Di tích không bị lãng quên
(Baonghean) - Cùng với chùa Phúc Lạc, đình Bảo Trì… nhà cụ cố Hồ ở làng Xuân Hòa, xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc) được nhắc đến như địa chỉ đỏ - nơi nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu của Đảng trước Cách mạng tháng Tám.
Một ngày Thu tháng Tám, trong cái se dịu trong trẻo của đất trời, chúng tôi tìm về Nghi Thạch - vùng quê giàu truyền thống lịch sử cách mạng của huyện Nghi Lộc. Biết nguyện vọng của chúng tôi là muốn tìm hiểu về những địa chỉ đỏ gắn liền với cao trào 30-31 và Cách mạng tháng Tám, đích thân ông Hoàng Liên Sơn - người từng 27 năm làm bí thư, chủ tịch UBND xã, 70 tuổi đời, 50 tuổi đảng đã nhiệt tình dẫn đến thăm nhà cụ cố Hồ thuộc làng Xuân Đình xưa, xóm Xuân Hòa nay.
Trong lịch sử Đảng bộ xã Nghi Thạch còn ghi rõ: Sau khi thành lập và chuyển dời qua một số địa điểm, cuối năm 1930 đầu năm 1931, để đảm bảo an toàn, bí mật, cơ quan Huyện ủy Nghi Lộc chuyển xuống làng Xuân Đình - nơi có phong trào cách mạng quần chúng diễn ra sôi nổi và cơ sở chi bộ đảng đảm bảo cho hoạt động bí mật của huyện. Địa điểm làm việc, liên lạc của huyện ủy tại nhà cố Hồ ( tức ông Nguyễn Đình Trì). Dưới gốc cây bời lời trong vườn có hầm bí mật - nơi đồng chí Hoàng Văn Tâm (Bí thư Huyện ủy sau này được điều lên cơ quan Tỉnh ủy phụ trách in ấn) đã từng ẩn nấp sự truy lùng của địch, đồng thời cũng là nơi in ấn tài liệu của Huyện ủy, Tỉnh ủy trong thời kỳ 1930-1931 và 1938-1939. Tại đây, các chỉ thị, nghị quyết tài liệu truyền đơn được phát hành bằng kỹ thuật in bản thạch đơn giản, kịp thời chuyển về các địa phương chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Đây cũng chính là nơi trong nhiều năm cán bộ Tỉnh ủy, Huyện ủy chọn làm địa điểm liên lạc.
Nhà cụ cố Hồ hiện nằm trong một khu vườn rộng rãi, sum suê cây trái. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, trong vườn vẫn còn giữ được cây bời lời xanh tươi như một chứng nhân lịch sử của thời kỳ đấu tranh cách mạng sục sôi.
Cây bời lời trong nhà ông Nguyễn Đình Trì, nơi có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và cất giấu tài liệu của cách mạng.
Ông Nguyễn Đình Trì còn có tên gọi là Bổng, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Xuân Đình. Ông Trì sau này bị bắt, kết án tù trong đợt thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng giữa tháng 5 năm 1941 cùng với 8 cán bộ, đảng viên khác của Nghi Thạch và hy sinh tại Nhà Lao Vinh. Ông có hai người con đều tham gia cách mạng. Đó là ông Nguyễn Đình Hường - một trong những lớp thanh niên đầu tiên của các làng Xuân Đình, Bảo Trì, Lập Thạch, hăng hái tham gia đoàn quân Nam tiến khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Sau này ông Hường tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành một sỹ quan cao cấp trong quân đội. Hiện nay ông đã gần 90 tuổi, đang sống ở Hà Nội.
Còn bà Nguyễn Thị Chinh - con gái ông Trì là đảng viên Chi bộ Xuân Đình, tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, chết vì trúng bom Mỹ năm 1968. Hiện tại cô cháu dâu Đặng Thị Hòa (vợ của Đại tá Nguyễn Bằng Hiến - chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, con trai của bà Chinh, cháu ngoại cụ Trì), một giáo viên về hưu đang sinh sống tại phần đất của tổ tiên, chăm lo hương khói và chăm sóc phần mộ của ông Nguyễn Đình Trì cách nhà khoảng vài trăm mét. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hòa cho biết: Lúc bà về làm dâu năm 1975 thì cố Chinh (gọi theo tên con gái) vợ ông Trì vẫn còn sống hơn một năm sau mới mất.
Trong mắt bà Hòa, đó là một phụ nữ đôn hậu, chăm chỉ, sạch sẽ. Những năm cơ quan Huyện ủy, Tỉnh ủy đặt tại nhà, cố Chinh là người trực tiếp cơm nước, phục vụ cán bộ. Bà tham gia hội phụ nữ cứu quốc và từng hiến cả ngôi nhà gỗ 3 gian cho HTX Xuân Hòa làm việc. Tiếp nối truyền thống cha ông, các thế hệ con cháu trong gia đình đều tham gia hoạt động và có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Những năm 1964-1965 đã có đoàn làm phim về làm phim tư liệu về gia đình 3 đời hoạt động cách mạng có quay những hình ảnh về cụ cố Chinh. Hiện nay tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ cối chày giã thạch dùng để in ấn tài liệu tại nhà cụ cố Hồ những năm trước Cách mạng tháng Tám…
Theo lời của những người đã từng là cán bộ xã Nghi Thạch như ông Hoàng Liên Sơn, ông Đặng Thanh Dư… trước đây vào giai đoạn 1978-1979, lãnh đạo xã Nghi Thạch cũng đã từng tìm chuộc lại căn nhà gỗ cũ của gia đình cụ cố Hồ để làm di tích lịch sử cách mạng nhưng không thực hiện được. Hiện nay, mong muốn của người thân trong gia đình cụ cố Hồ cũng như người dân và chính quyền xã Nghi Thạch là được dựng bia dẫn tích tại gốc cây bời lời - nơi ngày xưa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu cách mạng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tiếp tục nêu cao lòng yêu nước, đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và cũng để những “địa chỉ đỏ” đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc không bao giờ bị lãng quên…
Khánh Ly