Đi giữa ân tình
(Baonghean) - Ngược nguồn về làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) cữ tháng Năm này, đã thấy nườm nượp ô tô, xe máy chở du khách trong và ngoài tỉnh, cả “Tây” lẫn “ta”, háo hức khám phá miền quê thanh bình, êm đềm - nơi sinh ra và ghi dấu ấn tuổi thiếu thời của vị Cha già dân tộc Việt Nam.
Trên con đường dẫn về khu di tích, không ít du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những đầm sen bát ngát dọc đôi bên đường. Sen quê Bác chủ yếu là sen hồng, nhấn nhá trên màu xanh mát rượi của những lọng lá đọng sương, thu hút nhiều du khách gần xa đến lưu lại vài bức hình kỷ niệm. Miền sen nơi đây dường như cũng đặc biệt hơn nhiều địa phương khác, bởi sen nở vào 2 mùa tháng 5 và tháng 9 trong năm - tháng kỷ niệm ngày sinh của Bác, và tháng ghi nhớ ngày dân tộc Việt Nam vĩnh viễn mất đi người con vĩ đại của quê hương…
Loài hoa thanh khiết ấy gắn với miền quê này với bao huyền tích lung linh. Về làng Sen, cữ tháng 5 này, thong thả tản bộ trên đường làng lộng gió, nghỉ chân bên những gốc đa cổ thụ, cạnh bờ nông giang ăm ắp nước, dễ mà bắt chuyện với những người nông dân thân thiện, chất phác quê Người. Hẳn rằng, trong không gian tưởng như thoát tục ấy, người dân nơi đây sẽ thủ thỉ kể cho du khách nghe về truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác, rằng, ngày người Mẹ Hoàng Thị Loan trở dạ, đầm sen trong làng bỗng nở rộ và sau cơn mưa to gió lớn, hương sen đưa vào làng bỗng thơm ngát lạ thường. Họ bảo đó là điềm trời báo sinh ra một người con thanh cao, giản dị và đáng tôn quý như bông hoa sen trong lòng người dân Việt Nam. Chuyện ngày xửa ngày xưa có phần hư ảo, nhưng không thể phủ nhận được rằng, hình ảnh loài hoa thanh khiết ấy tồn tại trong lòng người dân như một dấu ấn, một biểu tượng, một niềm tin. Sen làm nên dấu chỉ một miền quê, hay là, chính con người nơi đây đã làm nên một cốt cách sen vậy?
Đông đảo du khách về thăm quê Bác. Ảnh: Sỹ Minh |
Từ làng quê nhỏ bé ấy, từ những ngày, những đêm bình yên trong mùi hương thanh thoát của loài hoa tươi thắm, người con vĩ đại của quê hương đã được nuôi dưỡng, trưởng thành, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước mà mãi 50 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới có dịp về thăm. Vẫn còn đó trong ký ức người dân Kim Liên sự kiện ngày 19/12/1961, trong lần về thăm quê hương, Bác Hồ đã nói chuyện với bà con xóm làng ở cây đa sân vận động. Sau đó, Bác thăm giếng Cốc, dừng lại bên hồ sen. Hồ sen bên giếng Cốc gắn liền với kỷ niệm ấu thơ của Bác, nay vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Vượt qua khắc nghiệt của không gian và thời gian lịch sử, đầm sen vẫn vĩnh hằng sắc thắm, làn hương mộc mạc mà quyến rũ, thanh nhẹ mà khó quên, để du khách một lần ghé thăm sẽ khó phai mờ trong ký ức.
Chuyện loài hoa sen ở làng Sen như sợi chỉ dẫn đường cho hành trình khám phá vùng đất thiêng của miền Trung nắng gió. Hai mùa sen độc đáo ở quê Bác thắm thiết trong nắng vàng, nổi bật giữa mây xanh, là nhờ bàn tay cần cù của người vun xới. Bởi để có được 2 mùa sen nở thắm như vậy, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã phải lặn lội tìm đặt giống sen tận đất Đồng Tháp Mười và học hỏi kỹ thuật ươm giống, bón thúc và thu hoạch tỉ mỉ, cẩn thận. “Dự án” khôi phục diện tích đầm sen được UBND xã Kim Liên “khởi động” từ đầu năm 2012, bắt đầu bằng việc tuyên truyền, vận động một số hộ dân chuyển đổi diện tích ao hồ nuôi cá sang trồng sen. Quy trình gây dựng đầm sen được xã hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và không thu sản lượng, khi sen đến mùa thu hoạch, các hộ dân được lấy gương sen để bán. Dĩ nhiên, về mặt lợi nhuận kinh tế, trồng sen không bằng nuôi cá, nhưng nhìn nhận ý nghĩa tâm linh - văn hóa của dự án này, người dân xã nhà đều nô nức ủng hộ.
Về làng Sen thời điểm này, đã ngút ngát 4ha diện tích đầm, ao được trồng loài hoa sen thanh khiết, không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan quê nhà, còn tạo điểm nhấn du lịch đặc sắc, nhất là sản phẩm hạt sen tươi, khô và tâm sen được nhân dân đóng gói, bán cho khách gần xa. Trong tương lai không xa, UBND xã Kim Liên có kế hoạch phát triển các sản phẩm từ sen như mứt sen, chè sen, trà sen..., hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch có sức hút với du khách.
Đã đi, đã đến miền sen, sẽ thấy thăm thẳm trong lòng mỗi người sức hút diệu vợi từ vọng âm lịch sử - văn hóa của vùng đất văn hiến. Nhìn sen là ngẫm đến Người, hiểu thêm về cốt cách trọng vọng của Người …
Phước Anh