Đi tìm ý nghĩa ca khúc năm mới kinh điển "Những ngày xưa ấy"

06/01/2015 11:39

Người ta nói khi Auld Lang Syne (Những ngày xưa ấy) được bật lên hoặc được hát lên, những người nghe hầu như đã quá say để có thể quan tâm đến ý nghĩa của nó. Bởi, người ta thường hát hoặc nghe Auld Lang Syne khi năm mới về, khi dự một ngày lễ tốt nghiệp, khi ăn mừng một sự kiện gì đó trong đời, hoặc thậm chí trong tang lễ tiễn biệt người thân…

Tóm lại, đó là những thời điểm đặc biệt, ai cũng quan tâm đến sự kiện mình đang tham dự, hơn là đến bài hát đang được bật lên, mà giai điệu đã quá quen thuộc, như Auld Lang Syne. Quả thực, Auld Lang Syne xuất hiện ở mọi nơi, cả trong những đoạn nhạc thu sẵn có chất lượng nghệ thuật không cao lắm dùng cho… đồ chơi hay đàn organ cho người mới tập chơi.

"Những ngày xưa ấy" chỉ đứng sau "Happy Birthday"

Thử gõ tên bài hát lên YouTube và 32.000 phiên bản hiện ra. Đây chưa phải là con số đầy đủ. Hàng trăm giọng ca đỉnh cao của thế giới từ Elvis Presley, Billy Joel, Rod Stewart, Aretha Franklin, Boney M, The Beach Boys, Susan Boyle, Lea Michele, đến Chipmunks và cả người già trẻ nhỏ… nhiều thế hệ đã hát Auld Lang Syne. Jimi Hendrix, Kenny G còn biến bài hát thành điệu nhạc.

Bài hát được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới. Nhiều chất giọng, nhiều phong cách, nhưng sự da diết không thay đổi. Cũng có phiên bản rộn rã, nhanh và vui tươi, nhưng những nốt nhạc dập dềnh của Auld Lang Syne trở đi trở lại thực sự hợp với ý nghĩa “những ngày xưa cũ”.

Theo Washington Post, Auld Lang Syne là bài hát được chơi nhiều nhất trên thế giới chỉ sau Happy Birthday. Nếu Robert Burns còn sống, số tiền tác quyền từ bài hát hẳn sẽ biến ông thành một tỷ phú.

Theo Washington Post, nếu còn sống, Robert Burns sẽ là tỷ phú nhờ bài hát này
Theo Washington Post, nếu còn sống, Robert Burns sẽ là tỷ phú nhờ bài hát này

Bài hát Auld Lang Syne hay (Old Long Since theo tiếng Anh), bất chấp mối liên hệ mật thiết của nó với đêm giao thừa, lại không được sáng tạo với mục đích đón giao thừa hay năm mới. Ca khúc cũng không liên quan gì đến những ngày lễ. Auld Lang Syne nhắc về những người bạn cũ và không để họ bị lãng quên.

Đoạn điệp khúc bài hát có cụm từ “For Auld Lang Syne” (Vì những ngày xưa ấy) đặc biệt thích hợp nếu vừa hát vừa nâng ly cùng những người bạn, cho một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến. Nhưng vấn đề là vì đâu giai điệu bài hát lại đặc biệt buồn?

Bài hát nổi tiếng mà không ai biết

Theo Telegraph, đây không phải một tác phẩm nguyên gốc. Năm 1788, Robert Burns, nhà thơ được mệnh danh là Shakespeare của Scotland, đã viết lại bài thơ Auld Lang Syne, dựa trên một bài dân ca nổi tiếng của xứ sở này. Vì là dân ca, tác giả gốc của Auld Lang Syne mãi là một bí ẩn.

“Đây là một bài hát cổ, thuộc một thời xưa cũ, nhưng chưa từng được in ra, cũng chưa hề có bản viết tay, cho đến khi tôi chép nó lại từ một cụ già” – Burns viết khi gửi tác phẩm đi in sách. Nhưng các nhà sử học đã tìm hiểu và phát hiện rằng chẳng có cụ già nào cả. Chính Burns đã viết ra những ca từ đó.

Viết lại Auld Lang Syne cũng không phải là đơn giản. Ở Scotland vào thời của Burns, đây là bài hát dân ca ai cũng đã từng nghe, nhưng lại không nắm rõ ca từ của nó. Bài hát có nhiều dị bản là điều tất yếu. Thậm chí đến cả phiên bản được hát phổ biến sau này cũng không còn là bản mà Burns đã viết ra thời đó, bằng thứ tiếng Scotland cổ xưa.

Một đoạn lời bài hát Auld Lang Syne
Một đoạn lời bài hát Auld Lang Syne

Sau khi chép xong, Burns đã gửi bài thơ đến một người bạn của ông là bà Agnes Dunlop. Trong thư viết kèm, ông cảm thán: “Tác phẩm này ẩn chứa ngọn lửa của một thiên tài bẩm sinh, lớn hơn cả tá những gã người Anh say xỉn ngoài kia”.

5 năm sau đó, ông gửi bài thơ cho James Johnson, một nhạc sĩ đang làm cuốn sách tập hợp những bài hát dân ca Scotland. Khi Johnson đưa bài hát vào cuốn sách đã dẫn đến việc sau này Auld Lang Syne trở nên nổi tiếng thế giới, Burns đã qua đời được vài tháng.

Không mất nhiều thời gian để bài hát trở thành giai điệu truyền thống của Scotland và Anh mỗi dịp năm mới. Sau này, khi người dân ở Vương quốc Anh di cư sang Mỹ, trong hành trang của họ có cả Auld Lang Syne. Bài hát đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ non trẻ.

Nhưng phải sang thế kỷ 20, nhạc trưởng kiêm nhạc công Guy Lombardo, người mang hai dòng máu Canada và Mỹ, mới thực sự khiến bài hát trở nên nổi tiếng. Đó là khi ông cho ban nhạc chơi giai điệu Auld Lang Syne làm đoạn nối giữa hai chương trình phát thanh trong một buổi biểu diễn trực tiếp ở khách sạn Roosevelt, New York (Mỹ) hồi năm 1929.

Đầy trùng hợp, họ đã chơi Auld Lang Syne ngay sau khi đồng hồ điểm nửa đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Điều này đã sản sinh ra một truyền thống chơi nhạc đêm giao thừa kéo dài gần cả trăm năm sau, dù không phải là không có gián đoạn. Độ nổi tiếng của màn biểu diễn này, kéo dài suốt từ năm 1929 đến 1977, đã giúp Lombardo đi vào lịch sử với biệt danh “Ngài đêm giao thừa”.

Một tác phẩm do nhiều người tạo nên

“Đây là một bài hát dễ sửa đổi, nó không đặc biệt nhấn vào ý nghĩa tình bạn nguyên gốc, nên có thể được vay mượn để hát trong những dịp khác nhau” – Robert Crawford, người viết tiểu sử nhà thơ Robert Burns, nhận xét.

Đến cả phiên bản được coi là cổ xưa của Burns cũng là một sự pha trộn từ nhiều nguồn khác nhau, dựa trên những bài thơ thế kỷ 16 của Allan Ramsay, Robert Ayton và James Watson. Theo Murray Pittock, một nhà nghiên cứu văn học sử, ca từ Auld Lang Syne được làm nên từ “những ghi chép và giai điệu không thể thống kê”. Theo đó, Burns cũng chỉ được coi là đồng tác giả chứ không phải là tác giả.

“Thiên tài của Burns là ông nhận ra được sức mạnh của bài hát cổ này và mang lại cho nó sức sống mới, thể hiện được tinh thần quốc tế trong khi vẫn giữ được bản sắc Scotland” – nhà giám tuyển nghệ thuật Christine Nelson nhận định.

Nhưng ngoài ca từ, giai điệu của Auld Lang Syne cũng có một lịch sử lý thú. Giai điệu mà Burns phổ cho bài hát năm 1788 không phải là giai điệu chúng ta hát ngày nay. Đây là ý tưởng của George Thomson, một nhà quản lý xuất bản.

Theo TT&VH

Mới nhất

x
Đi tìm ý nghĩa ca khúc năm mới kinh điển "Những ngày xưa ấy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO