Để hệ thống y tế ngoài công lập phát triển lành, mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hiện nay, hệ thống y tế ngoài công lập ở Nghệ An có sự phát triển rất mạnh mẽ; góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn có nhiều cơ sở y tế ngoài công lập sai phạm, vi phạm pháp luật…

Nhiều điểm sáng

Trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập được tỉnh Nghệ An khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Tính đến 31/7/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 696 cơ sở khám, chữa bệnh với nhiều hình thức tổ chức khác nhau, bao gồm: 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; 35 phòng khám đa khoa; 646 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế (có 31 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập ký hợp đồng bảo hiểm y tế). Trong đó, các bệnh viện ngoài công lập phân bố, tập trung chủ yếu tại thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Tân Kỳ; các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tập trung tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

bna_Ảnh Thành Chung (6).JPG
Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Minh An, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Nguồn nhân lực tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển, với 1.083 bác sĩ, 1.245 điều dưỡng, 304 kỹ thuật viên, 109 hộ sinh và các chuyên ngành khác. Cùng với sự phát triển của nguồn nhân lực, các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập cũng có cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại, phù hợp với mô hình đăng ký theo quy định. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp cho người dân dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, tỷ lệ bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh hàng năm ngày một tăng, góp phần tích cực vào việc giảm tải các cơ sở y tế công lập.

Nhìn chung, các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập đều đảm bảo các điều kiện hoạt động và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Quá trình hoạt động cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh đảm bảo, dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tư nhân nhiệt tình, chu đáo, làm hài lòng người bệnh... Qua đó, đã tạo được niềm tin với người dân, thu hút được một số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.

Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế ngoài công lập là 1.940.806 lượt (trong đó, khám ngoại trú 973.840 lượt, nội trú 976.326 lượt). Tổng chi phí bảo hiểm xã hội thanh toán là 1.757,9 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa -Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ở thời điểm hiện tại, Nghệ An là địa phương đứng thứ 3 của cả nước về phát triển hệ thống y tế ngoài công lập. Hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nghệ An sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của hệ thống y tế ngoài công lập, đến năm 2030 phấn đấu đạt 26 giường bệnh/10.000 dân.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng

Bên cạnh những ưu điểm, mặt tích cực thì hệ thống y tế ngoài công lập ở Nghệ An cũng có không ít tồn tại, hạn chế, đó là: Thứ nhất, ngoài các bệnh viện thì một số phòng khám đa khoa được đầu tư có quy mô, cơ sở vật chất đảm bảo, các cơ sở hành nghề y còn lại đều có quy mô nhỏ, việc đầu tư nguồn lực còn hạn chế. Các cơ sở mới chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường, chưa có các dịch vụ chất lượng cao.

bna_Nhiều bệnh viện ngoài công lập kê thêm giường điều trị, trong khi nhân lực và cơ sở vật chất không tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, quyền lợi của bệnh nhân. Ảnh tư liệu Thành Chung.JPG
Nhiều bệnh viện ngoài công lập kê thêm giường điều trị, trong khi nhân lực và cơ sở vật chất không tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, quyền lợi của bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Thành Chung.

Thứ hai, số cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phép vẫn còn tồn tại, theo thống kê của các huyện trước khi ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/01/2018 có 685 cơ sở hành nghề không phép và đến ngày 28/02/2023 còn 28 cơ sở (đã giảm thêm 657 cơ sở) chủ yếu là cơ sở Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền. Công tác quản lý nhà nước của một số địa phương chưa thực hiện tốt trong vấn đề hoạt động hành nghề y ngoài công lập, chưa có biện pháp mạnh, quyết liệt.

Bác sĩ Trần Nguyên Truyền – Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho hay: Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/7/2023, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Công an tỉnh Nghệ An, thành lập 26 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 182 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Trong đó, có 28 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hành vi vi phạm. Sở Y tế đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 654 triệu đồng, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khắc phục hậu quả; đồng thời, tiến hành tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng.

Thứ ba, về cơ bản các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đều được cấp phép hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn có những bệnh viện chất lượng khám, chữa bệnh có nơi không đáp ứng yêu cầu; thực hiện chỉ định nhập viện điều trị nội trú trong một số trường hợp chưa thật cần thiết và còn có tình trạng chỉ định xét nghiệm chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật. Một số bệnh viện có nhiều sai phạm trong thanh, quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, vi phạm pháp luật.

Cũng theo Thanh tra Sở Y tế Nghệ An: Hiện nay, ở lĩnh vực spa, phun xăm, làm đẹp, chưa có quy định phải được Sở Y tế thẩm định cấp phép trước khi hoạt động như các phòng khám, dịch vụ y tế khác. Đây là lĩnh vực có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực spa, phun xăm, thẩm mỹ, mắt kính vẫn chưa rõ, chưa nghiêm, gây khó khăn khi áp dụng.

Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ

Yêu cầu thực tế đặt ra là cần phải lành mạnh hoá hoạt động của hệ thống y tế ngoài công lập để thúc đẩy sự phát triển của ngành Y tế Nghệ An. Chính vì vậy, trong tháng 8/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã lựa chọn lĩnh vực tổ chức hoạt động y tế ngoài công lập để thực hiện giám sát. Đoàn Giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện giám sát tại một số bệnh viện ngoài công lập tại thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu.

bna_Ảnh Thành Chung (1).JPG
Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Qua hoạt động giám sát này, Đoàn giám sát đã phát hiện thêm một số vấn đề của hệ thống y tế ngoài công lập. Đó là tình trạng vi phạm pháp luật, không đóng bảo hiểm cho người lao động ở một số cơ sở. Các cơ sở y tế ngoài công lập đang gặp phải, như khó khăn trong việc mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao; chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chưa được thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giường thực kê; khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao; việc triển khai các dịch vụ y tế cao, danh mục kỹ thuật mới còn hạn chế do quá nhiều thủ tục; việc liên kết mời các bác sĩ, chuyên gia giỏi từ các bệnh viện tuyến Trung ương còn gặp nhiều khó khăn do quy trình, thủ tục.

Việc quản lý các cơ sở y tế ngoài công lập cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thì: Công tác quản lý gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, nhất là quy định liên quan đến tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động đối với phòng khám y học cổ truyền. Lực lượng quản lý mỏng, không thể thường xuyên kiểm tra, khi kiểm tra cũng không có khách làm thủ thuật nên không xử lý được. Việc áp dụng các quy định xử phạt cũng khó khăn do nhiều cơ sở không có khả năng nộp phạt. Việc cấp giấy phép hoạt động còn khó khăn do còn những vướng mắc trong ký hợp đồng xử lý rác thải.

Trong buổi làm việc cùng Sở Y tế Nghệ An, Đoàn Giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị Sở Y tế tổng hợp các vấn đề vướng mắc để tham mưu cho các cấp, ngành có biện pháp tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ giúp cho hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển. Đối với những kiến nghị liên quan đến vấn đề vĩ mô của các cơ sở y tế ngoài công lập, địa phương, Sở Y tế như bổ sung, sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đưa tiêu chí đánh giá về công tác quản lý nhà nước về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập vào đánh giá công tác thi đua hàng năm...Đoàn giám sát thực hiện tổng hợp, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.