Kinh tế

Đến năm 2030, Nghệ An cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét

Xuân Hoàng 11/08/2024 15:32

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND về việc phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du trên địa bàn.

lu 2
Sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng xảy ra năm 2022 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Ngày 8/8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên địa bàn Nghệ An.

Mục đích của đề án là cung cấp thông tin về sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị xã hội.

Quán triệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu là chủ động nâng cao năng lực quản lý phòng chống lũ quét, sạt lở đất, thông tin cảnh báo sớm đến với cộng đồng dân cư tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Hình ảnh sạt lở núi, sập nhà tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) trong mùa mưa 2022, nay chưa được khắc phục. Ảnh Xuân Hoàng
Vùng miền núi cao của Nghệ An hàng năm thường xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại đến nhà cửa, tài sản của người dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn Nghệ An phục vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét, có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn tại các vị trí, khu vực rủi ro cao trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, duy trì ứng dụng các sản phẩm của đề án tại địa phương nhằm cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho cơ quan quản lý và người dân.

Điều tra, đánh giá lập bản phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh để thông tin cảnh báo đến cộng đồng dân cư.

Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030. Nguồn vốn do ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

Điểm sạt lở tại bản Pù Xén, bản Thạch Dương, xã Xá Lượng có chiều dài khoảng 100 mét về phía taluy dương. Đại diện Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho biết các công nhân thi công chủ yếu là người dân địa phương, bộ phận chỉ huy, giám sát từ các huyện miền xuôi lên. Các điểm kè chống sạt lở này sẽ được hoàn thành trong tháng 8/2024. Ảnh: Xuân Hoàng
Kè sọt đá chống sạt lở núi gây tắc đường trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: Quang An

Các huyện miền núi, trung du của Nghệ An hàng năm vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Đặc biệt những năm gần đây xảy ra các trận sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương... gây thiệt hại nặng nề đến các công trình giao thông, cầu cống, nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Mới nhất
x
Đến năm 2030, Nghệ An cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO