Để chữ cho mường

07/09/2013 10:52

Bà con các dân tộc anh em ở xã vùng cao Châu Thái (Quỳ Hợp) thường gọi già Lang Xuân San là “người để chữ cho mường”. Là người con của dân tộc Thái, sinh ra ở bản Đồng Minh (Châu Thái - Quỳ Hợp), suốt tháng năm tham gia công tác xã hội, cho tới tuổi “thất thập cổ lai hy”, già vẫn luôn đau đáu lo chuyện học hành của con em dân bản...

(Baonghean) - Bà con các dân tộc anh em ở xã vùng cao Châu Thái (Quỳ Hợp) thường gọi già Lang Xuân San là “người để chữ cho mường”. Là người con của dân tộc Thái, sinh ra ở bản Đồng Minh (Châu Thái - Quỳ Hợp), suốt tháng năm tham gia công tác xã hội, cho tới tuổi “thất thập cổ lai hy”, già vẫn luôn đau đáu lo chuyện học hành của con em dân bản...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, con chữ đã đưa chàng trai nghèo Lang Xuân San đến với công tác xã hội. Vừa làm vừa học, đắp bồi thêm kiến thức, người con của bản Đồng Minh đã làm lên đến chức Trưởng phòng Tài chính huyện Quỳ Hợp. Suốt những năm tháng ấy, ít ai biết rằng Lang Xuân San luôn canh cánh nỗi niềm về chuyện học hành của con em nơi bản quê. Năm 1993, nhận quyết định về hưu, không chọn cho mình chỗ ở ngay thị trấn trung tâm, ông khăn gói về nơi mình đã sinh ra, âm thầm làm điểm tựa lo chuyện học hành của con trẻ.


Già Lang Xuân San.

Già kể với tôi, ngày về bản quê, điều trăn trở nhiều nhất không phải là những thiếu thốn vật chất mà là chuyện học hành của con em trong vùng. Chẳng nhìn đâu xa, ngay mấy đứa cháu của già, nguy cơ thất học cũng cận kề. Phần vì bố mẹ tối ngày lo kế sinh nhai, phần thì trường học liêu xiêu dột nát, đường đến trường quá gian nan, những bản nhỏ hễ mưa đến là biệt lập với bên ngoài như ốc đảo... Vậy nên, con trẻ đến trường cứ bữa đực bữa cái, con chữ cứ thế mà rơi rớt...

Sau nhiều suy tính, già xin với chính quyền nhận vùng đất hoang gần trường học để cải tạo đào ao thả cá, trồng cây, nuôi gà và cất căn lán nhỏ để cho các cháu tiện việc học hành. Những con em bản xa, cũng có chỗ mà trú qua đêm. Già đón hai cháu nội là Lang Văn Gia và Lang Văn Du về ở cùng. Phần thương bố mẹ vất vả sớm hôm, phần thương ông bà chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi để lo cho mình ăn học, Gia và Du đều chí thú học hành... Lương Văn Gia học rất giỏi, cậu đã đậu vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với số điểm cao, luôn là sinh viên ưu tú. Thật không may, học đến năm cuối Gia bỗng dưng phát bệnh tâm thần và giờ đây suốt ngày cứ ngồi ngơ ngẩn!


Nén nỗi niềm riêng, già lại dốc lòng lo cho chuyện học hành của con em dân bản. Quý cái tâm của già, mọi người đã bầu già giữ chức Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Châu Thái. Không quản đường sá gian nan, già lại đến từng nhà động viên con cháu học hành. Day dứt không yên khi biết tin về một cháu nào đó bỏ học giữa chừng, đua đòi bạn xấu. Và, vui đến vỡ òa khi tin mừng con em đỗ đạt được báo về.

Trong câu chuyện bên thềm năm học mới, tôi đọc thấy trong mắt già Lang Xuân San lấp lánh ánh vui khi kể về những tấm gương hiếu học mà già thường gắn bó. Đó là gia đình ông Hà Thanh Tâm, có ba người con đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm; gia đình các ông Nguyễn Văn Ninh, Lê Văn Nhung đều có con cái học hành đỗ đạt... Niềm vui cứ thế đan hòa trong niềm vui của bà con dân bản, để rồi cùng cháy bừng khát vọng rằng con chữ sẽ góp phần xua đi đói nghèo tăm tối nơi mảnh đất này...


Bài, ảnh: Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Để chữ cho mường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO