Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Người không "lưng chừng"
(Baonghean) - Sau khi làm luận án tiến sỹ ở Pháp, Nguyễn Duy Bình đã từng nhận được lời mời về giảng dạy tại Trường Đại học Leuven của Bỉ, có cơ hội làm việc tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... thế nhưng Bình lựa chọn trở về và gắn bó với quê hương; Dẫu bối cảnh sử dụng tiếng Pháp và vị trí của văn học dịch trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng còn nhiều hạn chế…
(Baonghean) - Sau khi làm luận án tiến sỹ ở Pháp, Nguyễn Duy Bình đã từng nhận được lời mời về giảng dạy tại Trường Đại học Leuven của Bỉ, có cơ hội làm việc tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... thế nhưng Bình lựa chọn trở về và gắn bó với quê hương; Dẫu bối cảnh sử dụng tiếng Pháp và vị trí của văn học dịch trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng còn nhiều hạn chế…
Nguyễn Duy Bình (phải) tại Hội thảo Kịch Pháp ở Đông Dương (tổ chức tại Pháp, 2013). |
Đi để trở về
Nguyễn Duy Bình đam mê môn Văn và tiếng Pháp từ nhỏ, đam mê ấy ngày càng lớn dần và đủ trở thành động lực để anh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Quê ở xã Thanh Phong (Thanh Chương), chưa
Dịch giả Nguyễn Duy Bình |
Suốt những năm học cấp 3, một mình xoay xở vừa nấu ăn, giặt giũ, và chống chọi với những cơn đói, thế nhưng năm nào Bình cũng đạt học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Pháp và môn Văn. Năm 1991, thầy giáo dạy Văn Nguyễn Thế Quang đạp xe từ Dùng xuống Thành phố Vinh gửi bài thơ “Chiếc xe đạp của người thầy giáo” do Bình sáng tác gửi đăng báo Nghệ An. Còn thầy giáo Nguyễn Hữu Quyền, giáo viên chủ nhiệm, người đã hết lòng giúp đỡ, động viên Duy Bình trong quá trình học tập, cứ có thơ hay của cậu học trò cưng là đọc trước toàn trường.
Thi đậu Trường Đại học Sư phạm Huế, Bình liên tiếp là sinh viên xuất sắc khoa tiếng Pháp. Năm 1995, Bình tham gia cuộc thi Pháp ngữ do Đại sứ quán Pháp tổ chức và trở thành 1 trong 5 thí sinh cả nước đạt giải cao nhất với học bổng đi Pháp 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1995). Tình yêu tiếng Pháp và thành công của Bình đã được tờ Miền Tây nước Pháp (Ouest France) dành riêng một bài ca ngợi. Năm thứ 3 đại học, Bình đã là cán bộ phụ trách cho các chuyên ngành Pháp ngữ do tổ chức Aulpelf-Uref tài trợ: anh tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa Pháp ngữ cho các sinh viên chuyên ngành ở Đại học Huế. Năm 1997, ngay sau khi ra trường, Nguyễn Duy Bình được nhận vào làm trợ lý cho ông Jean-Pierre Raveneau, Giám đốc Trung tâm tiếng Pháp Huế, trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Năm 1999, Duy Bình tiếp tục đạt giải Nhất cuộc thi dịch văn học do Đại sứ quán Pháp tổ chức, thành công này càng nhân lên khát khao được khám phá thế giới Pháp văn ngay tại quê hương của các tác giả lớn như Molière, Victor Hugo, Alexandre Dumas, Albert Camus...
Với thành công đó, Duy Bình đã được Chính phủ Pháp cấp học bổng học thạc sỹ tại Trường Đại học Aix-Marseille 1, Cộng hòa Pháp. Duy Bình kể, giai đoạn học xong thạc sỹ năm thứ nhất về nước, anh được Đại học Vinh mời về thỉnh giảng rồi trở thành giảng viên chính thức. Lúc này vợ anh chưa có việc làm, đồng lương giảng viên lại eo hẹp, để kiếm tiền nộp học phí sang Pháp học tiếp tiến sỹ, anh đã phải đi dạy kèm hàng đêm. Sau khi bảo vệ Luận án tiến sỹ tại Pháp, Giáo sư José Lambert, thành viên tham gia phản biện luận án, đã mời anh về giảng dạy tại Đại học Leuven (Bỉ), nhưng Duy Bình đã chọn con đường về nước. Đại học Huế luôn rộng cửa đón Nguyễn Duy Bình trở lại, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có quyết định nhận anh về làm giảng viên chính thức tại Khoa Quốc tế, tuy nhiên quê nhà Nghệ An là nơi Duy Bình lựa chọn trở về.
Bền bỉ cùng đam mê
Từ khi còn là sinh viên Khoa tiếng Pháp, Nguyễn Duy Bình sớm đặt chân đến con đường dịch thuật. Những kỷ niệm đáng nhớ đầu đời của Duy Bình là những lần cùng ông Jean-Pierre Raveneau phối hợp chuyển ngữ các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn như Để gió cuốn đi, Biển nhớ, Một cõi đi về... Thời kỳ còn làm việc tại Trung tâm tiếng Pháp Huế, Duy Bình còn tham gia tích cực vào việc tổ chức Đêm nhạc Trịnh Công Sơn bằng tiếng Pháp. Có lần Trịnh Công Sơn về thăm Huế, Duy Bình và Jean-Pierre Raveneau đã đến khách sạn Sài Gòn Morin gặp ông. Trịnh Công Sơn đã rất lấy làm thích thú khi nghe những nhạc phẩm quen thuộc của ông bằng tiếng Pháp. Được các thầy giáo tài hoa và tâm huyết như dịch giả Bửu Ý (ĐHSP Huế), Inès Oséki -Depré, Alain Guillemin, Trịnh Văn Thảo (Đại học Aix- Marseille 1) nhiệt tình giúp đỡ, Nguyễn Duy Bình có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu văn học dịch Pháp – Việt một cách hệ thống, bài bản, sâu sắc.
Nhờ vốn Pháp ngữ thông thạo và kiến thức rộng rãi và mới mẻ, cùng với nhiều mối quan hệ khoa học uy tín, nên Nguyễn Duy Bình dù ở Trường Đại học Vinh nhưng vẫn có khả năng “toàn cầu hóa” các công trình nghiên cứu và dịch thuật của mình. Vừa giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sỹ, vừa đảm nhiệm các nhiệm vụ như: Viện Phó, Viện trưởng Viện Văn hóa và Ngôn ngữ Trường Đại học Vinh; Phó Giám đốc – Trưởng Ban Biên tập Nhà Xuất bản Trường Đại học Vinh, anh vẫn tham gia dịch thuật và đóng góp tích cực cho các hội thảo khoa học quốc tế về giao lưu văn học.
Nguyễn Duy Bình (giữa) cùng các giáo sư tại Lễ bảo vệ Luận văn tiến sĩ ở Pháp (2008) |
Học thạc sỹ và tiến sỹ ở Pháp, có ít nhất 8 lần đi học tập và tham gia hội thảo ở châu Âu, vậy nhưng đến nay Nguyễn Duy Bình cùng vợ và hai con vẫn sống trong căn nhà tập thể nhỏ của bố mẹ vợ ở khối 12, phường Quán Bàu (TP. Vinh). Nhìn vẻ ngoài, ít ai biết con người hàng ngày vẫn đi về từ nhà tập thể đến Trường Đại học Vinh bằng chiếc xe máy cũ kỹ ấy, lại là người đang tạo ra dấu ấn không hề nhỏ ở mảng văn học dịch với 6 cuốn tiểu thuyết: Những linh hồn xám (Philippe Claudel, NXB Phụ nữ, 2008), Lời hứa lúc bình minh (Romain, NXB Văn học, 2009), Vườn tình (Marcus Malte, NXB Văn học, 2010), La Mã sụp đổ (Jérômme Ferrari, NXB Văn học, 2013), Nam và Sylvie (Phạm Duy Khiêm), Hẹn gặp lại trên ấy (Pierre Lemaître)...
Trong đó, có 2 tiểu thuyết dịch của anh đã được sinh viên sử dụng làm đề tài thạc sỹ văn học. Ngoài ra anh còn cộng tác dịch và in ấn nhiều truyện ngắn, thơ, lý luận nghiên cứu văn học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trên nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước. Gương mặt dịch giả Nguyễn Duy Bình không còn lạ với các cuộc phỏng vấn về chuyên ngành văn học dịch trong đời sống văn học đương đại trên các báo và tạp chí: Văn Nghệ trẻ, Tia sáng, Thanh niên, Tuổi trẻ... Khi chúng tôi đến thăm nhà, công trình mà Nguyễn Duy Bình đang thực hiện là dịch các tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh sang tiếng Pháp.
Không phải không hiểu sâu sắc những khó khăn, bạc bẽo của nghề dịch thuật, nhưng Nguyễn Duy Bình vẫn kiên định công việc mà anh đã chọn. Trong cuốn tiểu luận văn chương và dịch thuật có tên gọi Lưng chừng Babel của Nguyễn Duy Bình (NXB Đại học Vinh, 2014), anh chiêm nghiệm: “Tôi ngước nhìn lên tháp Babel và thấy bóng Tha Nhân. Tôi nhìn giữa lưng chừng và thoáng thấy bóng hình của Kẻ Khác. Tôi là con ngựa thồ ốm yếu cố chất lên lưng cuồng vọng văn chương và lê bước lên đỉnh tháp để mục kích sự hiện hữu tiềm tàng của Kẻ Khác trước sự vắng mặt của chính tôi. Tôi tự xóa bóng mình bằng những con chữ được viết ra trong sự nhòa mờ.
Tôi thấy tháp Babel như thu mình nhỏ lại và biến thành tháp ngà cho tôi núp bóng”. Trong Kinh Thánh, tháp Babel do những người đến sau nạn đại hồng thủy dựng nên, với khát vọng sẽ xây đỉnh tháp chạm đến thiên đường. Vì sợ ở hạ giới chỉ có một thứ dân, một thứ tiếng, nên nếu họ đã quyết thì việc xây tháp đến đỉnh chỉ là trong tầm tay, Đức Giê-hô-va đã cùng các thánh thần làm lộn xộn tiếng nói của con người và phân tán họ ra trên khắp mặt đất. Từ đó, con người có sự khác biệt, bất đồng ngôn ngữ, người không hiểu người, và tháp Babel không bao giờ được hoàn thiện mà mãi mãi lưng chừng. Điều đó đặt ra sứ mệnh của người làm công tác dịch thuật chính là tiếp tục “lê bước lên đỉnh tháp”, lên tháp và làm tháp, thực là điều quá khó! Trong “Lưng chừng Babel”, Duy Bình chỉ tự nhận mình là “con ngựa thồ ốm yếu cố chất lên cuồng vọng văn chương”, một cách nói khiêm nhường nhưng cũng rất quyết liệt, biết có gian nan nhưng chẳng từ nan.
Ở độ tuổi 40 đang tràn trề sung mãn, nhìn lại những gì mà Nguyễn Duy Bình đã vượt qua để vươn tới trên con đường mà anh đã chọn, thấy rằng dịch giả Nguyễn Duy Bình là một người không hề lưng chừng!
Ngô Kiên