Địa chí - Văn hoá - lịch sử xã Hoa Thành
Những năm gần đây nổi lên một phong trào viết sửđịa phương. Đó là việc làm đáng khuyến khích vì sửđịa phương là cơ sởđể viết sử quốc gia. Ở Nghệ An đã có nhiều cuốn sử của các huyện, các xã. Cuốn sách Địa chí - Văn hoá- lịch sử xã Hoa Thành của Ngô Đức Tiến mới ra mắt bạn đọc là một công trình nghiêm túc.
Hoa Thành xưa gọi là Tiền Nha, Hạ Thành, Tràng Thành, một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đã hình thành cách đây hơn 1000 năm. Đây là xã có diện tích nhỏ nhất huyện.
Vậy mà lại trở thành địa phương phát triển nhất của Yên Thành. Vì sao vậy? Ngược dòng lịch sử, tác giả cho biết các thân vương nhà Tiền Lê, nhà Trần đã chọn nơi đây làm lỵ sở của châu Diễn (vùng Diễn Châu- Yên Thành - Quỳnh Lưu) vì ở cạnh sông Dinh, tiến có thểđánh, lui có thể giữ, có đường thủy ra sông Bùng, ra Cửa Vạn đi ra biển, ra kinh đô Thăng Long và có thể ra Cửa Hiền theo đường biển vào tỉnh lỵ Nghệ An.
Vậy là mảnh đất này đã sớm trở thành trung tâm chính trị- văn hoá - kinh tế của vùng Bắc Nghệ An. Đây là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của xã. Không chỉ có thế. Hoa Thành xưa còn có vinh dự là một trong ba địa phương ở Nghệ An được các đấng tiên vương có ý định chọn làm đất đếđô: Mai Hắc Đế chọn Nam Đàn, Quang Trung chọn núi Quyết, Lê Ngân Tích (vua Dền - tức Lô Long Toàn) chọn đất Công Trung- Tràng Thành.
Một địa phương phát triển cao tất yếu sẽ kết tinh lại thành những truyền thống tốt đẹp về các mặt. Hoa Thành "đúng là đất "địa linh nhân kiệt", sản sinh ra bao nhiêu bậc khoa giáp hiền tài, chỉ sau làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) mà thôi".
Trong chếđộ cách mạng, xã có hàng chục tiến sĩ, hai hiệu trưởng các trường đại học, bốn giáo sư và phó giáo sư, hai người được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Con em Hoa Thành ngày nay vẫn tiếp nối vẻ vang truyền thống khổ học thành tài của tiền nhân, xứng đáng với danh hiệu "đất Thám Hoa" mà người dân nơi đây từng tự hào.
Hoa Thành còn là nơi có nhiều di tích, đặc biệt có bốn di tích lịch sử- văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh là nhà thờ và phần mộ Thám hoa Phan Tất Thông, nhà thờ họ Phan Mạc, nhà thờ thám hoa Phan Duy Thực và Khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu.
Có hai công trình kiến trúc cổ bề thế. Một là đền Cảđược xây dựng từ thế kỷ 15, nằm trên một vùng đất cao rộng hơn một mẫu thờ nhiên thần và nhân thần, từ vị thần tối cao là Cao Sơn- Cao Các (Thượng thượng đẳng thần), Lý Nhật Quang (Thượng thượng đẳng thần) đến các vị trung đẳng thần đều là những người có công với dân, với nước. Trải qua hàng trăm năm lịch sử vẫn còn nguyên vẹn giữa một rừng cây thâm nghiêm mát mẻ.
Hai là chùa Bảo Lâm, được xây dựng từ thế kỷ 10, có đến sáu tòa nhà lớn, nhỏ, còn lại nhiều di vật bằng đá có giá trị như bia đá, cột đá, khánh đá. Đền Cả và chùa Bảo Lâm tạo thành một quần thể di tích cổ, trang nghiêm, lưu giữ linh khí của một vùng đất cổ nước non nhà. Hai công trình được giữ gìn qua bao biến thiên của lịch sử chứng tỏ tầm văn hoá của người dân địa phương là khá cao.
Hoa Thành cũng là đất văn nghệ danh tiếng. Hội Bát âm, gồm những người có năng khiếu về âm nhạc, tổ chức luyện tập phục vụ làng xã những kỳđại tế, lễ hội, những lần đón các vị tân khoa về "vinh quy bái tổ". Hội đã có lần được mời ra Kinh đô Thăng Long phục vụđại yến của vua Lê chúa Trịnh và được khen ngợi - một vinh quang không dễ có khi ta biết rằng các chúa Trịnh- nhất là Trịnh Sâm rất giỏi văn chương và âm nhạc.
Gấp cuốn sách lại, người đọc tự hỏi: Cái gì đã làm cho xã Hoa Thành phát triển mạnh qua trường kỳ lịch sử? Ngoài yếu tố là lỵ sở từ thuở xa xưa còn có yếu tố dân trí. Dân trí cao là cơ sở lâu bền cho sự phát triển nhiều mặt. Mà quyết định cho yếu tố dân trí là sự hưng thịnh của giáo dục, khoa bảng từ bao đời ở mảnh đất này.
Đọc tác phẩm, người dân Hoa Thành sẽ hiểu quê hương mình sâu sắc hơn, hệ thống hơn và do đó nâng cao tình yêu đối với mảnh đất chôn rau cắt rốn. Người đọc ở các địa phương khác cũng sẽ tìm thấy nhiều điều hứng thú, nhiều bài học bổ ích.
Với Địa chí - Văn hoá- Lịch sử xã Hoa Thành" anh Ngô Đức Tiến gợi mở một hướng tiếp cận mới khi viết về lịch sử các địa phương.
Phan Bá Hoàn