Đi qua tuổi xuân...

11/07/2014 17:46

(Baonghean) - “Có mấy năm tuổi trẻ/ Chị gửi lại chiến trường/ Giờ đếm xuân lặng lẽ/ Trôi theo nhịp đời thường/ Chị muốn ghì xuân lại/ Sao xuân mãi vô tình/ Đành buông quyền làm mẹ/ Khi vàng loang lá xanh...”. Những câu thơ trong bài “Xuân muộn” của tác giả Linh Thư, tình cờ chúng tôi đọc được trên mạng Internet, đã vận vào hoàn cảnh và số phận cựu TNXP Nguyễn Thị Cận.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Cận ở xóm 16, xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) vào một ngày hè nắng gắt, ngôi nhà nhỏ cửa đóng im ỉm. Hàng xóm bảo bà đang ra đồng. Gần trưa, một người phụ nữ đầu đội chiếc nón mê, quần áo lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, nước da ngăm đen tất tả trở về. Biết có khách đến thăm, bà đẩy cổng mời vào. Chờ bà lau xong những giọt mồ hôi và nghỉ ngơi lại sức, chúng tôi nói mục đích của cuộc viếng thăm và ngỏ ý muốn được bà kể về hoàn cảnh của mình. Sau một thoáng ngại ngần, người phụ nữ ấy bắt đầu kể, lời kể thường bị đứt quãng, chứa đựng sự đau buồn và tủi phận...

“Tôi sinh năm 1948, lúc trẻ đi TNXP. Trở về, sống với bố mẹ, không lập gia đình, nay sống một mình trong ngôi nhà này...”- bà Cận mở đầu dòng tâm sự.

...Năm 1967, khi vừa rời ghế nhà trường, cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Cận hăng hái cùng chúng bạn đăng ký tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ. Vì lúc ấy, chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt, Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc hòng cắt đường chi viện, tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Người con gái của đất Nghi Thuận này được biên chế vào Đại đội 317 thuộc lực lượng TNXP Nghệ An.

Theo bước chân hành quân của đơn vị, Nguyễn Thị Cận đã có mặt ở những địa điểm ác liệt như phà Sen (Tân Kỳ), cầu Cấm (Nghi Lộc), phà Bến Thủy (Vinh) và “tọa độ lửa Truông Bồn”. Nhiệm vụ chính của đơn vị là thường xuyên túc trực ở những vị trí trọng yếu để bảo vệ và mở đường, san lấp hố bom cho những đoàn xe chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Đã ngót nửa thế kỷ trôi qua, cựu TNXP Nguyễn Thị Cận vẫn lưu giữ nguyên vẹn ký ức về những năm tháng chiến đấu ác liệt dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù. “Mỗi khi còi báo động vang lên, tất cả đơn vị vào vị trí để làm nhiệm vụ. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ xé tai, mùi khói bom khét lẹt, mắt cay xè nhưng không một ai rời vị trí. Có những người bị bom vùi sâu mấy mét, thân xác không còn nguyên vẹn, có người bị sức ép ngã gục giữa đường...”, bà Cận nhớ lại.

Bà Cận hồi ấy cũng mấy lần bị ngất xỉu vì sức ép của bom đạn, nếu không có đồng đội cứu giúp chắc hẳn giờ này đã hóa thân vào mạch đất quê hương. Trong đó, khủng khiếp nhất là lần bị sức ép tại cầu Cấm, khi đang hối hả cùng đơn vị tải đất san lấp hố bom. Sau loạt bom dày đặc trút xuống, đoạn đường bị cày xới tan tành với chi chít những hố sâu, đơn vị lập tức ra hiện trường làm nhiệm vụ. Một lúc sau, từ phía ngoài biển, một tốp máy bay có đến hàng chục chiếc lại gầm rú và tiến thẳng vào. Đơn vị được lệnh sơ tán, nhưng máy may địch đã tiến rất sát, rồi hàng loạt bom rơi, mặt đất rung chuyển... Bỗng thấy tức ngực, nghẹt thở, phía trước toàn màu đen. Lúc tỉnh dậy, Nguyễn Thị Cận thấy khắp người đau ê ẩm, đầu buốt nhức, miệng khát khô, các đồng đội đang ngồi bên cạnh chăm sóc. Người bạn thân nức nở: “Tỉnh lại được là may rồi, mấy đứa trong đơn vị đã bị bom lấp...”. Bà Cận cũng là người chứng kiến trận bom hủy diệt ngày 31/10/1968 tại “tọa độ lửa” Truông Bồn của không quân Mỹ. Thời điểm ấy, tiểu đội của bà đang làm nhiệm vụ trực chiến tại đỉnh đồi phía bên kia. Khi thấy địch cắt loạt bom xuống vị trí tiểu đội bạn đang làm nhiệm vụ, mọi người được lệnh di chuyển sang cứu chữa đồng đội. Cả một sườn đồi lang lổ vết bom, khói đen vẫn chưa tan hết, mùi khét vẫn làm ngạt thở, nhìn khắp không thấy một ai. Biết là điều chẳng lành đã xẩy ra, Nguyễn Thị Cận và đồng đội lao vào đào xới với hy vọng cứu được những đồng chí, đồng đội đã bị bom vùi. Những cánh tay, những bàn chân được nhặt lên nhưng không rõ của ai, đành tạm gom vào một chỗ. Rồi tất cả cùng òa khóc, dưới mặt đất vẫn lặng yên...

*

Sau hơn 6 năm lăn lộn trong mưa bom bão đạn, nơi những tuyến đường huyết mạch, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, năm 1973, Nguyễn Thị Cận được giải ngũ. Như bao đồng đội khác, trở về với gia đình, người con gái đất Nghi Thuận lại đối mặt với bao khó khăn, bộn bề của cuộc sống. Gia cảnh đói nghèo, cha già mẹ yếu, anh trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, 4 đứa em còn đang tuổi ăn học. Vậy là gánh nặng đặt lên đôi vai nhỏ. Giờ đây, mỗi lúc nhớ lại, bà Cận vẫn không thể hiểu nổi vì sao lúc ấy mình có một sức lực dẻo dai đến thế: “Từ 3 giờ sáng, tôi vác cày, dắt trâu ra đồng. Trưa về lo gà lợn. Ăn cơm tối xong lại sắp đặt, dọn dẹp nhà cửa, nương vườn, có bữa gà gáy mới đi ngủ. Thế mà không mấy khi thấy mệt mỏi”. Suốt ngày đầu tắt mặt tối, lại đã bước qua tuổi 25, ngày xưa con gái ở độ tuổi này chưa lấy chồng xem như đã “ế”. Trai làng hầu hết đã tòng quân nhập ngũ và chiến đấu khắp các chiến trường, cơ hội tìm cho mình một bờ vai, một điểm tựa cuộc đời của nữ cựu TNXP này xem ra ngày một khó. Hồi còn tham gia TNXP, Nguyễn Thị Cận và các đồng đội thường trêu đùa, hát hò giao lưu với các anh bộ đội trên đường hành quân vào Nam chỉ để tạm quên đi những gian khó, nhọc nhằn và hiểm nguy trước mắt. Không một ai nghĩ đến việc hẹn hò. Chiến tranh còn đang ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, ai biết được ngày mai sẽ thế nào!

Từ năm này qua năm khác, người con gái ấy âm thầm, lặng lẽ thực hiện phận sự của một người con, một người chị. Thời gian vùn vụt trôi, công việc không khi nào ngơi nghỉ đã cuốn đi những năm tháng trẻ trung và tràn đầy sức sống. Các anh chị em lần lượt được dựng vợ, gả chồng để xây dựng mái ấm gia đình riêng, nữ TNXP năm xưa vẫn lặng lẽ một mình thực hiện bổn phận với bố mẹ già. Rồi bố mẹ lần lượt qua đời, anh chị em đã yên bề gia thất, mái tóc huyền năm nào giờ đã có nhiều sợi bạc, sức lực đã giảm sút rất nhiều, đầu thường xuyên xuất hiện những cơn choáng váng. Có lẽ, đó là di chứng của những lần bị sức ép của bom đạn. Người làng đã bắt đầu chuyển đổi cách xưng hô, khi mới về gọi là “o Cận”, giờ người ta đã gọi là “bà Cận”. Gia tài bà Cận được thừa hưởng chỉ là căn nhà nhỏ xập xệ dựng trên một khu vườn hẹp và 3 sào ruộng, bãi. Để có đủ cái ăn, cái mặc và thuốc thang hàng ngày, bà lại tiếp tục gồng mình lên với việc cày cấy, suốt ngày phơi tấm thân gầy gò giữa nắng gắt, mưa sa. Mỗi khi mùa vụ đến, người dân Nghi Thuận lại thấy bà Cận với vóc dáng gầy gò, bộ quần áo cũ sờn vác cày ra đồng. Ở độ tuổi cận kề 70, bước chân của bà đã có dấu hiệu mệt mỏi, đường cày không còn được thẳng băng như trước. Bà phải nhận chăm nuôi bò của một người cháu gái (là con chị gái) để việc cày kéo luôn được thuận lợi. Cày bừa xong, một mình bà quay lại với việc gieo trỉa, cuốc cỏ, bón phân, rồi thu hoạch... Cái vòng quay ấy dường như không bao giờ ngơi nghỉ, mặc cho nắng gió, bão bùng. Chỉ có điều, sức lực ngày một yếu đi, tấm thân ngày càng còm cõi.

Bà Cận nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa.
Bà Cận nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa.

Những vất vả, nhọc nhằn kể trên chưa thật sự đáng sợ. Bởi lẽ, những năm tháng dầm mình trong mưa bom, bão đạn và khói lửa chiến tranh đã tôi luyện cho cựu nữ TNXP bản lĩnh và khả năng chịu đựng trước mọi thử thách của hoàn cảnh. Nhưng bà Cận không thể không sợ những giây phút đối diện với chính mình trong đêm khuya vắng, khi chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích sau vườn. Rồi những đêm mưa gió bão bùng, một mình trong căn nhà xập xệ, trống vắng... Mỗi khi trái gió trở trời, cái đầu choáng váng rồi nặng như búa bổ, bà Cận một mình chống chọi với bệnh tật. Không ít lần, trong lúc mê man, bà Cận mơ thấy cảnh mình được làm mẹ, được bế đứa trẻ kháu khỉnh đi chơi khắp làng. Đứa trẻ dỗi, bà cất tiếng ru “ầu ơ” để vỗ về giấc ngủ. Bất giác giật mình tỉnh dậy, xung quanh vắng lặng. Bà chia sẻ: “Cách đây mấy ngày, thấy đau đầu không thể chịu nổi, tôi xuống khám ở bệnh viện huyện. Các bác sỹ bảo bệnh nặng, yêu cầu nhập viện để chăm sóc. Nhưng tôi một mực xin thuốc về tự điều trị, vì nằm viện không có ai chăm sóc, lo cơm nước, thà về nhà mình tự lo được. Khi đau nặng, không thể chịu nổi, mới gọi đến đứa cháu gái ở tận xã Nghi Yên”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Nghi Thuận cho biết: “Trong số các hội viên, bà Cận là người có hoàn cảnh éo le nhất. Vì thế, chúng tôi thường vận động anh chị em hội viên quan tâm, chia sẻ như thăm nom, chăm sóc lúc ốm đau, ưu tiên các khoản hỗ trợ. Mới đây, Hội đã phối hợp với Qũy Thiện tâm hỗ trợ 50 triệu đồng giúp bà Cận xây căn nhà mới. Hiện tại, đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên”. Từ khoảng 1 tháng nay, bà Cận được sống trong ngôi nhà mới do Qũy Thiện tâm trao tặng. Ngôi nhà xây rộng khoảng 25m2, lợp tôn và lát gạch hoa. Nó không thật sự lớn nhưng là niềm mơ ước của cả một đời. Nó giúp bà xua tan phần nào nỗi bất an, lo lắng mỗi khi mưa gió bão bùng, làm dịu cái nắng hè gay gắt. Ngôi nhà đã đem đến cho bà Cận một phần hơi ấm và niềm vui.

Rời Nghi Thuận, chúng tôi không thể nào quên hình ảnh bà Nguyễn Thị Cận lúc tiễn khách ra về. Trong bộ trang phục màu cỏ úa, người nữ cựu TNXP đứng trước ngôi nhà mới xây, đôi mắt vừa vui vừa như dõi theo, chờ đợi điều gì...

Công Kiên

Mới nhất
x
Đi qua tuổi xuân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO