Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ tại Nghệ An
Nhắc đến cội nguồn dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta không ai không biết đến truyền thuyết về “Bọc trăm trứng” của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân sinh ra một trăm người con đất Việt. Sau này năm mươi người con theo Cha xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ lên non làm ăn sinh sống, tạo thành giống nòi Rồng - Tiên. Trong đó, người con cả ở lại đất Phong Châu làm Vua nước Văn Lang, lập ra triều đại Hùng Vương - triều đại đầu tiên của nước ta trong lịch sử...
(Baonghean) - Nhắc đến cội nguồn dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta không ai không biết đến truyền thuyết về “Bọc trăm trứng” của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân sinh ra một trăm người con đất Việt. Sau này năm mươi người con theo Cha xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ lên non làm ăn sinh sống, tạo thành giống nòi Rồng - Tiên. Trong đó, người con cả ở lại đất Phong Châu làm Vua nước Văn Lang, lập ra triều đại Hùng Vương - triều đại đầu tiên của nước ta trong lịch sử...
Tại vùng Cửa Xá, nay thuộc xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) còn lưu truyền câu chuyện về 2 trong số 100 người con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ khi đi về phương Nam (đến vùng Cửa Xá thấy phong cảnh tương đẹp, núi sông hùng vĩ, có cửa lạch cho thuyền đi ra bể, có đất đai bằng phẳng thuận tiện cho lao động sản xuất nên đã chọn nơi đây để dựng nghiệp). Họ cùng nhau khai hoang lập ấp, trồng trọt, đánh bắt, chăn nuôi gây dựng nên một cơ ngơi trù phú, đời sống ngày một giàu có, cư dân ngày một đông hơn, dòng tộc ngày càng lớn mạnh. Để ghi nhớ tới Mẹ Âu Cơ, nhân dân ở đây là xây dựng một am thờ ngay tại cửa biển, đấy chính là tiền thân của đền Cửa – nơi thờ phụng Quốc mẫu Âu Cơ ngày nay.
Tượng Quốc mẫu Âu Cơ tại đền Cửa.
Đến thế kỷ XIII, trước nguy cơ xâm lược từ đế quốc Nguyên Mông, triều Trần cử Chiêu Minh vương Trần Quang Khải vào trấn giữ Nghệ An, xây dựng và phát triển lực lượng nhằm ngăn chặn ý đồ đánh Đại Việt từ phía Nam. Khi đi thuyền từ biển cập vào bến Cửa, Chiêu Minh vương thấy mảnh đất này có núi sông bao bọc, giao thông thủy bộ đều thuận tiện liền đóng quân lập trại, xây dựng nơi đây thành một địa bàn chiến lược phòng ngự và tấn công quân Nguyên Mông.
Trong thời gian đóng quân tại đây, ngoài việc xây dựng căn cứ quân sự, Chiêu Minh vương còn cho xây dựng, trùng tu nhiều đền miếu. Sau khi đi khắp vùng cửa Xá, thấy đền thờ Mẫu Âu Cơ còn nhỏ hẹp chưa xứng với tầm vóc Quốc Mẫu, Thượng tướng Trần Quang Khải bèn cho xây dựng lại đền to đẹp hơn. Việc xây dựng đền mang ý nghĩa đề cao cội nguồn dân tộc, qua đó khích lệ lòng yêu nước thương nòi trong lòng tướng sĩ và nhân dân. Tạo động lực mạnh mẽ để cùng nhau bảo vệ Tổ quốc quê hương trước quân thù xâm lược. Từ đó, đền Cửa sớm chiều khói hương, trở thành một địa chỉ tâm linh quan trọng tại mảnh đất này.
Đền có tên gọi đền Cửa vì trước đây đền được xây dựng tại cửa biển Cửa Xá, và vùng này có ngọn núi Lò, nên có tên gọi là Cửa Lò. Đền Cửa trước thuộc thôn Hương Duệ, sau đổi thành Khánh Duệ nên đền còn được gọi theo tên làng là đền Khánh Duệ, nay thuộc xã Nghi Khánh huyện Nghi Lộc. Đền được xây dựng ở vị trí đẹp, quay mặt về phía Đông Nam trên mảnh đất hình chim Phượng Hoàng. Trải qua thăng trầm của thời gian và biến thiên của lịch sử, đền bị hư hại nhiều công trình và đã trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ. Tới năm 2003, đền được trùng tu tôn tạo lại với diện mạo như hiện nay.
Kiến trúc của đền theo kiểu chữ Tam gồm Hạ điện, Trung điện và Thượng điện cùng với một tam quan khá lớn làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm trang trọng. Đặc biệt, ở Tam quan cũng như trong Thượng điện đều có những đôi câu đối cổ ca ngợi công đức của Quốc mẫu Âu Cơ và Thượng tướng Trần Quang Khải. Gian thờ Quốc mẫu Âu Cơ được đặt tại vị trí trang trọng nhất dành cho vị thần chính ở thượng điện. Trên hương án có bức tượng mẫu Âu Cơ tư thế trang nghiêm, vẻ mặt hiền từ. Trải qua các triều đại sau này, đền còn là nơi phối thờ các vị thiên thần có công “hộ quốc tí dân” như Tam tòa Thánh mẫu, Thần Cao Sơn Cao Các và các vị nhân thần có công lao đối với đất nước và địa phương.
Mảnh đất Nghệ An là nơi từng ghi lại nhiều dấu ấn của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Vùng Thượng Xá (Cửa Lò) ngày xưa từng là một căn cứ chiến lược trong những trận thắng trước quân Nguyên Mông xâm lược. Công lao của ông đối với mảnh đất Thượng Xá vô cùng to lớn, tạo nên sự thành kính và biết ơn sâu sắc trong lòng nhân dân nơi đây. Chính vì vậy, ông được nhân dân xem như một vị thánh thần và phối thờ ngay tại đền. Ngoài ra, đền Cửa còn là nơi thờ phụng Tướng quân Ninh Vệ, quan Trấn thủ Nghệ An Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế và Nho sư Phùng Thời Tá, là những anh hùng, những danh nhân có công lao với nhân dân và địa phương.
Trong thời kỳ đấu tranh chống Pháp giành lại độc lập dân tộc, đền Cửa là địa điểm hội họp của huyện ủy Nghi Lộc. Nơi đây, từng là nơi hoạt động cách mạng và chỉ đạo phong trào yêu nước của các đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau này là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam) và đồng chí Hoàng Văn Tâm. Tháng 4/1931, đền Cửa là nơi nhân dân địa phương tổ chức biểu tình bắt tên tay sai giặc Pháp là Chánh Đoàn Hiệu và thành lập chính quyền Xô viết. Vào ngày 20/6/1932, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp khốc liệt, đồng chí Hoàng Văn Tâm bị giặc Pháp và tay sai bắt và xử bắn ngay tại chân núi Động Đình gần đền Cửa.
Không chỉ là di tích lịch sử tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng, đền Cửa còn là trung tâm của mảnh đất thiêng liêng ngàn năm văn vật. Đền Cửa trấn ngõ phía Tây Thị xã Cửa Lò, nhìn về phía Đông là đền thờ và lăng mộ danh nhân Phùng Phúc Kiểu, nhìn về phía Tây Bắc là đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, nhìn về phía Bắc là đền thờ Thái phó Nguyễn Sư Hồi. Sau lưng đền là núi Động Đình (núi Cờ). Ngày xưa, nơi đây có tượng người cao to đứng chỉ tay ra biển trên phần núi Mẫu Bóng chính là núi Mẫu Âu Cơ. Phía Đông Bắc là núi Kiếm, dịch ra phía Đông cùng mạch với núi Cờ là núi Lò, đối diện bên trái sông Cấm là dãy núi Rồng. Còn xa xa trước mặt là núi Hồng - sông Lam chở che bồi đắp. Bên trái đền có đảo Song Ngư và đảo Mắt trông về, còn bên phải là núi Thạch Động vươn cao sừng sững. Chầu xung quanh đền Cửa còn có các ngọn núi như núi Tượng Sơn, núi Bảng Nhãn, núi Lữ Sơn, hòn Lan Châu…
Đền Cửa cùng với đền Cờn ở Cửa Cờn, đền Sát Hải Đại Vương ở Cửa Vạn, đền Cuông ở Cửa Hiền, là 4 ngôi đền lớn tại các cửa biển xứ Nghệ. Nơi đây được người xưa chọn làm nơi muôn đời thờ phụng vị Quốc mẫu, người mẹ khai sinh ra dân tộc Việt Nam chúng ta. Ngày 23/12/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp bằng công nhận đền Cửa là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Từ năm 2010, Lễ hội đền Cửa được phục hồi và là một trong những hoạt động chính của Lễ hội sông nước hàng năm tại Thị xã Cửa Lò!
Bài, ảnh: Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)