Để người dân tái định cư ổn định cuộc sống
(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (Thanh Chương) sau một thời gian khá dài. Khác với tâm trạng ái ngại và lo lắng cho đồng bào khi mới chuyển về đây không biết họ sẽ thích nghi và ổn định cuộc sống như thế nào khi đất vườn, đồi núi xung quanh trống trơn một màu bàng bạc của đất; bây giờ tất cả đang được hồi sinh bởi màu xanh của khoai, sắn, chuối, cam, xoài, mía... và cây nguyên liệu.
(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (Thanh Chương) sau một thời gian khá dài. Khác với tâm trạng ái ngại và lo lắng cho đồng bào khi mới chuyển về đây không biết họ sẽ thích nghi và ổn định cuộc sống như thế nào khi đất vườn, đồi núi xung quanh trống trơn một màu bàng bạc của đất; bây giờ tất cả đang được hồi sinh bởi màu xanh của khoai, sắn, chuối, cam, xoài, mía... và cây nguyên liệu.
Gặp chị Lương Thị Hồng, ở bản Tạ Xiêng, xã Ngọc Lâm, đang thả thức ăn cho cá ở ao nhà nằm sát bên đường, hỏi về đời sống của gia đình, chị vui vẻ cho biết: Ở đây làm được cái chi cũng dễ bán cả, như chuối ngự, chè xanh gia đình tui trồng nhưng cũng có được ăn uống đâu, suốt ngày người vào hỏi mua. Dẫn chúng tôi vào nhà, chị Hồng giãi bày: "Trước đây ở Tương Dương đất để sản xuất nhiều, thích làm bao nhiêu thì làm, về dưới này đất sản xuất ít, lạ nước lạ cái, chưa nắm bắt được cách làm nên ban đầu cũng thấy bất an, lo lắng. Dần dần được cán bộ chỉ cho cách sản xuất, gia đình chịu khó khai hoang làm được 1 vụ lúa nước khoảng 16 bao lúa và 1 vụ cá tính ra mỗi năm gia đình cũng bán được vài ba tạ cá; trồng lạc thu hoạch được vài tạ/năm; rồi keo lai, xoài, chuối... hàng năm cũng cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình còn nuôi 2 lứa lợn/năm và 7 con trâu, hàng chục con gà. Nói chung, cuộc sống dễ dàng hơn, giao thông đi lại thuận lợi, con cái có điều kiện học tập. Hiện tại, con trai đầu đã đi làm ở thành phố, con trai thứ 2 đang theo học lớp kỹ thuật điện, ở nhà chỉ còn đứa con gái út học lớp 9".
Rong ruổi trên những triền đồi khu tái định cư, chúng tôi cảm nhận được không gian hiện hữu đầy sức sống nơi đây. Dừng chân trước ngôi nhà sàn khá bề thế với đầy đủ các mặt hàng, từ xi măng, tấm lợp prôximăng, lưới B40, xăng dầu, đến gạo ăn và các mặt hàng tạp hóa của gia đình anh Lô Văn Dần (bản Tạ Xiêng), được anh cho biết: "Về đây, được tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn răng thì làm rứa thôi. Họ hướng dẫn trồng sắn hàng hóa, trồng keo, nuôi lợn đàn có tiêm phòng,... làm theo thấy cái chi cũng phát triển tốt cả. Khác với quê cũ chỉ làm rẫy, nay ở đây cái này, cái khác nên kinh tế gia đình khá hơn". Hiện tại, ngoài mở dịch vụ buôn bán, gia đình anh Dần còn nuôi 50 - 60 con lợn mỗi năm và trồng 1 ha keo lai, 1 ha sắn, chuối, mía... Có điều kiện kinh tế, vợ chồng anh đã quan tâm chăm lo việc học cho các con. Bây giờ, các con anh lần lượt đều là học sinh tiên tiến của Trường tiểu học Hương Tiến.
Vui với sự đổi mới đi lên của đồng bào, chúng tôi cũng đã được các anh Lang Văn Hoài - Phó phòng Dân tộc huyện Thanh Chương; Lô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm đi cùng cho biết: "Ban đầu, đồng bào rất lo lắng bởi đất sản xuất ít, lại không quen với khí hậu, cách thức canh tác mới... Cùng với thời gian, với sự hỗ trợ "cầm tay chỉ việc" của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp của huyện Thanh Chương, đồng bào cũng dần đi vào ổn định và ngày càng thích nghi với cung cách làm ăn mới, cách sống mới. Có nhiều gia đình thật sự rất háo hức, mạnh dạn mở dịch vụ, khai hoang trồng lúa nước, trồng ngô, lạc, trồng sắn, cây ăn quả, trồng chè; đào ao nuôi cá, nuôi lợn nít, lợn đen, nhím, gà cỏ, nuôi ếch. Điển hình như gia đình các ông Lô Xuân Bình, Vi Tuyền Quynh, Lô Dương Tấn, Lay Thanh Phùng (xã Thanh Sơn); Lục Văn Tiến, Lô Văn Dần, Vi Văn An, Vi Văn Tuyển (xã Ngọc Lâm)... Cùng với đó, thông qua hỗ trợ của huyện, một số lớp học nghề đã được mở, như gò hàn, may công nghiệp, dệt thổ cẩm, mây tre đan..., đã tạo điều kiện cho con em đồng bào có cơ hội tìm kiếm việc làm mới và thu nhập ổn định".
Bên cạnh niềm vui, chúng tôi cũng chạnh lòng khi tỷ lệ đói nghèo ở khu tái định cư này còn cao và đặc biệt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã trở thành cố hữu trong đồng bào. Có lý do để chúng tôi nói điều đó, bởi như gia đình anh Lô Văn Dần, ở bản Tạ Xiêng (Ngọc Lâm), mặc dù thời điểm chúng tôi có mặt, trong chuồng của gia đình có hàng chục con lợn và kinh doanh nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng, gạo, tạp hóa vẫn cứ nói rằng "còn phải chờ sự hỗ trợ của Nhà nước thôi!". Khi chúng tôi động viên: "Cuộc sống của gia đình anh như thế này là tốt rồi, cố gắng phát triển hơn nữa và cùng giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào cùng làm như mình".
Rời khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi mang theo bao đề xuất của đồng bào, như mong muốn có đủ diện tích đất để sản xuất; sớm giao rừng "da báo" cho người dân bảo vệ và sử dụng để tránh khai thác lâm sản trái phép; đồng thời có một số cơ chế, chính sách riêng cho 2 xã khu tái định cư nhằm tạo điều kiện cho đồng bào tái định cư vươn lên bằng sức mình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và tin vui đến với chúng tôi khi đặt bút viết bài này là vừa qua, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh, các kiến nghị, đề xuất của đồng bào đã được đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc, khẳng định: UBND tỉnh sẽ quyết tâm làm việc bằng được với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết, khắc phục những tồn tại, như điều chỉnh, sửa chữa những bất cập tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, bao gồm thực hiện đền bù để giao rừng "da báo" cho đồng bào. Đồng thời, cam kết sẽ tập trung để lo cho đồng bào khu tái định cư có thu nhập, ổn định cuộc sống qua các dự án sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Mai Hoa