Địa vị pháp lý của các loại phương tiện hoạt động trong các vùng biển
(Baonghean.vn) - Câu hỏi 19. Địa vị pháp lý của các loại phương tiện hoạt động trong các vùng biển: tàu chiến và các tàu thuyền khác của nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại?
Trả lời: Phương tiện hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa là đối tượng điều chỉnh của Luật Biển. Tàu chiến và tàu nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại là một trong số đối tượng điều chỉnh của Luật Biển.
Tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh minh họa |
Theo Công ước La Haye (tiếng Anh: The Hague Convention) năm 1907 và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thì tàu chiến là tàu thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của tàu quân sự thuộc quốc tịch nước đó, do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong tài liệu tương đương và đoàn thủy thủ phải tuân thủ điều lệnh, kỷ luật quân sự. Công ước LaHaye năm 1907 cho phép tàu quân sự được cải trang trong chiến tranh với điều kiện là không tham chiến khi gặp tàu của một nước trung lập và khi bước vào trận chiến nếu đang dùng cờ để cải trang thì phải hạ cờ cải trang xuống và kéo cờ của nước mình lên. Việc cải trang của tàu quân sự không được phép áp dụng trong thời bình.
Tàu chiến và tàu nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn khi nó hoạt động hợp pháp trên các vùng biển. Nước sở tại chỉ được quyền trục xuất khi xét thấy chiếc tàu đó đã vi phạm chủ quyền và yêu cầu Chính phủ có tàu quân sự đó trừng phạt những nhân viên phạm pháp thông qua con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, quyền miễn trừ này không phải là vô hạn, song song với các quyền đó còn có những nghĩa vụ mà tàu quân sự phải thực hiện khi hoạt động trên các vùng biển khác nhau.
Chẳng hạn, khi hoạt động ở biển cả, tàu chiến được quyền khám xét tất cả các tàu thuyền khác khi có căn cứ chắc chắn để cho rằng các tàu thuyền này đã thực hiện hành vi cướp biển, buôn bán trái phép, chuyên chở nô lệ, ma tuý, các chất độc hại, đang truyền tin tức không đúng quy định quốc tế, tàu thuyền không có quốc tịch, có treo cờ hoặc không treo cờ nhưng trên thực tế có cùng quốc tịch với tàu quân sự đang làm nhiệm vụ khám xét. Ngược lại, nếu không chứng minh được tàu thuyền bị khám đã phạm một trong những tội nói trên thì tàu tiến hành khám xét phải bồi thường thiệt hại do việc khám xét gây ra.
Ở vùng đặc quyền kinh tế, tàu chiến cũng có những quyền và nghĩa vụ như ở biển cả. Riêng tàu chiến của nước chủ nhà còn có quyền khám xét, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài hoạt động vi phạm các quy định của nước mình. Ở vùng tiếp giáp lãnh hải, tàu chiến của nước chủ nhà, ngoài các quyền lợi và nghĩa vụ đã đề cập ở trong biển cả và vùng đặc quyền kinh tế, còn có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác để làm nhiệm vụ ngăn ngừa và trừng trị mọi vi phạm quy định về hải quan, tài chính, nhập cư, vệ sinh, y tế của nước mình.
Tàu chiến phải có nghĩa vụ tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến quyền đi qua không gây hại của tàu chiến trong lãnh hải. Nếu tàu chiến khi đi qua không gây hại trong lãnh hải của một quốc gia ven biển mà bất chấp luật lệ quy định đã được thông báo thì quốc gia ven biển có quyền yêu cầu tàu chiến đó phải rời khỏi lãnh hải của mình ngay lập tức.
Quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm quốc tế về mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu chiến hay bất kỳ tàu thuyền nào khác của nhà nước dùng vào mục đích không thương mại vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua lãnh hải hay vi phạm các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 hay quy tắc khác của luật pháp quốc tế.
Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam
(Còn nữa)