Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

25/10/2013 20:49

(Baonghean) - Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương và đặc biệt sự nỗ lực của người dân, ngành chăn nuôi Nghệ An đã đạt được nhiều thành công đáng kể, mang lại giá trị sản xuất trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên phương thức chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ, gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng thịt, dịch bệnh.

Hiện nay Nghệ An có tổng đàn trâu, bò lớn nhất cả nước, tổng đàn lợn đứng thứ 3 toàn quốc, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng cao, thu nhập ngành chăn nuôi chiếm 41,5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản lượng thịt gia súc năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2012 tăng 9,09% so với năm 2011, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 4,71% so năm 2011, tổng sản lượng thịt lợn tăng 1,06%. Toàn tỉnh hiện có 121 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNN, trong đó 54 trang trại chăn nuôi lợn, 32 trang trại chăn nuôi gà, vịt, 41 trang trại chăn nuôi trâu bò, còn lại trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Có được những thành công trên, trước tiên phải kể đến nỗ lực của người dân trong việc phát triển ngành chăn nuôi. Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, ban hành chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển đúng hướng. Vấn đề kiểm soát dịch, dập dịch khi xảy ra đã được Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện quyết liệt, nhờ đó nhiều năm qua ở Nghệ An không xảy ra những vụ dịch lớn. Nhiều huyện, xã đã xác định ngành chăn nuôi là ngành mũi nhọn.

Ngoài các nguyên nhân mang tính nội sinh trên còn phải kể đến hiệu quả của các dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi triển khai trên địa bàn tỉnh. Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm đã xây dựng được 5 xã thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) tại 4 huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương với 10 nhóm GAHP 200 hộ tham gia, trong đó xây dựng 10 mô hình mẫu thực hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tạo sản phẩm sạch. Cải tạo nâng cấp 13 chợ buôn bán thực phẩm, thiết kế cải tạo 3 lò giết mổ gia súc tập trung…

Tuy vậy, chăn nuôi ở Nghệ An vẫn còn một số tồn tại cần sớm có hướng giải quyết. Tỷ lệ trâu, bò được chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung so với tổng đàn toàn tỉnh không cao. Trang trại chăn nuôi ở Nghệ An phát triển rải rác, phần lớn là tự phát, quy mô trang trại vừa và nhỏ, chủ yếu quy mô hộ gia đình, với nguồn vốn tự có. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hạn chế phát triển chăn nuôi hàng hóa, đồng thời hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thịt, kiểm soát dịch bệnh.

Đàn bò của trang trại anh Lầu Bá Chò ở Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Xuân Hoàng
Đàn bò của trang trại anh Lầu Bá Chò ở Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hãng thức ăn chăn nuôi có sản phẩm bán trên thị trường, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng không diễn ra thường xuyên, đặc biệt các đại lý thức ăn chăn nuôi vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong giám sát chất lượng.

Quản lý giết mổ và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đang gặp nhiều bất cập. Mặc dù có những điểm sáng về giết mổ gia súc tập trung tại Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành nhưng nhìn chung tình trạng giết mổ gia súc trên địa bàn toàn tỉnh vẫn không kiểm soát được, chủ yếu do người dân giết mổ tại nhà, lò mổ tập trung chưa phát huy hiệu quả. Do không có các khu giết mổ tập trung nên công tác kiểm tra vệ sinh thú y còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra vệ sinh thú y hầu hết chỉ diễn ra tại các chợ, tụ điểm mua bán sản phẩm động vật, việc kiểm tra được động vật trước khi giết mổ hầu như không xảy ra.

Trong năm 2012, mặc dù đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm xảy ra ở 51 ổ dịch tại 12 huyện. Dịch tai xanh xảy ra 7 ổ dịch tại 7 huyện. Dịch lở mồm long móng xảy ra ở 6 huyện. Bệnh tụ huyết trùng ở bò xảy ra 3 ổ dịch tại 2 huyện. Tổng số trâu, bò phải tiêu hủy lên tới hàng trăm con và hàng ngàn con gia cầm với hàng chục tấn thịt.

Để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh, bền vững, trong thời gian tới cần phải có định hướng và giải pháp thực hiện quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các ngành chuyên môn, các địa phương:

Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu trình UBND tỉnh định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh trên cơ sở kế thừa và phát triển những kết quả đạt được, đồng thời phải có các giải pháp tích cực giải quyết những tồn tại. Để khuyến khích chăn nuôi phát triển, UBND tỉnh cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi, nhưng cần rà soát lại theo hướng tập trung vào những sản phẩm, khâu đột phá mũi nhọn trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi để phát huy hiệu quả.

Các địa phương có lợi thế phát triển ngành chăn nuôi cần huy động các nguồn lực đầu tư tại địa bàn: Nguồn vốn từ Trung ương, các dự án nước ngoài, chính sách đầu tư của tỉnh, nguồn lực địa phương hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển. Cần chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm mà địa phương có lợi thế, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với những giống vật nuôi bản địa cho sản phẩm chất lượng cao nhưng có nguy cơ mai một như: Vịt bầu Quỳ Châu, Gà đen H.Mông… cần có định hướng và đề ra các giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh duy trì và phát triển tổng đàn cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thịt. Giám sát phương thức chăn nuôi của người dân, kiểm tra tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt lợn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh. Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại địa phương. Thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác phòng dịch, khi dịch bệnh xảy ra cần kiên quyết tập trung dập dịch tránh tình trạng lây lan đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn và các địa phương lân cận. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các hãng sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm soát giá cả, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, ép giá của các nhà phân phối. Giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn.

Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là vấn đề rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền; nghiêm túc thực hiện của người dân tham gia giết mổ và cả thái độ tích cực của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, cần sớm xây dựng chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thịt từ khâu giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ.

Nguyễn Thái Tuấn (Chi cục QLCL Nông Lâm sản & Thủy sản)

Mới nhất
x
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO