Để thủ tục hành chính không "cay nghiệt, độc ác"
(Baonghean)- Tại phiên họp hôm 23/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi bàn về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề dược theo dự thảo Luật Dược sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: “Thủ tục hành chính với dân bây giờ cay nghiệt lắm, độc ác lắm!”. Câu nói được nhiều cơ quan báo chí đăng tải khiến dư luận rất quan tâm. Nhất là khi chủ trương cải cách hành chính để nền công vụ thực sự vì dân phục vụ đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt từ nhiều năm nay.
Công khai thủ tục hành chính -ảnh minh họa |
Chuyện bắt đầu từ qui định trong dự thảo Luật Dược được trình ra trước Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó việc cấp Chứng chỉ hành nghề dược được thực hiện 5 năm một lần hoặc cấp vĩnh viễn nhưng định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn. Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Vì thế mà khi góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi:“Tại sao lại không cấp một lần mà 5 năm lại cấp lại?”. Rồi chính ông lại là người trả lời câu hỏi này khi cho rằng, nhiều thủ tục hành chính chỉ làm nhiêu khê, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân và doanh nghiệp, như đã nhiều lần ông phát biểu trước Quốc hội. Vì thế mà ông không ngần ngại nói rằng: “Thủ tục hành chính với dân bây giờ cay nghiệt lắm, độc ác lắm!”.
“Thủ tục hành chính rườm rà”, “không minh bạch” là “mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho tệ quan liêu, tham nhũng”, gây bao “phiền nhiễu cho nhân dân”, “cản trở quá trình hội nhập và phát triển của đất nước”… là những cụm từ đã trở nên quen thuộc, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều báo cáo đánh giá, phân tích những tồn tại hạn chế của nền hành chính và các thủ tục hành chính công trong thời gian qua. Nhưng phải dùng tới từ “cay nghiệt, độc ác lắm” thì có lẽ đây là lần đầu người dân được nghe! Điều đó cho thấy sự bức xúc không chỉ ở cộng đồng doanh nghiệp hay người dân - chủ thể phải gánh chịu những tồn tại hạn chế của những thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch, mà đã trở thành nỗi lo của cả các nhà lập pháp – những người chịu trách nhiệm xây dựng và giám sát quá trình thực thi pháp luật, giữ vững nền nếp, kỷ cương xã hội.
Thủ tục hành chính thì phải chặt chẽ, nhưng chặt mà không được làm khó người dân, để các thủ tục ấy thực hiện đúng vai trò điều chỉnh hành vi xã hội, chứ không phải là thứ đặt ra để một số người lợi dụng nó mà nhũng nhiễu, bóp nghẹt, vòi vĩnh. Ngay như việc cấp phép hành nghề dược, hiệu quả thực sự của công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này không nằm ở thời hạn mấy năm cấp phép một lần, mà là ở công tác quản lý, kiểm tra những người hành nghề thực sự. Bởi trên thực tế, tình trạng cho thuê bằng hành nghề dược vẫn diễn ra tràn lan mà ngành chức năng không thể nào kiểm soát nổi.
Công bằng mà nói thì nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông suốt, phục vụ nhân dân đã được Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, chính quyền địa phương thực hiện từ nhiều năm nay. Nhiều Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành, “Năm cải cách thủ tục hành chính” cũng không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành một mệnh lệnh, một cam kết với các chỉ tiêu rất cụ thể để “tối thiểu phải cắt giảm được 25% các thủ tục hành chính”.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%, mọi người được làm những gì mà pháp luật không cấm; để những cụm từ “rườm ra, không minh bạch, gây khó cho doanh nghiệp” hay “cay nghiệt, độc ác với người dân”, không còn lặp lại trong các báo cáo về thủ tục hành chính công, không chỉ cần ở những cam kết chính trị mà phải là sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của các cơ quan chức năng; sự giám sát mạnh mẽ của cộng đồng và cả sự trăn trở của không chỉ những nhà lập pháp!
Vân Thiêng