Để thực sự là "dân số vàng"

20/01/2014 18:44

(Baonghean) -Cuối năm 2013, Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu, trở thành quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Đây cũng là giai đoạn dân số Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”, nghĩa là cứ hai người trong độ tuổi lao động mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc. Nhưng phát huy lợi thế này như thế nào thì cần phải có nhiều giải pháp, đặc biệt là ở một tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước như ở Nghệ An…

Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đăng ký khám và điều trị miễn phí qua chiến dịch CSSKSS. Ảnh: Thu Hương
Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đăng ký khám và điều trị miễn phí qua chiến dịch CSSKSS. Ảnh: Thu Hương

Với dân số xấp xỉ 3 triệu người, nếu so sánh thì dân số Nghệ An lớn hơn số dân cả vùng Tây Bắc và gấp 10 lần dân số của tỉnh Bắc Cạn. Những năm qua, Nghệ An đã phát huy được lực lượng đông đảo này, trong đó riêng về thành tích trong giáo dục Nghệ An luôn đứng đầu cả nước với nhiều em đạt học sinh giỏi quốc tế, học sinh giỏi quốc gia và hàng năm tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng luôn ở mức cao, là một trong những tỉnh có số lượng giáo sư, tiến sỹ nhiều nhất cả nước. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đó thì do xuất phát điểm về dân số thấp, dân cư thuộc các huyện miền núi cao còn khá đông nên theo GS - TS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Mặc dù dân số Nghệ An đông nhưng hiện nay chất lượng dân số chưa cao, hiện có đến 42% dân số tốt nghiệp từ tiểu học trở xuống, 13,4% dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp kỹ thuật trở lên, 67,8% lao động nông, lâm, ngư nghiệp, 7,1% lao động công nghiệp và xây dựng và chỉ có 25,1% lao động dịch vụ. Tỷ lệ người không bị khuyết tật thấp với 88,7%, chỉ cao hơn Thái Bình: 87,6% và Hà Tĩnh: 88,5% (trong khi trung bình chung của cả nước là 92,2%), tuổi thọ trung bình của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ nhanh. Cụ thể, năm 2006 là 118 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2008 là 122 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2009 là 128 trẻ em trai/100 trẻ em gái; và năm 2012 là 116 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Trong phân bổ dân cư, với mật độ 117 người/km2 (gấp 4 đến 5 lần mật độ chung cả nước), Nghệ An là một tỉnh “đất chật người đông”, lực lượng dân cư phân bố chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỉnh cũng đã có quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế mở nhưng chưa thu hút được các nguồn đầu tư xây dựng. Chính vì vậy chưa thu hút được nguồn nhân lực lao động nói chung và điều phối dân cư nói riêng.

Song song với đó, dân số Nghệ An cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Chưa đạt mức sinh thay thế và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Nếu trung bình một năm có gần 60.000 trẻ ra đời thì theo dự báo của Tổng cục Dân số/KHHGĐ thì phải đến năm 2025, chậm nhất đến năm 2029 Nghệ An mới đạt mức sinh thay thế. Ước tính, thời điểm đó, dân số Nghệ An sẽ đạt 4 triệu người (tăng 26%), điều đó sẽ gây nên một áp lực lớn, bởi theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: Theo tính toán của các nhà kinh tế, cứ tăng 1% dân số cần tăng 4% GDP thì mới đạt mức sống như hiện tại. Trong khi đó, tỉnh ta vẫn là một tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, GDP/người còn thấp. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, phát triển bền vững và gây nhiều áp lực về giáo dục, y tế, việc làm…

Thực tế, dù chưa đến ngưỡng 4 triệu người nhưng hiện nay tỉnh ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dân số quá đông. Như trong giáo dục, một vài năm trở lại đây với quan niệm “heo vàng”, “rồng vàng”, “trâu bạc”… mà tỷ lệ trẻ tăng cao đột biến và phá vỡ dự kiến về quy mô trường lớp. Vì thế cứ đến đầu các năm học, phụ huynh mới phải chạy đôn chạy đáo để xin cho con đi học, lớp nào cũng rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như ở Thành phố Vinh, toàn thành phố số cháu trong độ tuổi phải phổ cập mầm non là 30.047 cháu nhưng hiện nay số cháu được ra lớp (kể cả các nhóm lớp độc lập) mới chỉ có 17.884 cháu (chiếm 59,5%).

Hay như trong việc làm, hiện nay mỗi một năm tỉnh ta có hơn 3 vạn người bước vào độ tuổi lao động. Thị trường nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, có sức hấp dẫn đầu tư nhưng cơ hội việc làm cho lao động ở thị trường trong tỉnh còn quá ít, đa phần người lao động, nhất là lao động phổ thông muốn kiếm được việc làm phải đi đến các thành phố lớn. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ở lực lượng lao động trí thức còn khá phổ biến khi hiện nay cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học ở tỉnh nhà rất thấp, việc trải thảm đỏ chưa thực sự thu hút lao động chất lượng cao do cơ chế chưa hợp lý và chưa sắp xếp được công việc thích hợp - ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Việc làm - Bảo hiểm xã hội, (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết.

Những hạn chế trên cũng chính là những thách thức của Nghệ An khi bước vào thời kỳ “dân số vàng” và đặt chúng ta trước những bài toán khó để làm sao phải nâng cao chất lượng dân số, nâng cao trình độ của người lao động và các giải pháp để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân… Để thực hiện, thời gian qua, Ngành Dân số đã đồng thời tiến hành 5 đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số đó là Đề án Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển giai đoạn (2009 - 2020); Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh giại đoạn (2011- 2015); Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn (2011 - 2015); Đề án Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giai đoạn (2011 - 2015); Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng (giai đoạn 2012 - 2015).

Qua đó đã từng bước giúp cho người dân thuộc các lứa tuổi ở các địa phương được tư vấn, chăm sóc hỗ trợ trong quá trình mang thai, sinh con, trưởng thành hay tuổi về già. Đồng thời trang bị máy móc thiết bị để các cơ sở chủ động hơn trong việc thăm khám sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động, như hỗ trợ lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất, dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy vậy, để dân số phát triển ổn định và thực sự bền vững thì chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm, trong đó cần phải điều chỉnh mức sinh, hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3, hạn chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, kéo dài thời kỳ dân số vàng. Tiếp tục có nhiều chính sách để quan tâm đầu tư cho người lao động, hỗ trợ người lao động học nghề, tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động…

Trong công tác đào tạo, chuyển hoạt động dạy nghề theo hướng nhu cầu của thị trường lao động; đa dạng hoá các hình thức đào tạo; có chính sách và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề; đổi mới cơ chế giao chỉ tiêu dạy nghề bằng cơ chế hợp đồng đào tạo. Tạo điều kiện cho người lao động liên thông nâng cao bậc trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của các ban ngành, phải xem dân số là công việc chung và là “Một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là yếu tố cơ bản để phát huy nguồn lực của con người” theo đúng tinh thần của Nghị quyết TW 4, khóa 7 đã đề ra…

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Để thực sự là "dân số vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO