Đi tìm giống nếp tiến vua

Phước Anh 24/09/2022 09:00

(Baonghean.vn) - Nếu như miền Bắc nổi tiếng với nếp cái hoa vàng Kinh Môn, nếp Tú Lệ Yên Bái, nếp cẩm Điện Biên; miền Nam vang danh với nếp ngỗng, nếp sáp Đồng Tháp Mười; thì ở miền Trung, nếp rồng một thời được trồng nhiều trên đất Nghệ - Tĩnh là giống nếp tiến vua thơm ngon nức tiếng gần xa. Về quê lúa Yên Thành (Nghệ An), vẫn nghe râm ran chuyện nếp rồng như thể những hạt trắng mẩy nồng nàn thơm hương ấy chưa bao giờ thất truyền trên đất này…

Cánh đồng lúa xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phước Anh

Gánh nếp rồng lên kinh

“Thân không bằng hạt nếp rồng/ Hai vai bầm tím mà trông kinh kỳ” - hai câu thơ trong nhật trình “Gánh nếp rồng lên kinh” được “nhà Nghệ học” Ninh Viết Giao ghi lại trong cuốn “Nghệ An đất phát nhân tài”, đã dẫn dụ tôi về miền quê lúa Yên Thành. Tôi quyết định “làm” một hành trình ngẫu nhiên, để ăm ắp cảm nhận về đất và người ở vùng đất đậm đặc nét văn hóa của nền văn minh lúa nước này; và gắng gom nhặt những ký ức tích cũ chuyện xưa hoài niệm về giống lúa một thuở lặn vào cùng số phận con người…

Chuyện rằng, Vua thời Nguyễn từng có chỉ dụ cho các địa phương trồng được các giống gạo tẻ, gạo nếp thơm ngon đều phải đem nộp lên triều đình. Ròng rã nắng mưa “canh” nếp, hàng năm đến vụ gặt, dân xứ Nghệ phải lựa những hạt mẩy đều, tròn chắc, bóng bẩy trắng thơm để cung tiến. Khi cân đủ số lượng triều đình quy định, làng xã cử ra những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất để rồng rắn gánh gồng cõng nếp tiến vua.

Nếp thì thơm ngon tuyệt hảo, song người trồng nếp, người gánh nếp thì chẳng mấy khi được hưởng dụng. Đường xa, gánh nặng, ăn uống kham khổ, nhỡ gặp thời tiết đổ mưa bất thường cũng phải lo che cho thúng nếp, còn người đành chịu trận. Gánh nếp lên kinh là hành trình thấp thỏm, lo âu, hao tốn sức lực, bao nhọc nhằn nắng mưa đồng bãi để trồng ra hạt ngọc trời cay xót mắt người, thế mới có những câu thơ ngậm ngùi: “Mau mau cho đến kinh kỳ/ Ta trả thúng nếp, ta đi trở về/ Vợ ngồi nấu cháo le le/ Thương chồng hốc hác da đè lấy xương…”.

Ông Trương Công Định trò chuyện cùng phóng viên trên đồng lúa xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phước Anh

Cái tên nếp rồng cũng được nhiều người giải nghĩa. Người thì cho rằng có tên nếp rồng là xuất phát từ việc giống nếp này phải tiến vua; người lại liên tưởng đến hình dạng của nếp: hạt thon mẩy, đầu hạt có sợi râu dài gắn chặt như râu rồng… Nghe đâu vào mùa gặt, cánh đồng trồng nếp rồng rộ đều sắc vàng ươm, những bông lúa thon dài khẽ đổ nghiêng, đan cài vào nhau, nhìn xa xa hình dung như rồng quấn quýt. Thân lúa nếp rồng dài hơn so với những giống nếp khác, cao nhất có thể đến 1,2m, dai chắc, thời đó nhiều người dân còn lấy gốc rạ về đan liếp lợp nhà.

Hình dạng đặc biệt hiếm thấy ở các giống nếp khác đã đành, lại còn thêm hương thơm “độc nhất vô nhị”. Nhiều bậc cao niên ở quê lúa Yên Thành kể lại, nếp rồng thơm đến nỗi đi thoáng qua ruộng lúa mà mùi hương cũng vấn vít vào người; nhà nào nấu xôi, giã cốm nếp rồng thì cả làng biết. Nấu xôi nếp rồng rất nhanh chín, thậm chí không cần ngâm nước ấm qua đêm như phần lớn loại nếp khác, chỉ cần sau khi trục lúa xong, vo nếp để ráo nước rồi đặt nồi hông, hoặc nấu trực tiếp như nấu cơm là đã có đĩa xôi ngon. Nhiều bà, nhiều mẹ khéo tay còn xay nếp rồng lấy bột làm bánh. Những loại bánh mộc mạc như bánh chưng, bánh vo, bánh trôi… từ nguyên liệu nếp rồng dường như bật lên thêm vị giác cho người thưởng thức.

Có lẽ thêm một điều làm nên sự hiếm quý của nếp rồng, đó là tuy thơm ngon nhưng giống này phải trồng dài ngày hơn so với các loại khác, sản lượng lại không cao nên không phải nhà nào cũng ưu tiên trồng. Nhà nhiều nhân công, nhiều ruộng và kinh tế thoải mái mới dành một phần diện tích để trồng nếp rồng, còn lại thì phải cấy giống có sản lượng, năng suất cao để đáp ứng bữa ăn no. Sau này khi qua thời bao cấp, bước vào thời kinh tế thị trường, giống nếp rồng ít xuất hiện dần, rồi mất hẳn.

Giống nếp rồng thơm ngon nhưng cho sản lượng thấp, nên bước vào thời kinh tế thị trường, giống nếp rồng ít xuất hiện dần, rồi mất hẳn. Ảnh: Phước Anh

Phục tráng giống nếp tiến vua

Nghe tôi giãi bày ý tưởng đi tìm nếp rồng, có người dặn nhớ về đất Xuân Thành, có người lại dấm dứ bảo “phải về Đô Thành nhé”, lại có người nói chắc nịch rằng “đi tìm nếp rồng mà không về Hoa Thành thì tìm sao được”… Đi để thấy, để nghe, hóa ra rằng giống nếp rồng đâu chỉ định vị ở một vùng nào cụ thể, mà được trồng ở nhiều thửa ruộng khắp các xã trên đất Yên Thành.

Tại xóm 9, xã Xuân Thành, tôi gặp ông Trương Công Định (SN 1962) - người có nhiều năm đảm nhiệm công tác hợp tác xã nông nghiệp. Ông nói, người Yên Thành từ tuổi 40, 50 trở lên, hầu như ai cũng biết và được ăn xôi, cốm làm từ nếp rồng. “Lần cuối cùng tôi ăn là cách đây khoảng hơn 20 năm, không có loại nếp nào ăn thơm ngon như nếp rồng” - ông Định nhớ lại. Tâm đắc và trăn trở với giống lúa quý gần như đã tuyệt chủng, năm 2006, ông Trương Công Định lúc bấy giờ là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Xuân Thành tình cờ nghe nói ở Thái Bình có doanh nghiệp còn lưu giữ được giống nếp rồng, nên cất công lặn lội một chuyến ra Bắc để tìm mua.

“Tôi gặp ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình trình bày nguyện vọng. Công ty này lưu giữ nhiều loại giống cây trồng quý hiếm trên khắp cả nước. Sau đó, ông ấy cho tôi một ít giống để về trồng thử” - ông Định cho biết. Số giống nhận được, ông Định về trồng trên diện tích khoảng 500m2; chăm bẵm cấy hái, đến khi thu hoạch chỉ được khoảng 3 yến. Vì nhiều nguyên nhân, ông Định tiếc nuối vì đến nay đã không giữ được giống nếp rồng thuần chủng.

Ông Trương Công Định kể lại hành trình đi tìm giống nếp rồng. Ảnh: Phước Anh

Phục tráng giống nếp đặc sản truyền thống của xứ Nghệ không chỉ là mong mỏi của ông Định mà còn là của nhiều người dân quê lúa Yên Thành, của nhiều nhà khoa học nặng lòng với cây lúa. Tháng 9/2019, các nhà khoa học ở Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống nếp rồng đặc sản trên địa bàn huyện Yên Thành”.

Thời điểm đó, những người thực hiện đề tài đã lựa chọn hàng chục người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nếp rồng trên địa bàn để khảo sát tính trạng đặc trưng của cây lúa, mời một số người tham gia vào quá trình trồng để theo dõi, đánh giá sát sự sinh trưởng của cây. Qua quá trình nghiên cứu và thực hiện, đề tài đã triển khai thu thập được các dẫn liệu của giống nếp rồng đặc sản phục vụ công tác chọn lọc phục tráng; xây dựng được tiêu chuẩn phục tráng giống; chọn lọc phục tráng thành công giống nếp rồng có năng suất khá và chất lượng tốt, ổn định; sản xuất được trên 50 -70 kg hạt giống nếp rồng siêu nguyên chủng…

Cách đây vài năm, nghe đâu có thông tin khấp khởi mừng là một tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ấp ủ dự định đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án trồng lúa chất lượng cao tại huyện Yên Thành, mà trọng tâm là khôi phục giống nếp rồng đặc sản quý hiếm. Tin vui ấy thắp lên trong lòng những người yêu quê niềm hy vọng vào một ngày không xa, giống nếp rồng vang danh một thuở sẽ lại đẻ nhánh trổ bông trên những cánh đồng bát ngát của huyện lúa. Mong mỏi xa hơn là giống nếp tiến vua này sẽ thành thương phẩm chất lượng cao, tự hào mang đến những mùa vàng bội thu cho quê hương…

Mới nhất
x
Đi tìm giống nếp tiến vua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO