Di tích lịch sử cấp Quốc gia Bia Ma Nhai - Thiên hùng ca sáng mãi
(Baonghean) - Con Cuông được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh: suối Tạ Bó (khe Nước Mọc), Thắm Nàng Màn, Thẳm Hoi (hang Ốc) ở xã Yên Khê; có Vườn Quốc gia Pù Mát đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An; có di tích lịch sử nổi tiếng như Thành Trà Lân, nhà cụ Vi Văn Khang và cây Đa Cồn Chùa ở xã Môn Sơn,... Đặc biệt, với ý nghĩa lịch sử quan trọng, tháng 8/2011,Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Di tích lịch sử“Bia Ma Nhai” ở núi Thành Nam (nay thuộc địa phận thôn Tiến Thành,xã Chi Khê) là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Từ Thị trấn Con Cuông tới xã Chi Khê, đi vào dãy núi đá vôi khoảng 300m về phía Nam, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử độc đáo – Bia Ma Nhai. Đây là văn bia được khắc vào vòm đá núi, trước cửa hang gọi là “bia Ma Nhai”.Bia Ma Nhai là bài văn ghi lại chiến công của tướng sỹ và nhân dân ta đời Nhà Trần trong việc giữ gìn bờ cõi, chinh phạt ngoại xâm, thu lại đất đai bị mất, thể hiện thanh thế của Nhà nước Đại Việt trong sự nghiệp củng cố nền độc lập của dân tộc.
Du khách tham quan Di tích lịch sử Bia Ma Nhai.
Sử sách ghi lại, năm 1335, ở phía Tây nam Nghệ An luôn bị bọn nghịch đảng bên ngoài quấy phá, cướp đất. Triều đình cử Nguyễn Trung Ngạn - một tể tướng văn, võ song toàn, có tài thao lược vào làm Đốc Phủ sứ, để toan lo việc dẹp loạn. Vua Trần Hiến Tông cũng đích thân vào đốc chiến. Đại bản doanh đặt tại núi Cự Đồn, Mật Châu (nay là thôn Tiến Thành và thôn Thành
Lúc này, vua quan nhà Trần dùng chiến thuật vừa tập kích vừa chiêu dụ. Các đảng nghịch tặc không thể làm gì được trước sự phản công của quân ta. Hơn nữa, trước sự khoan hồng của quân ta, bọn nghịch đảng đã dần dần rút khỏi biên giới, duy chỉ có tên Nghịch Bổng không chịu đầu hàng, quấy phá càng hung hãn.
Văn Bia Ma Nhai được khắc sâu trên vách đá
Vì công việc của triều chính cấp bách, vua Trần Hiến Tông phải về Thăng Long. Sau đó, Thượng Hoàng Trần Minh Tông (huý là Trần Mạnh Công đã nhường ngôi cho con năm 1329), tuy tuổi cao nhưng vẫn thân chinh lên Mật Châu, cùng Nguyễn Trung Ngạn dẹp giặc. Hai người vốn tâm hợp ý đồng, lại đã vào sinh ra tử có nhau, nay lại cùng nhau chinh chiến. Với sự hợp lực đó của tướng lĩnh, cùng sự kiên cường dũng cảm của quan quân nhà Trần, chỉ một trận đầu đã làm cho tên Nghịch Bổng (tướng quân của ngoại bang) “thất điên bát đảo". Nghịch Bổng thấy nhà Trần xuất binh hùng tướng mạnh, vội hồi quân, trông theo chiều gió mà chạy trốn, không dám ngoái cổ lại.
Với chiến công này,ngay trên đất Mật Châu, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, rồi sai Nguyễn Trung Ngạn ghi lại chiến công rạng rỡ của tướng sỹ nhà Trần và nhân dân ta lúc bấy giờ trên vòm núi đá vôi gọi là: “Ma Nhai kỳ công bi văn” (Vào tháng 12 nhuận niên hiệu Khai Hữu năm thứ bảy Ất Hợi).
Bia Ma Nhai là một thông điệp nhắc nhở hậu thế luôn ghi nhớ công lao to lớn của quan quân và nhân dân ta đời nhà Trần trong việc bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc, là một minh chứng sống động, sáng mãi với tên tuổicủa Thượng hoàng Trần Minh Tông, Tể tướng Lê Trung Ngạn - những người con anh hùng đất Việt. Bia Ma Nhailà bản anh hùng ca bất hủvề cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, về tinh thần đoàn kết một lòng của quan quân nhà Trần và của nhân dân ta, ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù, với khát vọng thống nhất giang san, giữ yên bờ cõi của nhân dân Đại Việt.
Gần 700 trăm năm đã trôi qua, dù mưa nắng dãi dầu, bia đá dù có bị bào mòn theo năm tháng, bụi thời gian che phủ, nhưng vẫn không xoá được những nét chữ của tiền nhân khắc sâu trong lòng đá, như muốn nhắn gửi lại cho hậu thế muôn đời về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc. Để áng thiên hùng ca - Bia Ma Nhai sáng mãi, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau, để con cháu đời đời ghi nhớ công lao của tổ tiên ta đã anh dũng chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, vừa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, các cấp cần quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy tinh hoa, giá trị trường tồn của Bia Ma Nhai. Đó cũng là một nét đẹp trong thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Vi Văn Kim