Để phát huy hiệu quả sàn giao dịch việc làm
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH tháng 10/2010, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai sàn giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành. Tuy vậy, sau 3 năm hoạt động, sàn giao dịch đã không đạt hiệu quả như mong đợi.
(Baonghean) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH tháng 10/2010, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai sàn giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành. Tuy vậy, sau 3 năm hoạt động, sàn giao dịch đã không đạt hiệu quả như mong đợi.
Sàn giao dịch việc làm là nơi tổ chức kết nối việc làm, tổ chức cho doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển lao động trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm; nơi tổ chức, tiếp nhận đăng ký tìm việc, đăng ký học nghề, đăng ký tuyển dụng trực tiếp thông qua hệ thống máy tính. Còn thực tế, có thể hiểu nôm na, sàn giao dịch việc làm là một cái “chợ”, ở đó, người mua (doanh nghiệp) và người bán (lao động) trực tiếp gặp nhau, trao đổi với nhau về khả năng, trình độ, mức lương, điều kiện làm việc... từ đó tiến tới ký kết thỏa thuận, hợp đồng lao động.
Còn ở tỉnh ta, từ khi khai trương sàn giao dịch việc làm đến nay, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức được 47 phiên giao dịch việc làm với gần 500 lượt doanh nghiệp (DN) và gần 13 nghìn lượt lao động (LĐ) tham gia; đã tư vấn cho gần 10 nghìn LĐ và giới thiệu việc làm cho gần 1.200 người. Ông Hồ Ngọc Hùng – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các ngành nghề, đối tượng cần tuyển, chế độ lương, các loại bảo hiểm, các quyền lợi của DN dành cho người LĐ..., đồng thời liên hệ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn để tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động của sàn giao dịch. Thông qua các phiên giao dịch, nhiều LĐ tìm được việc làm ổn định, các DN tìm được người phù hợp với yêu cầu của đơn vị; đồng thời, các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề có thể nắm bắt sát tình hình cung - cầu lao động trên thị trường để có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động”.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu với mục tiêu ban đầu là mỗi phiên giao dịch số LĐ tìm được việc làm đạt từ 50-70 người thì có thể thấy, sàn giao dịch việc làm chưa thu hút được người LĐ cũng như các DN tham gia tuyển dụng. Có mặt tại phiên giao dịch ngày 10/8 vừa qua, chúng tôi nhận thấy không khí sàn giao dịch việc làm chưa sôi động. Theo quy định, từ tháng 9/2012, mỗi tháng sàn giao dịch sẽ tổ chức 2 phiên vào các ngày 10 và 25 hàng tháng cả hai buổi sáng, chiều.
Nhưng theo quan sát của chúng tôi, LĐ chỉ đến nhiều vào đầu buổi sáng, khoảng 10h thì giảm hẳn. Cả phiên giao dịch có 10 DN đăng ký tuyển dụng nhưng chỉ có 4 DN trực tiếp đến tuyển LĐ là Công ty cơ khí và xây dựng Hà Thành, Công ty cổ phần Hưng Phát, Công ty TNHH thương mại & dịch vụ Hiền Dũng và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 4. Trong phiên giao dịch này, có 310 LĐ đăng ký tìm việc nhưng chỉ có 90 LĐ tham gia phỏng vấn tại sàn. Còn theo số liệu tổng hợp từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi phiên giao dịch chỉ thu hút được 10-12 DN tham gia. Số LĐ tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm đạt thấp, chỉ xấp xỉ 20 - 25 người/phiên.
Lao động tham gia phỏng vấn tại phiên giao dịch việc làm ngày 10-8.
Ông Đặng Cao Thắng – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sàn giao dịch việc làm chưa sôi động, nguyên nhân chính là hiện các DN trên địa bàn hoạt động kém hiệu quả do tác động suy thoái kinh tế, dẫn đến cơ hội việc làm thấp. Mặt khác, phần lớn các DN có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư hạn chế, thiếu kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết, dài hơi nên phát triển nhân lực chụp giật, chắp vá.
Một nguyên nhân nữa là LĐ và DN thiếu thông tin về sàn giao dịch việc làm. Tại phiên giao dịch vào ngày 10/8, chị Trần Thị Kiều Loan (SN 1989), trú tại Diễn Tháp – Diễn Châu, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp tháng 11/2012, cho biết: “Hiện ở quê rất ít người biết đến sàn giao dịch việc làm. Em chỉ biết qua giới thiệu của chị họ và trước khi đến sàn, em cũng chưa biết sàn giao dịch việc làm là gì”. Còn về phía các DN, anh Hồ Sỹ Phúc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phú Sơn có trụ sở ở xóm 18, xã Nghi Phú (TP Vinh) cho biết: "Tôi cũng chỉ nghe về sàn giao dịch việc làm qua bạn bè nhưng thấy ít thông tin cập nhật về sàn nên chưa biết hiệu quả tuyển dụng ra sao, vì vậy chưa muốn tham gia”. Qua tìm hiểu, được biết, để tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm mới chỉ liên hệ với các KCN tỉnh, Tỉnh đoàn, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn… chưa tăng cường tuyên truyền tại các địa phương, tổ chức phát tờ rơi, trên phương tiện thông tin đại chúng… để LĐ trong tỉnh nắm bắt thông tin về sàn giao dịch.
Cũng do thiếu thông tin cụ thể về sàn giao dịch nên nhiều LĐ và DN không có sự chuẩn bị kỹ để đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, không ít LĐ đến với Sàn giao dịch việc làm với tâm thế chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa”. Đại diện của Công ty CP Cơ khí và xây dựng Hà Thành nhận xét: “Nhiều lao động nộp hồ sơ rất sơ sài, chỉ đi thăm dò, tìm hiểu cách thức phỏng vấn xin việc lấy kinh nghiệm chứ không thật sự tìm việc”. Còn các DN cũng dừng ở mức độ sơ khảo chứ chưa lựa chọn và trả lời ngay cho LĐ, dẫn đến kết quả giao dịch tại sàn đạt thấp.
Thêm một hạn chế khác, theo ông Nguyễn Đăng Dương, trưởng phòng Lao động – Việc làm – Tiền lương – BHXH (Sở LĐ-TB&XH) thì hiện các cán bộ, nhân viên làm việc tại sàn chưa được đào tạo bài bản; Chưa điều tra, khai thác được nhiều thông tin về nhu cầu lao động trong và ngoài tỉnh. Việc tư vấn về kỹ năng làm hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho LĐ chưa được thực hiện một cách chu đáo, dẫn tới không tạo được sự hứng thú cho LĐ khi đến với sàn. Ngoài ra, dù được đầu tư ban đầu 3 tỷ đồng, nhưng qua 3 năm hoạt động, đến nay, toàn bộ hoạt động của sàn giao dịch việc làm vẫn chỉ diễn ra trong một căn phòng rộng chừng 70m2 với khoảng 10 máy vi tính để tra cứu thông tin, khu vực phỏng vấn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của LĐ và DN.
Bên cạnh đó, cán cân cung - cầu lao động còn nhiều bất cập. Anh Dương Xuân Phúc – Phó phòng Thông tin, thị trường - Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, hiện nay các DN tham gia sàn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, hầu hết chỉ tuyển dụng công nhân cơ khí kỹ thuật và lao động phổ thông, trong khi LĐ đến sàn phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm hơn 60%). Ví như ở phiên giao dịch ngày 10/8, trong số 310 LĐ đến tham gia tuyển dụng thì có đến hơn 200 người có trình độ đại học, cao đẳng. Mặt khác, đối với các LĐ ở phân cấp này, các DN yêu cầu có kinh nghiệm, trong khi hầu hết LĐ đều vừa tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp được một thời gian …
Theo Chương trình mục tiêu giải quyết việc làm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 26/9/2011, mỗi năm tỉnh ta phấn đấu giải quyết việc làm cho 4 vạn LĐ. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động thì công tác phát triển thị trường lao động, trong đó có việc nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN và người LĐ nâng cao nhận thức về sàn giao dịch việc làm; đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ; tăng cường kết nối thông tin với các sàn giao dịch việc làm của các tỉnh, thành trong cả nước để tìm kiếm cơ hội việc làm nhiều hơn cho người lao động…
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước có 45/63 tỉnh, thành triển khai sàn giao dịch việc làm. Một số sàn giao dịch việc làm ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… được đánh giá hoạt động rất hiệu quả, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 30-40 DN và từ 600- 800 LĐ tham gia, trong đó có khoảng 300 - 400 LĐ được sơ tuyển thông qua sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, cũng chỉ có hơn 30 sàn hoạt động thường xuyên với tần suất 1-2 phiên giao dịch/tháng.
Bài, ảnh: Minh Quân