Để cây chè phát triển bền vững

07/04/2012 14:32

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, cây chè đã giúp cho hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Thanh Chương xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thế nhưng khi diện tích chè kinh doanh rộng dần thì người trồng chè  nhiều nơi lại băn khoăn vì sản phẩm tiêu thụ  không ổn định? Tháo gỡ khó khăn đó, năm nay Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư phát triển Chè Nghệ An đã có chính sách thu mua hợp lý, theo nguyện vọng của người trồng chè...

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, cây chè đã giúp cho hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Thanh Chương xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thế nhưng khi diện tích chè kinh doanh rộng dần thì người trồng chè nhiều nơi lại băn khoăn vì sản phẩm tiêu thụ không ổn định? Tháo gỡ khó khăn đó, năm nay Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư phát triển Chè Nghệ An đã có chính sách thu mua hợp lý, theo nguyện vọng của người trồng chè...


Phát triển vùng chè thâm canh


Đối với huyện Con Cuông, từ khi nhận thấy tiềm năng của cây chè, huyện đã có chủ trương phát triển diện tích chè công nghiệp. Từ năm 2005 về trước, diện tích chè của huyện chỉ có 300 – 400 ha, sau 6 năm, từ khi huyện có chủ trương đưa chè thành cây mũi nhọn và là cây kinh tế trọng điểm của một số xã, diện tích chè được nâng lên 850 ha. Với sản lượng chè búp tươi đạt gần 20 tấn/ha/năm, hàng năm Con Cuông góp phần quan trọng trong phát triển ngành chế biến chè của tỉnh. Thực hiện đề án phát triển chè của huyện, liên tục từ 2 – 3 năm nay, mỗi năm Con Cuông trồng mới được 100 – 160 ha chè. Số hộ đã chuyển từ diện tích cây màu sang chuyên canh chè ngày càng nhiều. Với quy mô từ 0,5 - 2 ha/hộ, cây chè đã mang lại thu nhập, tạo việc làm đáng kể cho hàng ngàn hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả.



Thu hoạch chè bằng máy giúp người trồng chè ở Con Cuông tiết kiệm thời gian và thuận lợi hơn cho việc đầu tư chăm sóc.

Ông Nguyễn Đức Mai, trưởng thôn Trung Thành, xã Yên Khê hào hứng cho biết: Thôn có 63 hộ thì 100% số hộ trồng chè. Trước năm 2000, khi người dân chưa trồng chè, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 90%, nhưng từ ngày có cây chè làm chủ lực, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 35%.

Hiện nay, tổng diện tích chè của thôn gần 35 ha, trong đó 12 ha đã cho thu hoạch, dự kiến 2 năm nữa sẽ thêm 20 ha chè kinh doanh. Xác định chè là cây chủ lực, gia đình nào cũng chú trọng đầu tư áp dụng KHKT chăm sóc chè. Gia đình ông Mai có 1 ha chè, mỗi năm thu nhập từ bán búp tươi 50 triệu đồng, trừ 4% chi phí, còn lãi 60%. Thông qua chính sách khuyến khích phát triển và chỉ đạo kỹ thuật chặt chẽ của huyện nên diện tích chè thâm canh, chè giống mới được chú trọng. Những năm 2006 – 2007, năng suất chè mới đạt 14 – 15 tấn/ha/năm, thì nay nhiều nơi năng suất đạt tới 18 – 20 tấn/ha/năm. Huyện Con Cuông đang hình thành những vùng chè thâm canh tạo năng suất cao.


Để đẩy nhanh diện tích chè lên 1.500 ha vào năm 2015, huyện Con Cuông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với người trồng chè. Theo đó, người trồng chè được hỗ trợ 100% tiền làm đất, giống, phân bón…


Nỗi niềm người trồng chè


Cùng với phát triển cây chè thì cơ sở chế biến chè ở Con Cuông cũng tăng dần. Nếu năm trước chỉ có Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông thì nay thêm 3 nhà máy thu mua, chế biến chè tư nhân. Mỗi cơ sở chế biến chè ở đây có công suất trên 10 tấn chè/ngày. Có nhiều cơ sở thu mua, chế biến chè đồng nghĩa với việc người trồng chè tiêu thụ hết sản phẩm. Với khoảng 500 ha chè kinh doanh của huyện, nếu tính bình quân 17 tấn/ha/năm, mỗi năm huyện có khoảng 8.500 tấn chè búp tươi, tương đương 850 tấn chè khô.


Thế nhưng, theo báo cáo của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông, năm 2011, đơn vị chỉ chế biến được 222 tấn chè khô, tương đương hơn 2.200 tấn chè tươi. Như vậy, xét trên thực tế thì lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện bán cho nhà máy tư nhân hơn 6.000 tấn, trong khi công suất chế biến của Xí nghiệp là 12 tấn/ngày. Không hiểu vì sao Xí nghiệp còn nhiều thời gian nhàn rỗi?!


Tìm hiểu nguyên nhân này, ông Hoàng Đình Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng: Thời gian qua, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông chưa tích cực, chưa nhiệt tình thu mua chè tươi cho bà con. Với số lượng chế biến được của xí nghiệp trong năm 2011 là quá ít so với sản lượng hiện có của huyện. Năm 2012 này, UBND huyện giao chỉ tiêu cho Xí nghiệp chế biến 300 tấn chè khô, tương đương 3.000 tấn chè búp tươi. Do vậy, bằng mọi cách, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông phải tạo điều kiện để người trồng chè gắn bó với mình để có đủ nguyên liệu.


Đằng sau thuận lợi đó đã bộc lộ một số bất cập, đó là tình trạng tranh mua tranh bán. Hiện tại, chỉ có Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông có hợp đồng đầu tư, thu mua chè tươi cho người sản xuất. Còn 3 nhà máy tư nhân không đầu tư cho vùng nguyên liệu nhưng vẫn tranh mua tranh bán sản phẩm. Điều này là trái với Quyết định 82 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, chè nội vùng của xí nghiệp chỉ có 100 ha chè kinh doanh, ở các xã: Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Số diện tích khoảng 400 ha chè kinh doanh còn lại là của địa phương. Song vấn đề ở đây là kể cả diện tích chè nội vùng của xí nghiệp, người dân cũng muốn bán sản phẩm cho nhà máy tư nhân. Tìm hiểu nguyên nhân, người dân cho rằng, cơ chế thu mua chè búp tươi của xí nghiệp quá khắt khe và không có tiền mặt. Có ý kiến nói rằng, do công suất chế biến của xí nghiệp quá nhỏ nên không tiêu thụ hết sản phẩm cho dân.

Theo chúng tôi, ý kiến này là không chấp nhận, vì lãnh đạo xí nghiệp – ông Nguyễn Viết Thanh đã khẳng định: Hầu hết thời gian trong năm nguyên liệu không đủ cho nhà máy hoạt động hết công suất. Trung tuần tháng 3/2012, chúng tôi vào khu vực chế biến chè của xí nghiệp, thấy lượng chè tươi không đáng kể. Cán bộ kế hoạch ở đây cho biết, do người dân bán sản phẩm cho nhà máy tư nhân nên xí nghiệp nhiều lúc khan nguyên liệu. Do vậy, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông cần có chính sách thu mua nguyên liệu hợp lý để người trồng chè thực sự gắn bó.


Về lâu dài, có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của nhiều nhà máy thu mua chế biến chè tư nhân trên địa bàn gây khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, chính quyền địa phương cần lập lại quy chế các cơ sở chế biến và người trồng chè, đẩy mạnh hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường kiểm tra đối với các nhà máy tư nhân, nhằm đảm bảo nghĩa vụ thuế nhà nước và quản lý chất lượng sản phẩm. Tránh tình trạng khi đói nguyên liệu là tranh mua tranh bán, không kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến chất lượng sản phẩm hàng hóa kém.


Đi tìm một cơ chế mới


Trao đổi với Công ty TNHH 1 thành viên Phát triển chè Nghệ An, ông Đinh Văn Nghiệp – Trưởng phòng Kế hoạch cho biết: Để cây chè phát triển một cách bền vững và tạo gắn kết giữa người trồng chè với công ty, ngay từ đầu năm, công ty đã xây dựng cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp, tổ chức thu mua đến tận hộ. Để thực hiện được cơ chế đó, công ty giao cho các xí nghiệp lập hồ sơ theo dõi thời gian đầu tư, chăm sóc và thu hái đối với từng hộ trồng chè, nhằm tránh hiện tượng khi không có nguyên liệu, lúc thì quá tải. Đến nay, công ty đã lập hồ sơ ký kết với 3.193 hộ trồng chè. Trong đó, Xí nghiệp chè Con Cuông 290 hộ, Xí nghiệp chè Bãi Phủ 392 hộ, Xí nghiệp chè Hùng Sơn 902 hộ, Xí nghiệp chè Anh Sơn, Xí nghiệp chè Hạnh Lâm 800 hộ, Ngọc Lâm 270 hộ, Thanh Mai 293 hộ. Mỗi hộ đều có hồ sơ riêng để theo dõi quá trình đầu tư, chăm sóc và thu hái, phân loại chè trong cả năm. Làm được điều này sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các xí nghiệp với hộ trồng chè.


Về phương thức thanh toán, các năm trước chưa có cơ chế thanh toán phù hợp nên xảy ra hiện tượng hộ trồng chè có lúc không muốn bán sản phẩm cho xí nghiệp. Tháo gỡ khó khăn đó, năm nay công ty huy động nguồn vốn và giao cho các xí nghiệp thanh toán 2 lần/tháng (trước đó thanh toán 1 lần/tháng). Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, cần tiền là xí nghiệp giải quyết ngay. Với những chính sách thu mua mới của công ty, năm nay những hộ trồng chè đã ký kết với các xí nghiệp hoàn toàn yên tâm đầu ra sản phẩm. Bởi đây là xuất phát từ nguyện vọng của người trồng chè.


Xác định chè là cây có thu nhập ổn định, phù hợp với nhiều vùng miền núi, do vậy UBND tỉnh đã có kế hoạch mở rộng diện tích chè đến năm 2015 là 11 nghìn ha. Hiện tại toàn tỉnh đã có 8 nghìn ha. Như vậy, trong 4 năm tới, tỉnh ta sẽ trồng mới 7 nghìn ha chè. Riêng Công ty TNHH 1 thành viên Phát triển chè Nghệ An, theo ông Nghiệp, quỹ đất để trồng chè của đơn vị còn 470 ha, phấn đấu đến năm 2015 là trồng hết diện tích. Ngoài ra, công ty sẵn sàng đầu tư cho những địa phương đề xuất trồng chè. Nhưng địa phương phải cam kết đến thời điểm thu hoạch phải tạo điều kiện cho công ty thu mua sản phẩm. Vấn đề đặt ra là địa phương đó phải quy hoạch diện tích trồng chè tập trung, không phân tán để công ty xây dựng xí nghiệp thu mua chế biến ngay tại địa phương. Xã Hùng Sơn (Anh Sơn) là điển hình trong công tác quy hoạch và phát triển chè công nghiệp, đến nay sự phối hợp giữa công ty với chính quyền dịa phương và người trồng chè rất tốt.


Sản phẩm chè khô, chè đen của Nghệ An đã có thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Do vậy, từ nhiều năm nay, Nghệ An là một trong những tỉnh có sản phẩm chè đen xuất khẩu nhiều nhất nước. Để chè Nghệ An xuất khẩu ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, người trồng chè cần phải nghiêm túc thực hiện việc thu hái đảm bảo chất lượng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sự phối kết hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các xí nghiệp với chính quyền địa phương và hộ trồng chè là điều kiện tốt nhất để cây chè phát triển ổn định cả về diện tích, tiêu thụ sản phẩm và tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Để cây chè phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO