Để vấn đề cháy xe sớm được làm rõ

04/01/2012 16:05

Nguyên nhân của các vụ cháy xe trong thời gian vừa qua vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền chính thức khẳng định. Trong khi đó, xe cứ tiếp tục cháy ở nơi này, nơi nọ.

Tâm trạng hoang mang đang có dấu hiệu lan rộng trong cộng đồng cùng với câu hỏi treo lơ lửng: liệu lúc nào đó sẽ đến lượt xe của mình bốc cháy và mình sẽ là nạn nhân?

Hẳn các cơ quan chức năng, theo đúng phận sự được giao phó, đã và đang vào cuộc để làm rõ bản chất của sự việc, từ đó, có biện pháp xử lý thích hợp. Đặc biệt, các nhà sản xuất, phân phối cũng ít nhiều quan ngại về tác động tiêu cực của tâm trạng xã hội ấy và, do sự thôi thúc tự nhiên của yêu cầu bảo vệ lợi ích trong hoat động kinh doanh của riêng mình, đã có những động thái nhất định nhằm tìm hiểu căn nguyên của sự việc.

Vấn đề đối với người tiêu dùng, nhất là đối với những người trực tiếp chịu thiệt hại từ những vụ cháy xe, là làm thế nào để câu trả lời chính xác về nguồn gốc của sự cố, tai nạn được đưa ra trong thời gian sớm nhất. Đã hơn một tháng kể từ vụ nổ xe máy gây tử vong cho một người phụ nữ đang mang thai cùng với đứa con nhỏ, mở đầu một chuỗi cháy xe liên tục, mà câu trả lời vẫn chưa có. Dư luận dễ nghi ngại một cách chính đáng rằng sự chậm trễ ấy một phần do các chủ thể có liên quan và có trách nhiệm xã hội, pháp lý đối với việc này chưa thực sự căng sức làm việc và nỗ lực hết mình.

Thực ra, mọi người đều hiểu rằng số lượng xe bốc cháy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, cực nhỏ, so với tổng số lượng xe đang lưu hành. Mặt khác, trong điều kiện dịch vụ vận chuyển công cộng chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu đi lại của xã hội, phương tiện di chuyển cá nhân vẫn được ưa chuộng một cách phổ biến. Điều đó có nghĩa là sức tiêu thụ xe máy, xe hơi vẫn có điều kiện được duy trì ổn định ở mức cao trong hoàn cảnh hiện tại.

Đúng là từ những vụ cháy xe, xã hội có lo lắng về tình trạng kém an toàn của phương tiện đi lại; nhưng đó chỉ là nỗi lo chung chung, không nhắm đến một loại hay nhiều xe nào, mang một hay nhiều nhãn hiệu nào cụ thể. Bởi vậy, bất chấp sự tiếp diễn của các vụ cháy, chưa có một nhà sản xuất, phân phối nào thực sự chịu sức ép đặc biệt của xã hội để phải tỏ ra tích cực, mẫn cán trong việc hợp tác tìm kiếm giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro mất an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Rõ ràng, để các doanh nghiệp có liên quan có thái độ phản ứng hợp lý và thiết thực trong hoàn cảnh hiện tại, điều cần thiết là phải làm cho từng doanh nghiệp nhận biết tường tận về những đòi hỏi cụ thể của xã hội đối với mình: nếu doanh nghiệp X hay Y nào đó, có nhiều xe bị cháy, không tỏ ra có trách nhiệm trong việc làm rõ nguyên nhân của các vụ cháy xe, thì sẽ có nguy cơ không bán được hoặc ít nhất không bán được nhiều hàng như trước, do người tiêu dùng sẽ quay lưng, tẩy chay.

Tất nhiên, việc một, hai thậm chí một nhóm người tiêu dùng riêng lẻ lên tiếng không đủ để tạo ra luồng ý kiến xã hội có sức mạnh cảnh báo đối với doanh nghiệp. Ở các nước tiên tiến, người tiêu dùng trong những tình huống tương tự sẽ lên tiếng thông qua hội của mình. Chỉ có tổ chức tập thể và tự nguyện của người tiêu dùng mới có được tư thế và thực lực cho phép đứng đối trọng với doanh nghiệp và nhắc nhở doanh nghiệp về trách nhiệm đối với xã hội. Với khả năng tổ chức, phát động ứng xử tập thể, đồng loạt của hội viên, hội có thể trừng phạt một cách có hiệu quả các doanh nghiệp nào không chịu hợp tác trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại cho người tiêu dùng liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Chính khả năng đó tạo ra uy thế của hội khi đứng trước doanh nghiệp, khiến cho những yêu cầu, khuyến cáo của hội thực sự có trọng lượng, được doanh nghiệp lắng nghe và đáp ứng với thái độ nghiêm túc và tích cực.

Hội chưa tạo ra được sức ép xã hội đủ lớn

Nội dung trả lời phỏng vấn của đại diện hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thể hiện thái độ trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn của một tổ chức gọi là “đại diện” của cộng đồng người tiêu dùng. Đáng ra hội cũng phải có động thái cho thấy doanh nghiệp trong những hoàn cảnh như vậy mà không có thái độ tích cực hợp tác hơn nữa để tìm ra nguyên nhân thì cho dù doanh nghiệp không bị quy lỗi, cộng đồng người tiêu dùng cũng sẽ có thái độ mang tính trừng phạt chính đáng. Với tư cách nhà sản xuất, doanh nghiệp cần có thái độ ứng xử biết điều hơn để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt là trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Hội có tư cách nói điều đó với doanh nghiệp mà không mang tính quy chụp, kết án gì cả. Đó là sự nhắc nhở. Nhưng hội đã không có phản ứng cần thiết, không tạo ra được sức ép xã hội đủ lớn. Vì sao hội chưa tỏ ra tích cực trong việc nói tiếng nói đại diện của người tiêu dùng? Câu trả lời nằm ở chỗ đó không hẳn là hội tự nguyện của người tiêu dùng, nên hội không cảm nhận được lợi ích của người tiêu dùng là lợi ích của chính mình.


Theo SGTT

Mới nhất
x
Để vấn đề cháy xe sớm được làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO