Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những lời lẽ bất tử

26/08/2014 08:51

Đây là nhận định của ông Evgeni Kobelev, một nhà nghiên cứu Việt Nam và nhiều năm học tập, công tác tại Việt Nam. Ông Kobelev cũng từng được gặp và có nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã có rất nhiều bài báo, sách viết về Người.

Nhân dịp kỷ niệm tròn 45 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và bản Di chúc thiêng liêng của Người, ông Kobelev đã trao đổi về ấn tượng và tình cảm của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Kobelev trong một lần giới thiệu về những dấu ấn Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow
Ông Kobelev trong một lần giới thiệu về những dấu ấn Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow

PV: Là một nhà Việt Nam học, ông từng có nhiều công trình viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin ông cho biết những kỷ niệm của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Ông Kobelev: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1965 và có 2 năm là sinh viên tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và 3 năm làm phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô (TASS).

Lần đâu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào năm 1959, khi đó thành phố Hà Nội tổ chức Ngày lao động Cộng sản, trồng cây ở hồ Bảy Mẫu. Tham gia hoạt động này có rất nhiều sinh viên trường Đại học TH HN, trong đó có cả sinh viên nước ngoài.

Chúng tôi đang làm thì Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện mà không hề có đoàn tùy tùng đông người mà chỉ có hai người đi cùng. Người đã tham gia trồng cây cùng chúng tôi. Điều này đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ với tôi, bởi một vị Chủ tịch đã tham gia trồng cây cùng với sinh viên.

Lần thứ hai tôi được gặp Người là vào năm 1961, khi tôi đã trở về Moscow và tiếp tục học tập tại trường Tổng hợp Quốc gia Moscow (MGU), nhưng vì khi đó chỉ có tôi là người đã tốt nghiệp khóa học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội nên khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô, người ta đã mời tôi làm phiên dịch trực tiếp tại đây.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Đại Hội thì tôi đã dịch sang tiếng Nga. Đây là một sự kiện không bao giờ có thể quên được đối với tôi.

Sau đó, từ năm 1964- 1967, khi tôi làm phóng viên TASS tại Việt Nam tôi có rất nhiều dịp được nghe các phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được gặp Người khi Người đến Đại sứ quán Liên Xô...

Người rất yêu quý trẻ em và rất hay cho kẹo, bánh. Một sự kiện rất đáng nhớ là vào năm 1966, tại đại hội đại biểu các dũng sỹ diệt Mỹ, nhiều Huân, Huy chương được trao tặng cho các anh hùng.

Sau khi trao tặng huân, huy chương, Người tiến lên sân khấu và phát biểu vài câu nhưng tôi không hiểu hết vì Người nói tiếng Nghệ An, tôi phải nhờ một chiến sỹ Tên lửa ngồi gần “phiên dịch lại” sang tiếng Hà Nội (cuời).

Sau đó tôi đã dịch sang tiếng Nga để đăng bài phát biểu rất hay này của Người. Đó là bài phát biểu mà Người đã nói với những người thân thiết của mình chứ không phải một bài phát biểu trước công luận, trong đó Người có nói, chúng ta chiến đấu, làm việc vì tổ quốc, vì nhân dân và bởi vậy Mỹ sẽ không bao giờ chiến thắng được nhân dân Việt Nam.

Có một sự kiện cũng đã để lại trong tôi ấn tượng rất mạnh mẽ, đó là bài phát biểu qua radio của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm ngày ký Hiệp định hòa bình Geneva, trong đó Người nói: “chiến tranh có thể kéo dài, Hà Nội, Hải Phòng có thể bị phá hủy... Nhưng đế quốc Mỹ không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam”. Đây là điều khiến tôi nhớ mãi.

PV: Qua những dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy thì điều đọng lại trong ông về con người Hồ Chí Minh là gì?

Ông Kobelev: Điều chính yếu nhất, Hồ Chí Minh là một người rất tốt. Ở Việt Nam, mọi người gọi ông không phải bằng từ “Chủ tịch”, “đồng chí”... mà gọi bằng “Bác”, bởi đối với mọi người, ông như một người gần gũi.

Ông không đơn giản chỉ là một lãnh tụ cộng sản mà là một CON NGƯỜI với chữ viết hoa. Vào những năm 1970, khi tôi thu thập tài liệu để viết sách về Người, trong suốt 3 năm, tôi đã có một cảm nhận rằng, hàng ngày tôi đang được tiếp xúc, trò chuyện với một CON NGƯỜI viết hoa. Điều này đã gợi lại ấn tượng rất mạnh mẽ mà tôi không bao giờ quên, ấn tượng về những lần được gặp Hồ Chí Minh.

Những cuốn sách về Người đã được chúng tôi xuất bản như: “Người Nga hồi tưởng về Hồ Chí Minh”; rồi cuốn sách của cá nhân tôi đã được dịch ra tiếng Việt “Đồng chí Hồ Chí Minh”... Cuốn sách này rất quý giá đối với mọi người. Nó đã được xuất bản vào năm 2010, nhân hướng tới kỷ niệm tròn 90 Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Moscow.

Cuốn sách này còn rất giá trị khi tại Hội thảo do Viện Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp này, với sự có mặt của khoảng 50 học giả Mỹ, Anh, Pháp v.v... cuốn sách này đã được giới thiệu và gửi tặng. Tôi rất cảm động khi cuốn sách này lại được đánh giá cao như vậy.

PV: Trong cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh ông cũng có đề cập nội dung Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam trước khi Người qua đời. Năm nay chúng ta cũng kỷ niệm tròn 45 năm bản Di chúc của Người. Vậy Ông đánh giá gì về nội dung bản Di chúc này?

Ông Kobelev: Tôi đã nhiều lần viết về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tất nhiên rồi, cả trong cuốn sách này của tôi, cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh”, cuốn sách được xuất bản tiếng Nga và dịch sang các thứ tiếng như tiếng Việt, Anh, Lào, Mông Cổ, Kazakhstan, Bulgaria và nhiều thứ tiếng khác...

Đây là một bản Di chúc đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ bởi vì nó được viết không phải chỉ bởi một nhà chính trị xuất sắc mà đó còn là lời nhắn gửi của một người thân tới toàn thể nhân dân mình, dân tộc mình và tới toàn thế giới.

Ông Kobelev và PV bên tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow
Ông Kobelev và PV bên tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi được công bố ở Việt Nam đã được dịch ngay sang tiếng Nga và đăng trên báo Sự Thật và nó đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm của nhiều người.

Tôi vẫn nhớ rõ rằng, khi đó, cả các phóng viên và tôi, lúc đó đã là cán bộ của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đều cảm kích vô cùng trước Di chúc của Người bởi trong đó là những lời lẽ bất tử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong trào cộng sản quốc tế vào thời điểm đó. Bởi vậy, sau khi công bố bản Di chúc này, trên toàn thế giới, nhân dân các nước đều giữ một tình cảm với Hồ Chí Minh như với một con người rất đặc biệt.

PV: Chúng tôi cũng được biết, tại Moscow và LB Nga đã có khá nhiều dấu ấn về Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng biết, ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể cho biết những dự định của mình trong thời gian tới để sẽ có thêm dấu ấn Hồ Chí Minh ở Nga và Moscow?

Ông Kobelev: Hồ Chí Minh đã đến Moscow nhiều lần. Trên Quảng trường Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow đã có tượng của Người và hàng năm, vào ngày 19/5, những người Nga thuộc các phong trào, tổ chức đoàn kết với Việt Nam như Hội Hữu nghị, Tổ chức Hòa bình... cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga vẫn tới đây đặt hoa.

Ngoài ra, tại phố Mokhovaya ở gần Quảng trường Đỏ có tấm biển đồng ghi nhận nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc cho Quốc tế Cộng sản; Ở Vladivostok, tại nhà ga tàu hỏa, cách đây 3 năm đã gắn tấm biển lưu niệm ghi: “Tại nhà ga này, những năm 30 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh thường từ đây đi Moscow”.

Thời gian tới, nhân kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đang có 2 ý tưởng, đó là: Thứ nhất sẽ gắn biển lưu niệm tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông và xây dựng Phòng Lưu niệm Hồ Chí Minh để giới thiệu tất cả những hình ảnh, cuốn sách, báo về Người. Chúng tôi cũng đã thống nhất với Học viện Hồ Chí Minh, đơn vị mà Viện chúng tôi đã ký Thỏa thuận Hợp tác giai đoạn 10 năm để thực hiện ý tưởng này.

Còn ý tưởng thứ hai là chúng tôi đã đề nghị chính quyền Moscow cho gắn biển lưu niệm lên tòa nhà hiện đang là Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tới nhiều lần nhất vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 đến hoặc nghỉ lại ở đây, hoặc tới thăm, gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Đây là điều rất nên làm vì tòa nhà này rất xứng đáng trở thành nơi lưu giữ kỷ niệm về Hồ Chí Minh.

Theo VOV

Mới nhất
x
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những lời lẽ bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO