Đền Cuông náo nức vào hội
(Baonghean) - Như thường niên, vào các ngày từ 12 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Đền Cuông lại được tổ chức. Với sự chuẩn bị chu đáo, Lễ hội Đền Cuông sẽ đón du khách thập phương hành hương về chốn linh thiêng để được đắm mình trong không khí náo nức của ngày hội truyền thống…
(Baonghean) - Như thường niên, vào các ngày từ 12 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Đền Cuông lại được tổ chức. Với sự chuẩn bị chu đáo, Lễ hội Đền Cuông sẽ đón du khách thập phương hành hương về chốn linh thiêng để được đắm mình trong không khí náo nức của ngày hội truyền thống…
Thục Phán An Dương Vương – vị vua thời Âu Lạc được ghi trong sử nước, đã in đậm trong tiềm thức người dân Việt gắn với những huyền sử về dấu tích thành Cổ Loa và câu chuyện cảnh giác “nỏ thần trao tay giặc”. Thông qua thiên diễm tình Mỵ Châu – Trọng Thủy, với cái kết bi tráng của hai cha con Thục Phán ở vùng núi Mộ Dạ và cửa biển Cửa Hiền, để Diễn Châu nói riêng và xứ Nghệ nói chung còn một di tích lịch sử văn hóa linh thiêng, dày dặn ý nghĩa lễ hội như ngày nay. Mỗi dịp hành hương về dự Lễ hội Đền Cuông, đối với người Việt, là dịp để ôn lại lịch sử cội nguồn và thể hiện lòng thành kính, ngưỡng vọng đối với bậc tiền nhân - Thục Phán An Dương Vương, người làm nên huyền thoại đánh thắng giặc phương Bắc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc...
Rước kiệu tại Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: Xuân Nhường |
Theo ông Phạm Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Trưởng ban Tổ chức lễ hội, thì mọi khâu tổ chức đã được chuẩn bị chu đáo bắt đầu từ một tháng trước để lễ hội năm 2014 này diễn ra được thực sự thành kính, trang nghiêm, đông vui, an toàn và tiết kiệm. Huyện đã đầu tư các hạng mục công trình gồm: sân lễ hội được quy hoạch mới hoàn toàn nằm ở phía đông Quốc lộ 1A, sát sân đền Cuông, thuận lợi cho công tác tổ chức và đáp ứng nhu cầu du khách mỗi lần về với đền Cuông. Sân hội mới có tường bao, mặt sân bằng cỏ, sân khấu rộng, quy hoạch đường đi lối lại, đường điện, công trình vệ sinh công cộng. Ngoài ra, đã sắp xếp lại hệ thống các lư hương, nơi soạn lễ, nơi hóa vàng nằm ở phía nam đền, có người hướng dẫn du khách thắp hương; lắp đặt hệ thống nước sạch phục vụ rửa đồ lễ cúng và phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy; tăng cường lực lượng an ninh, ngăn chặn tệ nạn lợi dụng lễ hội gây phiền hà cho nhân dân và du khách. Ban tổ chức giao xã Diễn An quản lý người ăn xin; giao các dịch vụ kinh doanh ký cam kết từ việc trông giữ xe, hàng ăn, các hoạt động văn hóa phẩm, đồ lưu niệm. Để thêm phần phong phú cho cảnh quan và thông tin đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách, Ban Tổ chức mời Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh về trưng bày triển lãm ảnh chủ đề truyền thống quê hương xứ Nghệ và thành tựu KT-VH-XH-AN-QP của tỉnh.
Nét mới ở Lễ hội Đền Cuông năm nay, là Ban Tổ chức chọn đêm 14/2 âm lịch (vào lúc 20h) tổ chức lễ khai hội (những năm trước tổ chức vào sáng 15), để nhân dân trong huyện và du khách gần xa chủ động sắp xếp công việc, hòa mình vào đêm hội lung linh bên núi Mộ Dạ. Trong đêm khai hội, du khách sẽ được thưởng thức tiết mục múa trống hội do Trung tâm Văn hóa Diễn Châu biểu diễn; thưởng thức hát ví dặm, ca trù do các nghệ nhân dân gian, các hạt nhân văn nghệ Diễn Châu biểu diễn. Cùng với đó là các tiết mục văn nghệ đặc sắc khác như hoạt cảnh, tiểu phẩm, trích đoạn ca kịch...
Trước, trong và sau đêm khai hội (tức các ngày 13 - 16 âm lịch) đều tổ chức sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như: hội thi cờ người, thi chim cảnh, đẩy gậy, kéo co, giải bóng chuyền nam - nữ, võ, hát dân ca, ca trù....
Trong tiết xuân chợt ấm lên sau đợt mưa rét kéo dài, làm nhuần tươi lên cảnh vật và thêm phần phong quang, trang nghiêm cho khu vực đền Cuông ngày vào hội. Đã có nhiều du khách gần xa về thành kính dâng hương. Bác Trần Minh Hà , một du khách đến từ Thành phố Nam Định vừa soạn đồ lễ vừa cho hay: "Năm nào đoàn chúng tôi cũng thuê 2 xe 24 chỗ vào đền Cuông dâng lễ vật tưởng nhớ vua Thục An Dương Vương. Năm nay chúng tôi rất phấn khởi là sân đền được làm mới rộng, sạch sẽ, có nước sạch, thuận lợi để đoàn dâng lễ". Còn bác Lê Minh Trí, đến từ Đông Anh (Hà Nội) tâm sự: "Năm nay tôi thấy đền Cuông nhiều đổi mới, có các điểm biển báo lối ra vào, công trình phụ trợ đảm bảo nhu cầu vui hội, hành lễ và sinh hoạt cho người về dự lễ hội rất tốt". Bác Trí nói thêm: "Như có duyên với mảnh đất có núi Mộ Dạ lần chim Hạc về sân hội đúng dịp tổ chức Lễ hội Đền Cuông năm 2001 và lần cá voi về biển Cửa Hiền năm 1998, tôi đều được chứng kiến.
Mỗi lần về đền Cuông tôi đều cầu mong cho mình được thêm nhiều sức khỏe, cuộc sống gia đình luôn sung túc, an vui, làm ăn thuận lợi". Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thành cho biết thêm, về với Lễ hội Đền Cuông 2014, du khách nay còn có điều kiện thuận lợi để thu xếp thời gian thưởng lãm quần thể danh thắng Cửa Hiền - hồ Xuân Dương, Khu du lịch biển Diễn Thành với ẩm thực hải sản tươi ngon đặc trưng của miền duyên hải Nghệ An... Du khách còn có thể ghé các chợ cá xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn cách đền Cuông không xa để thưởng thức các loại cá nướng trên bếp than hồng hoặc mua về làm quà cho người thân và bè bạn; thăm lại chùa Cổ Am - hồ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Khi vừa đắm mình trong không gian Lễ hội Đền Cuông, đến với các di tích danh thắng trên địa bàn Diễn Châu, du khách sẽ hiểu thêm tình đất, tình người đất Phủ Diễn - nơi có lịch sử hơn 1380 năm văn hiến…
Như thế, với sự chuẩn bị khá công phu, chu đáo cả phần lễ, phần hội và công tác phục vụ, an ninh trật tự, tin rằng Lễ hội Đền Cuông 2014 sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân huyện nhà và du khách về tham gia lễ hội.
Thu Hương