Đề nghị tránh 'tư duy nhiệm kỳ' trong đổi mới sách giáo khoa

23/12/2015 23:24

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới cần tuân thủ theo đúng quy trình, tránh tạo cảm giác "tư duy nhiệm kỳ".

Ngày 23/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mời lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Toán học, Sinh học, Địa lý, Sử học, Vật lý, Hóa học… để góp ý kiến về đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng.

Báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ Giáo dục đã chủ động thực hiện các công việc chuẩn bị. Bộ cũng đã công bố dự thảo chương trình tổng thể ra để xin ý kiến rộng rãi.

de-nghi-tranh-tu-duy-nhiem-ky-trong-doi-moi-sach-giao-khoa

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc gặp nghe ý kiến góp ý. Ảnh: HT

Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo nghị quyết Trung ương được chuẩn bị và tiến hành theo lộ trình rất rõ ràng, chặt chẽ. Hiện Bộ đã xây dựng, lấy ý kiến và báo cáo Hội đồng giáo dục quốc gia cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.

"Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng chương trình tổng thể chưa có sự tham gia chính thức của các Hội khoa học, nhưng các Hội sẽ đóng góp trực tiếp khi xây dựng chương trình môn học và tiếp đó là biên soạn sách giáo khoa", ông Hiển thông tin.

Lãnh đạo và chuyên gia của các Hội chuyên ngành tham dự buổi làm việc đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn. Đa số ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua, tuy nhiên cho rằng Bộ Giáo dục cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến thông qua cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng. Đặc biệt phải chú ý phản hồi, phân tích ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có suy nghĩ Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới cần tuân thủ đúng quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng…, tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.

"Triển khai vội vàng, rồi nhiệm kỳ bộ trưởng mới có làm tiếp không, giải quyết cái cũ như thế nào?", ông Quốc băn khoăn.

de-nghi-tranh-tu-duy-nhiem-ky-trong-doi-moi-sach-giao-khoa-1

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: HT

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh góp ý: "Bộ Giáo dục cần đi từng bước một chứ không nên dàn hàng ngang thực hiện".

Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam Nguyễn Đại Hưng, GS Phan Huy Lê góp ý, Bộ cần thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà khoa học. Các chuyên gia hoàn toàn tôn trọng chuyên môn về khoa học giáo dục và vai trò quản lý nhà nước của Bộ, nhưng rất muốn có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận qua lại để đi tới đồng thuận.

"Bộ đã thành lập ban cải cách và lấy ý kiến, nhưng chỉ lấy đại trà trong phạm vi Bộ Giáo dục, lấy ý kiến các hội chuyên ngành và giới chuyên gia quá ít. Lẽ ra trong quá trình xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông phải tranh thủ ý kiến chuyên gia và hội nghề nghiệp, nhưng Bộ làm rất hạn chế. Đơn cử môn Sử không có chuyên gia nào tham dự (ban đầu Bộ có mời PGS Nghiêm Đình Vỳ nhưng vì bất đồng ý kiến với ban đổi mới nên sau đó không tham gia)", GS Lê nói và cho rằng, như vậy là thiếu sự dân chủ.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình việc lấy ý kiến phải có cơ chế chính thức, làm việc chuyên môn với các hội khoa học. "Chúng ta cần những chuyên gia thực sự sâu sát để ngồi bàn vào nội dung của chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh những nhà sư phạm cần có nhà khoa học đầu ngành để có sự kết hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành", GS Thuyết bày tỏ.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục, từ đó quyết định các vấn đề quan trọng của giáo dục hiện nay.

Cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia đã luôn tâm huyết, đóng góp ý kiến cho sự nghiệp giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

"Cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các Hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất", Phó thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng cũng "đặt hàng" liên hiệp hội góp ý, tham gia vào dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia mà Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành. Phó thủ tướng sẽ trực tiếp nghe, tiếp thu, trao đổi ý kiến với liên hiệp hội và đề nghị Bộ Giáo dục tăng cường tiếp thu, trực tiếp trao đổi ý kiến với các Hội.

Đối với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục bàn thống nhất với liên hiệp hội nội dung và điều kiện đảm bảo cần thiết để liên hiệp hội, hội khoa học tham gia ngay từ quá trình xây dựng chương trình tổng thể bên cạnh việc huy động, mời các nhà khoa học tham gia với tư cách chuyên gia như Bộ đã dự kiến.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đề nghị tránh 'tư duy nhiệm kỳ' trong đổi mới sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO