Đi tìm "chiếu hát"

29/04/2014 20:21

(Baonghean) - Chúng ta có thể tự hào là quê hương của làn điệu ví, dặm di sản văn hóa quốc gia và đang làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng, ngay cả những người am hiểu, đam mê, trực tiếp sưu tầm, bảo tồn ví, dặm và cả các nhà quản lý văn hóa Nghệ - Tĩnh cũng đều thừa nhận: Ví, dặm chưa có được một vị trí xứng đáng trong dòng chảy đời sống tinh thần của người dân…

CLB Dân ca xã Phúc Thành (Yên Thành) tham gia Liên hoan Dân ca xứ Nghệ  lần thứ nhất.  Ảnh: Xuân Nhường
CLB Dân ca xã Phúc Thành (Yên Thành) tham gia Liên hoan Dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất. Ảnh: Xuân Nhường

Các làn điệu dân ca gắn với văn hóa vùng miền ngày càng khẳng định giá trị trong bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta và thế giới. Ở miền Trung và miền Bắc, có thể điểm đến các loại hình dân ca: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, ví dặm Nghệ - Tĩnh, quan họ Kinh Bắc, hát xoan Phú Thọ, chèo (thiên về nghệ thuật sân khấu, lưu truyền ở vùng đồng bằng Bắc bộ)…

Ca trù là làn điệu dân ca cổ độc đáo, là di sản văn hóa thế giới ảnh hưởng tới không gian văn hóa 16 tỉnh, thành phía Bắc (được hiểu là từ vĩ tuyến 17 trở ra), qua thăng trầm từ chốn cung đình ra tới các chốn “phong trần tài tử” và tận nơi thôn dã, được chắt lọc trong biểu diễn, thưởng thức và lưu truyền với nòng cốt là những nghệ nhân dân gian nổi tiếng (như cố nghệ nhân Quách Thị Hồ). Đáng mừng là ở Nghệ An, các vùng Diễn Châu, Yên Thành, có CLB ca trù sinh hoạt với phong cách dân dã, có những nghệ nhân dân gian như cố kép đờn Trần Hải, nghệ nhân Trần Thị Như… đã làm cho các sinh hoạt bảo tồn, lưu truyền, phát huy ca trù ở Nghệ An được biết tới trong các kỳ liên hoan hát dân ca khu vực và toàn quốc.

Nhưng, phải nói rằng, đối với “đặc sản” ví, dặm đang thiếu một chiếu hát phục vụ cho công tác bảo tồn, lưu truyền và khẳng định giá trị di sản văn hóa đang kỳ vọng được xếp vào hàng đại diện cho văn hóa nhân loại. Ở Nghệ An, hiện có hàng trăm đội văn nghệ ở các thôn, bản hàng chục câu lạc bộ dân ca hình thành từ niềm đam mê ca hát của nhân dân và phong trào văn nghệ quần chúng, thu hút hàng nghìn người ở mọi giới, mọi lứa tuổi tham gia.

Năm 2000. Nghệ An đã thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với hạt nhân là Nhà hát Dân ca để gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của ví, dặm. Nhưng như trên đã nói, chúng ta đang thiếu đi một chiếu hát mà ở đó thể hiện được không gian sinh hoạt văn hóa dân gian (Phon - cờ lo) hay nói cách khác là môi trường diễn xướng nguyên bản, thể hiện được kiến thức dân ca ví, dặm và đáp ứng cho một phong cách thưởng thức được định hình cho nhiều đối tượng (ví dụ như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, khách du lịch, một bộ phận quần chúng nhân dân có tuổi yêu thích ví, dặm mà chính họ sẽ là động lực lớn để nhân lên sức sống của ví, dặm trong đời sống cộng đồng…).

Hãy thử nhìn lại vị trí, điều kiện bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca quan họ, hát xoan… ở các địa phương quê hương của các làn điệu ấy. Đối với quan họ, tại Bắc Ninh ngoài Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh được thành lập năm 2013, từ 44 làng quan họ gốc, tỉnh này đã nhân lên thành 329 làng quan họ mới; có nhiều giải pháp khôi phục, bảo tồn dân ca quan họ cổ ở thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh, nơi được coi là thủy tổ dân ca quan họ Bắc Ninh. Họ còn khôi phục lại những vật dụng của người hát quan họ khi mời thực khách dự ẩm thực quan họ, xây dựng phòng trưng bày văn hóa quan họ, giới thiệu di sản quan họ với bạn bè trong nước, quốc tế…

Và từ đó, quan họ tự tin chiếm lĩnh nội dung lễ hội (hội Lim), luôn được thể hiện trong môi trường diễn xướng nguyên bản (liền anh liền chị chèo đò hát đối, trao ý duyên, miếng cau cánh trầu trên thuyền, dùng dằng chốn cây đa sân đình…). Nhờ thế, quan họ đã đi vào các kịch truyền hình, điện ảnh, thời lượng truyền thanh dân ca của đài phát thanh quốc gia và tạo âm hưởng trong văn hóa nghệ thuật quan trọng cho các chương trình, tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ. Đối với hát xoan Phú Thọ, thì theo sử sách ghi lại: “Hát xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ, tạo điều kiện phát triển”. Trong bảo tồn dân ca xoan Phú Thọ, theo website “vietnamtourism.com”: Các phường Xoan ở tỉnh Phú Thọ lần lượt khai xuân ở đình, miếu ngay từ mùng một Tết đầu năm.

Buổi sáng các ngày Tết, phường Xoan làng nào hát ở đình làng ấy, tới chiều tối, các phường Xoan lại họp lại với nhau lần lượt hát ở đình, miếu như sau: mùng một, hát ở đình Cả và miếu Cấm làng An Thái (xã Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì); mùng hai, hát ở đình Đơi làng Kim Đới; mùng ba, hát ở miếu Lãi Lèn làng Phù Đức; mùng bốn, hát ở đình Thét làng Thét (xã Kim Đức, Thành phố Việt Trì). Vào ngày mùng 5, thường hát ở đền Hùng (xã Hy Cương, Thành phố Việt Trì). Thời điểm hát được quy định tại một điểm hát nhất định, mỗi “phường” chọn một vị trí cửa đình. Tại Lễ hội Đền Hùng (10/3 âm lịch) nghi lễ hát thờ (hát xoan) là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, thường liên tục có các chương trình hát xoan làng cổ phục vụ du khách thập phương hành hương về đất Tổ”…

Ở Nghệ An từng có một không gian ví phường vải Kim Liên – Nam Đàn nhưng đã mai một, và chúng ta chưa có một giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại nguyên bản. Nhiều ý kiến cho rằng nên khôi phục lại hát ví phường vải một cách bài bản, chuyên môn, gắn với phục vụ du lịch Khu di tích Kim Liên, từ đó làm “hạt nhân” để có nhiều mô hình, cách thức phát huy vốn dân ca ví, dặm đang được bảo tồn khá dày dặn, nâng tầm di sản văn hóa này trong đời sống văn hóa đậm bản sắc của cả nước. Như thế, sao không đặt ra nhiệm vụ hình thành một “chiếu hát” ví phường vải Kim Liên ngay từ bây giờ gắn với công tác phục dựng không gian Làng Sen cuối thế kỷ XIX đang được tiến hành?

Anh Vũ

Mới nhất
x
Đi tìm "chiếu hát"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO