Đề xuất nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục Anh Sơn

06/04/2017 10:05

(Baonghean) - Hàng năm, ngành giáo dục Anh Sơn đều đề ra các giải pháp tạo bước đột phá, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện.

Lạng Sơn là xã diện khó khăn của huyện Anh Sơn nhưng với nỗ lực chung, giáo dục của địa phương đã có nhiều khởi sắc, chất lượng các trường từ mầm non đến THCS đều được khẳng định.

Trong đó Trường mầm non Lạng Sơn là trường tốp đầu của huyện về mọi mặt, được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm học 2015 - 2016. Trường tiểu học nhiều năm liền đạt chất lượng tốt, đặc biệt, trong cuộc giao lưu Olympic môn học và Kỹ năng sống năm học 2016 - 2017 toàn huyện, trường đạt thành tích cao. Trường THCS ngày một khang trang, chất lượng ngày một vững chắc.

Cô và trò Trường Tiểu học ở Anh Sơn trong ngày hội.
Cô và trò Trường Tiểu học ở Anh Sơn trong ngày hội. Ảnh PV

Không chỉ Lạng Sơn, giáo dục Anh Sơn những năm gần đây có sự chuyển biến rõ. Tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi cấp quốc gia, cấp tỉnh ngày càng cao. Nếu như năm học 2006 - 2007 xếp vị thứ 14 của tỉnh, thì đến năm học 2015 - 2016 xếp vị trí thứ 2, năm học 2016 - 2017 tiếp tục xếp vị thứ 2 toàn tỉnh. Trong đó, các môn học thế mạnh thường đứng vị thứ nhất tỉnh như môn Toán, Sinh học, Lịch sử, các môn thứ hạng cao như: Ngữ văn, Vật lý, Giáo dục công dân…

Chất lượng học sinh đại trà ngày một nâng lên, với học sinh các trường từ bậc học mầm non đến THPT trên địa bàn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Các em học sinh từ bậc mầm non đến THCS không chỉ được học “chữ” mà còn được tham gia nhiều hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm. Tùy từng bậc học, cấp học mà các em được vui chơi, học tập, bảo vệ, được thể hiện mình một cách toàn diện.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Anh Sơn được chú trọng; đều vươn lên tâm huyết với nghề. Số lượng giáo viên tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cao so với toàn tỉnh, trong đó nhiều giáo viên là thủ khoa trong kỳ thi này.

Trường Mầm non Lạng Sơn. Ảnh: P.V
Trường Mầm non Lạng Sơn. Ảnh: P.V

Cơ sở vật chất giáo dục - đào tạo của huyện cũng có nhiều chuyển biến rõ nét nhờ nguồn vốn đầu tư của các cấp, ngành và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Sau hơn 10 năm khởi động phong trào XHHGD, các trường học ở Anh Sơn đã tạo được bộ mặt khởi sắc, góp phần vào một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn đã có nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2, trường học khang trang, xanh, sạch, đẹp, thân thiện đảm bảo cho việc học tập và phát triển cho các em.

Để đạt được thành tích đáng tự hào đó phải kể tới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể ban lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn; sự đoàn kết tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh và phát triển của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn. Đặc biệt là tâm huyết của thầy giáo, thạc sỹ Vật lý Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo.

Hàng năm, ông đều đặt ra cho ngành một giải pháp đột phá nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đơn cử như trong dạy học theo mô hình trường tiểu học mới (VNEN), ngành Giáo dục Anh Sơn có cách làm riêng, vừa đảm bảo về mặt lý thuyết của mô hình nhưng vẫn phát huy được những điểm mạnh, kịp thời khắc phục được hạn chế.

Chính thầy giáo Nguyễn Đức Vĩnh đã đứng ra chủ trì, tổ chức một hội thảo, gợi mở, phản biện rồi thống nhất hành động. Chỉ thị 5105 của Bộ GD&ĐT ra đời ban đầu giáo viên hoang mang, phụ huynh lo lắng, xã hội nhiều ý kiến trái chiều nhau. Thầy Vĩnh đã nghiên cứu, quán triệt đội ngũ giáo viên các trường học thực hiện linh hoạt, sáng tạo chị thị này đảm bảo quyền lợi cho người học, tạo sự đồng thuận lớn trong giáo dục, tránh sự hiểu lệch lạc trong xã hội.

Cách đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư 30, Thông tư 22 đến chuyên đề đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được thầy Vĩnh trăn trở, giao bộ phận chuyên môn nghiên cứu kỹ văn bản, lắng nghe các ý kiến của các nhà giáo, nhà quản lý, phụ huynh học sinh; sự phản biện của xã hội ...

Mỗi dịp 20/11 hàng năm, thầy giáo Nguyễn Đức Vĩnh lại dành thời gian đến thăm gia đình các nhà giáo đã về hưu có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục huyện nhà. Vào đầu năm học và dịp lễ, Tết, thầy đến tận từng nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học động viên các em đến trường và trao cho các em những suất quà đầy ý nghĩa, giúp các em vượt qua khó khăn để đến trường.

Đến với các trường vùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Anh Sơn cũng luôn trăn trở tham mưu tìm dự án để xây dựng trường. Đối với các trường đang xây dựng “chuẩn”, ông thành lập tại chỗ các “Đội xung kích”, “Đội tình nguyện” nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình ...

Lê Văn Hoan

(Xã Lạng Sơn, Anh Sơn)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đề xuất nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục Anh Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO