Di dời các trường ĐH công lập có diện tích quá nhỏ
Những trường công lập có diện tích quá nhỏ, dưới 2ha ở trong khu vực nội thành các thành phố lớn cần có giải pháp chuyển đổi đất và các công trình xây dựng trên phần đất để di dời ra khu vực mới ngoại thành có diện tích từ 10ha trở lên.
Trường ĐH Luật (Hà Nội). Ảnh có tính chất minh họa
Nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất
Đây là một nội dung của nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục ĐH trong điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo nhóm giải pháp này, các trường được hỗ trợ về đất đai. Diện tích đất tối thiểu đối với trường CĐ có quy mô khoảng 3000 sinh viên là 6ha; có khoảng 5000 sinh viên là 10ha và có khoảng 7000 sinh viên là 15ha.
Diện tích tối thiểu đối với trường ĐH có quy mô khoảng 5000 – 15.000 và 25.000 sinh viên lần lượt là 10ha, 30ha và từ 40ha trở lên.
Một số giải pháp khác là từng bước tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH; thu hút các nguồn vốn ODA và FDI đầu tư cho giáo dục ĐH; bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng giảng viên; triển khai chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ; xây dựng, ban hành quy chế làm việc đối với giảng viên ĐH, CĐ; xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương mới phù hợp với giảng viên; xây dựng kế hoạch đào tạo sau ĐH dành riêng cho các vùng khó khăn…
Không thành lập trường mới ở Hà Nội và TPHCM
Theo Quy hoạch, đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo ĐH và CĐ đạt khoảng 2.200.000 sinh viên và số sinh viên chính quy tuyển mới đạt khoảng 560.000; cả nước có 460 trường CĐ và CĐ, bao gồm 224 trường ĐH và 236 trường CĐ.
Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tập trung củng cố, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; giữ ổn định quy mô đào tạo và số lượng sinh viên chính quy tuyển mới; giảm quy mô đào tạo và số lượng sinh viên chính quy tuyển mới hàng năm của các trường không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng;
Tổ chức, sắp xếp lại các trường đã thành lập; triển khai các dự án đã được cấp phép đáp ứng đủ các điều kiện quy định thành lập trường; dừng cấp phép các dự án thành lập trường mới; thu hồi giấy phép đối với các dự án quá hạn; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề thông qua việc cho phép mở ngành đào tạo.
Giai đoạn 2016 - 2020, tăng quy mô đào tạo hàng năm bình quân khoảng 0,3%/năm và tăng số sinh viên chính quy tuyển mới hàng năm bình quân khoảng 1,5%/năm.
Xem xét thành lập mới một số trường đa lĩnh vực hoặc đa ngành, đào tạo theo định hướng nghiên cứu các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản (tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) và công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và công nghệ thông tin) thay thế số trường đã sáp nhập, chia tách hoặc giải thể.
Ưu tiên thành lập trường ở các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược thuộc vùng miền núi và trung du phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, không thành lập trường mới ở Hà Nội và TPHCM.
Mục tiêu đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/1 vạn dân; khoảng 70% - 80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và khoảng 20% -30% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; đạt bình quân từ 17 đến 26 sinh viên đại học và cao đẳng/1 giảng viên; số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên đại học khoảng 21% và số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên cao đẳng dự kiến đạt khoảng 4%.
Theo (gdtd.vn) - HL