Đi cá ở lòng hồ Hủa Na

02/06/2014 15:26

(Baonghean) - Cái nắng vùng cao xã Đồng Văn (Quế Phong) như đổ lửa, nhưng không ít người dân các bản Piềng Văn, Pù Duộc... vẫn miệt mài buông chài nơi lòng hồ thủy điện Hủa Na...

Chúng tôi đến xã Đồng Văn (Quế Phong) chưa đầy 8h sáng mà cái nắng đã chói chang như thiêu như đốt. Thi thoảng, lại gặp một vài người vác lưới trên vai đi ngược chiều, có người nét mặt rất vui, người lặng buồn. Mế Lộc nói: "Người dân đi cá từ trong lòng hồ ra đó. Khi đất sản xuất chưa có thì chỉ biết vào rừng, đi cá thôi. Từ đây vào lòng hồ độ gần 3 cây số". "Nắng to thế này, có ai đi cá nữa không hả mế?". "Vẫn có nhưng không đông như buổi sáng sớm. Nếu các con muốn vào giờ ni, ngoài đó vẫn có người quăng chài". "Lâu nay, mế có còn đi cá không ạ?". "Có chứ, không đi cá lấy mô ra tiền mua gạo, ngoài 70 vẫn lên rừng, đi cá là chuyện bình thường. Mùa hè 4 giờ sáng bà con đã đi cá rồi, 7 giờ về, sau đó, người lên rừng, người đi gùi nước.... Đất sản xuất chưa có thì đi cá là cứu cánh của bà con dân bản đó".

Thả lưới trên lòng hồ Hủa Na  Ảnh: Sỹ Minh
Thả lưới trên lòng hồ Hủa Na Ảnh: Sỹ Minh

Không đón được xe lai, chúng tôi đành đi bộ. Đường qua các bản Pù Duộc, Pù Khón... thưa thớt người, nhà cửa im lìm. Thi thoảng có vài bà lão ngồi trông cháu nhỏ. Trước vườn nhà những cây sắn héo rũ bởi nắng nóng kéo dài, đất nẻ chân chim. "Nhà mế có mấy người đi cá?". "Trừ mấy đứa nhỏ đi học, còn lại đi cá cả. Đi cá để dành tiền mua gạo, mua mắm muối...". Mế Lộc năm nay ngoài 60, trông mế vẫn còn khỏe, da đỏ hây hây. Mế bảo: Hồi trong bản cũ, chẳng bao giờ phải đói ăn cả, bởi đất sản xuất nhiều, trâu, bò nhà nào ít nhất cũng dăm bảy con. Về nơi ở mới, đất sản xuất chưa có, bà con chỉ biết đi vô rừng, ra hồ quăng chài thôi. Ở bản cũ mùa này lúa thu hoạch về chật nhà, chật sân rồi. Bản mới cứ phải chờ đất sản xuất mãi như thế này thì buồn lắm...".

Khi bản làng còn chìm trong màn đêm thì họ đã có mặt ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na để thả lưới. Mế Lộc bảo mùa hè nóng nên đi cá càng sớm càng mát. Có người chăm chỉ 3, 4 giờ sáng vác lưới ra lòng hồ. Chồng của mế năm nay gần tuổi 70 nhưng ngày nào cũng đi cá từ 4 giờ sáng, tầm 6 giờ sáng ông đã trở về nhà, như có duyên với cá, ngày nào ông đi đều có cá bán, cá ăn. Có người cả ngày kéo lưới mỏi tay cũng chưa được cân cá, nếu bán cũng chỉ được vài chục ngàn đồng…

Đường vào lòng hồ nhiều đoạn cheo leo, bên núi, bên sông, vắng người qua lại, chỉ nghe tiếng suối. Mế Lộc nói, mùa mưa con đường đất đỏ này trơn lắm, người đi bộ chân trần có thể ngã lúc nào không biết nói chi đến các phương tiện khác.

Trưa. Lòng hồ càng nắng nóng. Cơn mưa bất chợt qua nhanh, hơi đất bốc lên hầm hập. Lác đác một số người vẫn thả lưới xung quanh lòng hồ mặc cho cái nắng chói chang bỏng rát. Chị Lô Thị Quế ở bản Piềng Văn, cho biết: "Mấy bố con đi cá cũng kiếm được ít chục ngàn. Mình về thấy rảnh tay chân nên quay vào thả ít mẻ cho đỡ buồn, kiếm thêm thức ăn. Chưa có đất để sản xuất thì phải tìm công việc mà làm thôi". Phía trên lòng hồ, một bé gái 2 tuổi đang ngồi trên tấm lưới nhìn ra lòng hồ, đầu đội chiếc áo của người lớn. "Sao chị không để cháu ở nhà cho khỏi nắng?". "Bố mẹ đi cá hết thì phải mang theo thôi, anh chị nó vừa được nghỉ hè cũng theo bố mẹ đi cá cả rồi. Mình có cháu nhỏ không dám cho lên bè, sơ suất thì nguy nên chỉ thả lưới gần. Mà cũng nhiều người thả gần bờ mà, đi bè sơ suất sẩy chân nguy hiểm lắm. Nếu có xuồng thì đi cá tiện hơn, cả nhà cùng đi cá, nhưng sắm một cái xuồng đắt lắm, ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Ở đây một số người sắm xuồng là để phục vụ người đi lại trên lòng hồ, còn đi cá chủ yếu bằng bè nứa.

Lợi thế lòng hồ thủy điện rộng, sâu nên có rất nhiều loại cá sinh sống, nhiều nhất vẫn là loài cá mát. Thi thoảng, bà con trúng được những con cá măng nặng đến 3 - 4 kg. Cá cất lên sẽ bán ngay vào buổi sáng sớm khi trời chưa tỏ mặt người. Người mua cá tại lòng hồ chủ yếu ở Thị trấn Kim Sơn vào, một số mở quán ăn ở trung tâm xã Đồng Văn.

Dẫu nắng nóng, người đàn ông tên Kim ở bản Piềng Văn vẫn cố thêm một mẻ lưới nữa mới về nhà. Ông rướn hết sức mình vươn đôi tay thả chài ra lòng hồ. Ông chia sẻ: Mùa Đông tầm 7 giờ khách đã đến lòng hồ đợi để mua cá rồi, còn mùa Hè thì 5 giờ các chủ mua cá đã đợi sẵn ở lòng hồ, khi lưới kéo lên người ta mua hết từ cá lớn đến cá nhỏ. Giá cả thì hầu như đã được ấn định từ trước, lên xuống theo mùa và theo độ nặng của cá, của từng loại cá nên người mua dù quen, dù lạ cũng ít khi mặc cả, kỳ kèo. Đi cá tùy thuộc vào may mắn nữa, có khi đi cả ngày, dậy từ 2, 3 giờ sáng thả lưới cũng chỉ được vài cân cá, mùa Hè cá ít hơn mùa Đông. Rồi ông Kim cười rất tươi: "Rứa chơ cũng có khi thả mẻ lưới mô trúng ngay mẻ lưới đó, một lưới đến vài 3 cân".

Chị Quế thì đi cá thâu ngày, trừ lúc nghỉ ăn cơm. Do con cái học hành, đất sản xuất không có, vợ chồng chị phải thay nhau, người đi cá, người đi rừng mới đủ trang trải cho cả gia đình gồm 7 người. Bù lại nỗi vất vả ấy, một ngày cũng được 50 nghìn đồng, hôm may mắn thì tiền trăm, không ngày nào về không cả. Mùa Đông cá nhiều hơn, nhất là những ngày lạnh giá càng được nhiều cá. Mùa Hè cá ít hơn nhưng ai ai cũng vui, ngoài có cá ăn còn có tiền mua gạo, về sớm hay về muộn cũng không lo.

Rồi giọng chị trĩu xuống, buồn buồn: “Đi cá cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi. Có đất, yên tâm sản xuất, cuộc sống mới ổn định được… Mong có đất lắm!”.

Anh Lang Văn Tuần- Chủ tịch UBND xã Đồng Văn chia sẻ: “Đi cá, đi rừng là giải pháp tình thế, nếu không đi thì không có tiền, không có thức ăn. Ra bản mới thuận lợi điện, đường, trường, trạm nhưng cũng có nhiều bất cập. Đến bây giờ, bà con chưa có đất để sản xuất, nước sinh hoạt chỉ ở bản Piềng Văn là tạm đủ. Hơn bao giờ hết, bà con mong muốn sớm có đất sản xuất, có nước sinh hoạt để tập trung trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi trâu, bò như hồi ở trong bản cũ…".

Thu Hương

Mới nhất
x
Đi cá ở lòng hồ Hủa Na
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO