xây dựng chương trình tham gia hội diễn, hội thi, phục vụ nhiệm vụ chính trị... và đương nhiên, các đoàn phải tự vận động, xây dựng nhiều vở diễn hay phục vụ thị hiếu khán giả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, sân khấu chuyên nghiệp tỉnh ta vẫn trong tình trạng hoạt động "cầm chừng" do rất nhiều khó khăn: năng lực, trình độ cán bộ, diễn viên để đảm đương những vở diễn khó, những chương trình mang tính nghệ thuật cao, hoành tráng còn quá hạn chế.

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho một vở diễn, một chương trình nghệ thuật còn thấp, lương của đội ngũ nghệ sỹ tỉnh nhà chưa đảm bảo để "thổi bùng" ngọn lửa đam mê nghệ thuật. Rất nhiều diễn viên, nghệ sỹ phải lấy nghề khác để nuôi sống "con đường nghệ thuật mà mình đã chọn". Để tồn tại và phát triển, bản thân các đoàn nghệ thuật cần phải nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng vở diễn, các chương trình nghệ thuật; tận dụng mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng; coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và trẻ hoá đội ngũ diễn viên; kéo dài "tuổi thọ" các vở diễn bằng cách mở rộng địa bàn hoạt động, tăng cường giao lưu giữa khán giả với nghệ sỹ. Đã đến lúc cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng để các nghệ sỹ yên tâm gắn bó với nghề, và sống được bằng nghề.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Để các nghệ sỹ gắn bó với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO