Đi tìm ký ức Tập Phúc tự

14/09/2014 18:03

(Baonghean) - Hồ Viết N. ở khối Trường Tiến, phường Hưng Bình (TP. Vinh) kể, một ngày thu năm 2010, một cụ bà tóc trắng như cước nhưng da dẻ hồng hào, nếp ăn mặc lạ với lớp vòng kiểng trang sức choàng lẫn tràng hạt trên cổ, đã gõ cửa nhà ông. Vừa xáp người cần gặp, bà cụ run run cất giọng: “Nhờ anh giúp tôi. Nếu không còn gì nữa thì chí ít cũng còn cái bia mộ của cha mẹ tôi chứ?...”. Ông N. hết sức ngạc nhiên, mời bà cụ vào nhà hỏi han ngọn ngành. “Cụ thể bà cụ nói về mình như thế nào thì tôi chẳng nhớ rõ nữa, chỉ biết là cụ về tìm mồ mả ông bà trước táng ở chùa Tập Phúc. Mà nguyên bà cụ tìm đến tôi cũng lạ!” - ông N. nói.

Trước khi trở lại với câu chuyện của ông N., hãy tìm hiểu xem chùa Tập Phúc ở đâu và lai lịch, quy mô chùa cỡ nào? Tôi lên mạng và may mắn tìm được bài viết “Chùa Tập Phúc bao giờ được phục dựng” của tác giả Trần Quang Đại, cập nhật tháng 11/2010 trên trang điện tử của Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Xin trích lại nguyên đoạn dài, nhưng theo tôi là khá xác thực: “Chùa Tập Phúc (Tập Phúc tự) được xây dựng vào khoảng năm 1926, do các nhà hảo tâm của Nghệ An và cả nước phát tâm xây dựng. Chùa ngoảnh hướng Tây (nay là đường Nguyễn Văn Cừ), vị trí được xác định: “Lấy nhà Tỉnh đội làm mốc ta đi xuống chừng 200m rẽ về phía tay trái vào đó khoảng 1km, ta sẽ đến tới chùa Tập Phúc. Chùa ở gần khu dân dụng Yên Phúc. Chùa Tập Phúc thờ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Quan.

Vị trí của chùa theo nhiều người cao tuổi xác định nay thuộc khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh. Về tên gọi của chùa, có người giải thích do nhà chùa có hai khu nghĩa địa rất rộng (Tập Phúc trên và Tập Phúc dưới) để người quá cố tứ xứ có nơi yên nghỉ, nên gọi là Tập Phúc (tập hợp lại để làm phúc). Cũng có ý kiến cho rằng, chùa có tên ấy vì Hội Tập Phúc, trong đó có nhà đại tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, đứng ra quyên góp xây chùa. Trong ký ức của người dân, chùa Tập Phúc là ngôi chùa lớn nhất của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của miền Trung. Tổng diện tích khuôn viên chùa hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng khoảng 60, 70 mẫu ta. Còn theo cụ Hồ Viết Chanh, 90 tuổi, quê gốc ở xã Hưng Dũng, nay trú tại khối 23, phường Hưng Bình, thì tổng diện tích của chùa, bao gồm nghĩa địa, ruộng và khuôn viên chùa là 100 mẫu, vì trước cổng chùa có vế câu đối “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” (Một trăm mẫu lập nên mảnh đất vui)”.

Ông Nguyễn Văn Kiên bên mảnh vỡ các tấm bia chùa Tập Phúc nay đang để ở đền Tiên Cảnh - Hưng Bình.
Ông Nguyễn Văn Kiên bên mảnh vỡ các tấm bia chùa Tập Phúc nay đang để ở đền Tiên Cảnh - Hưng Bình.

Tôi ấn tượng với cái đánh giá “chùa Tập Phúc là ngôi chùa lớn nhất của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của miền Trung”. Mang cái thông tin trên đến hỏi ông N, ông bảo ông sinh năm 1952, thuở trẻ con hay ra chùa chơi, leo trèo, chạy nhảy, quen hình dung không gian đất đai nhà chùa rộng, hẹp để nay cứ căn bề dài tính từ điểm giao nhau của đường Nguyễn Văn Cừ với đường Lê Hồng Phong, chạy suốt ra phía Bắc, đến đúng chỗ bây giờ có cây xăng và sa-lông ô tô Nissan, tức điểm cắt nhau của đường Nguyễn Văn Cừ và đường Kim Đồng; bề rộng tính xuôi phía Đông đến đường Hermann Gmeiner. Tôi nghe bèn nhờ ông Hồ Ngọc X. là em con chú ông N, có bố cày rẽ đất chùa ngày trước dẫn xuống nơi Tập Phúc tự vẫn bề thế, uy nghiêm trong ký ức nhiều người dân TP. Vinh.

Đương nhiên là cảnh tình phố xá lô xô bây giờ đã “xóa” hẳn ngôi chùa lớn nhất Bắc miền Trung ấy. Nhưng lối vào cửa chùa, theo ông X. chính là từ đường Nguyễn Văn Cừ rẽ đường Trần Hưng Nhượng, nơi có cổng chào khối Bình Phúc của phường mới Hưng Phúc, góc phố có cái quán nướng, trước cửa sum suê một cây sanh lớn kỳ dị, độc đáo so đối với vẻ phố; chẳng biết có phải là hạt nhánh gì của các cây sanh cổ thụ trước trong vườn chùa không? Ông X. đầu trần đội nắng, chồm hỗm trên mặt đường nhựa xác định: Tam quan chùa chính là cái cổng của khu vui chơi giải trí (Khu vui chơi giải trí mi-ni Golf – giải khát); nơi dựng chùa phía trong, bây giờ là một trường mầm non tư thục lớn… Chùa Tập Phúc chính thức bị phá dỡ và coi như “biến mất” hẳn từ năm 1975. Các tài liệu đã chép nhiều về quá trình hủy hoại ấy. Phần gỗ chùa được chuyển về xã Hưng Dũng (bây giờ là phường) quản lý; nay cũng tiêu tán hết. Nhưng bây giờ vẫn còn lại một bức hoành phi và mấy mảnh bia vỡ ở đền Tiên Cảnh đi vào lắt léo trong ngõ đường Văn Đức Giai – Hưng Bình.

Trở lại câu chuyện với ông Hồ Viết N. Thì ra cụ bà tìm gặp ông vào mùa thu 2010 ấy là Việt kiều Thái Lan, đánh đường xa xôi về sau khi nghe một ông thầy Tàu phán: “Ngày ấy… tháng ấy… tìm về Vinh, hỏi gặp tìm một ông như thế… như thế… quãng gần 60 tuổi, hỏi may chăng biết!”. Vốn bà cụ sang Thái Lan từ sau nạn đói Ất Dậu 1945, nhưng phần mộ song thân vẫn nằm ở Việt Nam, chính là táng ở chùa Tập Phúc. Và ông N., dù chẳng thể tìm lại cho bà cụ bia mộ song thân, nhưng nay ông được coi là một trong những người ở TP. Vinh còn nhớ, am hiểu nhất về ngôi chùa này. Theo tác giả Trần Quang Đại, thì: “Trong nạn đói khủng khiếp 1945, nhà chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Nhiều thi hài các nạn nhân chết đói được quy tập về mai táng tại nghĩa địa chùa”. Ông N. cũng xác định, ngày nhỏ ông thấy đây rất nhiều mồ mả, nhưng chiến tranh và kiến thiết mới sau này xóa hết rồi. Vậy vì sao chùa Tập Phúc trở thành nơi chôn cất người tứ xứ?

Theo ông N, khuôn viên chùa ban đầu còn nhỏ hẹp, về sau chùa xuống cấp. Quãng vào đầu những năm 1930, khi vua Bảo Đại ra Nghệ An dự lễ khởi công đắp đê Tả Lam, ông Hàn Ngấn – con nhà buôn bán giàu nhất phường Vịnh (Thị xã Vinh) đã xây hẳn một cái lầu đón tiếp chỗ Nhà đèn Bến Thủy (gần đầu cầu Bến Thủy bây giờ), để được yết kiến Bảo Đại, nhằm xin được tu bổ lại chùa. Dân gian lúc ấy gọi cái lầu nhỏ ấy là “Nhà bắt tay”, vì Bảo Đại cấp tiến Tây học, ra ngoài giao tiếp đều bắt tay như người Tây. Mục đích ông Hàn Ngấn xin vua cho mẹ mình là bà Hàn Phượng – chủ nhà buôn cơ ngơi chiếm gần hết khu vực chợ Vịnh (chợ Vinh), cùng bà Vương mẫu (thuộc dòng họ Vương “danh gia vọng tộc” ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), quyên lạc tiền tu bổ chùa và tậu thêm đất mở rộng khuôn viên để làm từ thiện lập nghĩa trang cho người tứ xứ chết chợ, chết đường, hay nhà nghèo không có chỗ chôn. Ấy nên, đất chùa sau mới được “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” là nhờ vậy!

Ông Hồ Ngọc X. thì lại là “chứng nhân” cho câu chuyện về tấm bia giữa và bức hoành phi của chùa Tập Phúc. Chả là, sau cải cách 1956, sư sãi người bỏ đi, người hoàn tục, chùa hoang vắng. Thời bom Mỹ đánh phá ác liệt, một hôm một bức hoành phi bị đánh văng ra cửa chùa, bố ông X. nhặt đưa về nhà treo… Ông X. kể: “Năm 2004, tôi làm nhà, đi xem ngày động thổ thì thầy bảo, nhà có gì lấy của đền, chùa thì trả đi, ngẫm nghĩ có bức hoành phi bèn nhờ thầy bày cách trả. Bà thầy bói bảo, vật linh ấy của Tập Phúc tự chưa có chùa nào ở đây có thể tiếp nhận, nên bà trả cho ông 300 nghìn đồng, cung tiến cho điện Hòn Chén trong Huế. Ông Phúc không nhận tiền, gói bức hoành phi để đó chờ đem đi. Nghe tin, ông Nguyễn Văn Kiên (nay 78 tuổi, trú khối 11, phường Hà Huy Tập, người đã tâm huyết phục dựng lại đền Tiên Cảnh nói trên) đến ngăn lại, cẩn trọng làm lễ xin “bề trên” đưa về cho treo ở đền Tiên Cảnh, nhằm một ngày chùa Tập Phúc được khôi phụ chăng?

Nhưng còn tấm bia giữa của chùa Tập Phúc, cũng là ông Hồ Ngọc X. cho hay, chính bố ông nhặt đưa về nhà làm bàn giặt, nhưng khi đứa con đầu ông X. bị đau ốm, quấy khóc thường xuyên, đang đêm, ông chở đi để ở ngoài phố, nay không biết thất lạc nơi đâu. Ông Hồ Viết N. xác nhận câu chuyện ấy, và còn cho biết, tấm bia ấy do chính vua Bảo Đại cho đề chữ, cung tiến, nội dung trong đó có mấy câu: “Lâu đài mây phủ Phật ngồi trên (ý nói cai uy nghi lộng lẫy và quy mô của chùa)/ Phảng phất hồn thiêng khắp bốn bên (ý nói về nghĩa trang từ thiện)/ U hiển chi lòng tưởng vọng/ Âm dương siêu khánh được như nguyên”. Tôi cũng đã đến đền Tiên Cảnh, được ông Nguyên Văn Kiên trực tiếp cho xem bức hoành phi và mấy tấm vỡ của các bia tả, hữu cùa Tập Phúc. Bức hoành phi lớn bằng gỗ, chạm khắc cầu kỳ, treo trang trọng ở hậu cung đền, có ghi làm vào năm Bảo Đại thứ 8 (nghĩa là vào năm 1940), giữa có 4 chữ đại tự: “Phúc Thiện Khả Gia”. Riêng mấy mảnh bia vỡ xếp hoang lạnh góc sân đền…

Tôi lấy làm tiếc không gặp được cậu bé đánh chuông chùa Tập Phúc năm xưa nay đã già, ngụ ở khối 2, phường Trường Thi, TP. Vinh, và con vị sư cuối cùng của chùa Tập Phúc (do thời cuộc phải hoàn tục lấy vợ người Cửa Nam) nay ngụ ở phường Lê Mao. Xin hẹn sẽ kể lại câu chuyện của họ vào dịp khác, vì như ông Hồ Viết N. tâm sự rằng, ước vọng của nhân dân TP. Vinh và rất nhiều kiều bào ở Thái Lan, Pháp, có những gắn bó với chùa Tập Phúc đều mong muốn cái ngày chùa được phục dựng; và đó cũng sẽ là một ước vọng lâu dài trong những câu chuyện kể chăng?...

Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất
x
Đi tìm ký ức Tập Phúc tự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO