Để TP. Vinh trở thành trung tâm thương mại vùng: Những thách thức

10/05/2014 22:27

(Baonghean) - Trở thành trung tâm thương mại khu vực Bắc Trung bộ là 1 trong 10 tiêu chí của Thành phố Vinh vào năm 2020 theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Tiêu chí này được kỳ vọng là có cơ sở nhất trong các tiêu chí còn lại, tuy nhiên nếu thiếu những giải pháp đột phá thì vẫn rất khó đạt.

Quầy hàng hải sản ở Siêu thị Big C (TP. Vinh).
Quầy hàng hải sản ở Siêu thị Big C (TP. Vinh).

Nhờ những lợi thế từ lịch sử, từ vị trí địa lý, thương mại - dịch vụ là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất của Thành phố Vinh trong những năm qua, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Giá trị gia tăng ngành thương mại dịch vụ có xu hướng tăng nhanh dần trong các năm gần đây. Từ năm 2005 đến nay, giá trị gia tăng thương mại, dịch vụ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, bình quân giai đoạn 2006 - 2010 giá trị này tăng 15%, giai đoạn 2011 - 2013 tăng 22,5%. Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao được ghi nhận là: bán buôn bán lẻ, vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh trong những năm vừa qua. TP. Vinh đã từng bước hình thành một số đầu mối tập kết, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Nghệ An cũng như khu vực.

Số liệu thống kê của Viện Chiến lược - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 6.784 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2013 đạt 17,2%/năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh, bằng 27,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế, 37% của tỉnh Quảng Trị, 41,1% của cả tỉnh Quảng Bình và 23,6% của Hà Tĩnh nhưng chỉ chiếm 3,7% so với toàn vùng Bắc Trung bộ. Về kế hoạch xuất khẩu của Thành phố Vinh năm 2013 đạt 297, 6 triệu USD. Nếu so sánh với Thừa Thiên Huế thì bằng 59%, gấp 2,7 lần so với tỉnh Quảng Trị, 2,2 lần so với Quảng Bình, 2,9 lần so với Hà Tĩnh và bằng 36,2% so với tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, Vinh có hệ thống mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển rộng khắp. Toàn thành phố có 16 siêu thị, 18 chợ. Trong đó có 2 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, 13 chợ hạng III. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu được phân bố hợp lý với 38 cửa hàng. Trong thành phố đã và đang hình thành nhiều phố chuyên doanh như phố hàng nội thất Trần Phú, vật liệu xây dựng Phan Đình Phùng, thuốc tân dược Nguyễn Phong Sắc… Vinh còn có Sân bay Vinh thu hút khá đông du khách đến Thành phố Vinh tham quan du lịch mua sắm và đầu tư.

Đó là những thuận lợi để tạo đà cho Vinh đi lên và phát triển. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm về thương mại dịch vụ của vùng Bắc Trung bộ thì hiện nay Vinh chưa xây dựng được “nền móng”, chưa có dấu ấn rõ nét. Dễ dàng nhận thấy về nhu cầu mua sắm hàng hóa thông thường hiện nay tại các tỉnh của vùng Bắc Trung bộ đều đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân nội tỉnh. Từ xe máy, xe đạp, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, vàng bạc, tân dược cho đến các hàng hóa thiết yếu. Người dân Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa ít khi ra Vinh để mua sắm ngoại trừ một bộ phận nhỏ người lao động về Vinh tìm cơ hội việc làm. Các tỉnh trong khu vực đều có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị đáp ứng nhu cầu của người dân. Mối liên kết về tiêu thụ hàng hóa chỉ còn thấy ở những chuyến tàu chợ vận chuyển hàng rau, củ, quả từ Vinh về các huyện vùng cao của tỉnh Hà Tĩnh hay chở bưởi, cam từ Hà Tĩnh về Vinh. Những tiểu thương Hà Tĩnh ra Vinh mua sỉ thuốc tây và quần áo may mặc sẵn… Hoặc gần đây hàng điện tử ở Vinh phát triển mạnh, người Hà Tĩnh cùng ra mua sắm như điện thoại Iphone, Ipad.. Nói cách khác chỉ thấy sự liên kết giữa Vinh và Hà Tĩnh trong giao lưu hàng hóa, tiêu thụ liên tỉnh, còn đối với các tỉnh khác dấu ấn về thương mại dịch vụ rất mờ nhạt.

Mỗi một tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đều có thế mạnh riêng trong phát triển thương mại dịch vụ và nếu cần tìm ở Vinh một điểm hấp dẫn về thương mại dịch vụ thì phải là những cái mà họ không có hoặc chưa có. Điều này thì Vinh vẫn chưa thu hút được. Sau 5 năm đi lên đô thị loại I, Vinh vẫn chưa có một trung tâm thương mại đủ tầm để thu hút sự quan tâm và sức mua sắm đến mức không thể cưỡng lại được của du khách. Thiếu một trung tâm thương mại đẳng cấp với đủ các mặt hàng có thương hiệu mạnh trên thế giới, sự phục vụ chuyên nghiệp và tiện lợi. Hiện nay như ở chợ Vinh hàng hóa chủ yếu là hàng may mặc sẵn và các hàng hóa thiết yếu, thực phẩm phục vụ hàng ngày. Còn Big C - đại siêu thị ở Thành phố Vinh vẫn chủ yếu là hàng bình dân, hàng chế biến công nghệ. Ở Vinh vẫn còn thiếu những doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thương mại dịch vụ ở Vinh có nguồn vốn chủ yếu là vốn vay ngắn hạn. Một số siêu thị đang ngày càng thể hiện sự bất cập và có dấu hiệu sắp đóng cửa khi ở đây nhiều dãy quầy hàng để trống, số lượng các mặt hàng ngày càng thu hẹp.

Vinh còn một hạn chế nữa đó là chưa khai thác, tận dụng được lợi thế của một đô thị có truyền thống và điều kiện vượt trội trong việc hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với lưu thông phân phối, giữa bán buôn với bán lẻ của thành phố với các huyện thị cũng như các tỉnh lân cận.

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 chỉ rõ: Xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Chỉ còn 6 năm nữa để Vinh thực hiện được điều đó. 6 năm không phải là ngắn nếu Vinh xây dựng được một chiến lược phát triển theo quy mô vùng và chiến lược đó được hậu thuẫn của Trung ương, của tỉnh, bắt nhịp được với mong muốn của người dân. Thời gian đó cũng không ngắn nếu Vinh tạo được một dấu ấn mạnh mẽ trong tiềm lực nội tại và thu hút được đầu tư tốt. Thương mại dịch vụ chỉ thực sự phát triển khi sản xuất, công nghiệp của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, Vinh cần “xốc” lại các dự án đầu tư, các trung tâm thương mại được cấp phép, các quy hoạch, các khu đất dành cho thương mại, có các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại lẫn cơ chế khuyến khích mua sắm của người dân. Hiện nay giá đất, giá hàng hóa trên địa bàn còn kém cạnh tranh... Và Vinh rất cần có những chính sách thông thoáng đặc thù để có thể thực hiện được chức năng là cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Châu Lan

Mới nhất
x
Để TP. Vinh trở thành trung tâm thương mại vùng: Những thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO