Điểm hẹn của những người yêu sách
(Baonghean) - Với những người yêu sách ở thành Vinh, chắc hẳn không mấy ai là không biết đến phố sách cũ Nguyễn Văn Cừ. Đây là địa điểm “tập kết” của mấy chục cửa hàng sách lớn nhỏ nằm dọc hai bên đường. Sách ở phố có đủ thể loại: từ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách chuyên ngành đến tiểu thuyết, truyện tranh, thậm chí cả sách tư vấn chăn nuôi, sách nữ công gia chánh…
Theo chân một cô bạn là khách quen của nhiều cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ, tôi tìm đến nơi được nhiều người ví von là “thiên đường của sách”. Sách còn mới thì được xếp ngăn nắp trên các kệ riêng biệt, còn sách cũ hơn- loại sách giấy đã ố vàng, sách mất bìa hoặc bung gáy thì thường để trong những thùng cacton lớn, khách quen có thể ngồi hàng giờ say sưa lựa chọn mà chủ cửa hàng không tỏ vẻ phật ý chút nào. Cô bạn đi cùng tôi vừa lật giở đọc lướt vài trang sách, vừa đắc ý bảo: “Có đi mua sách ở đây nhiều mới biết, những cuốn sách dù hiếm đến mấy cũng có thể tìm được. Nếu ở cửa hàng không bày sẵn, hỏi nhỏ chủ hàng, những lần nhập sách tiếp theo họ sẽ để ý kiếm cho mình!”.
Chỉ mới khoảng 8- 9h sáng mà các cửa hàng sách trên đường Nguyễn Văn Cừ đã tấp nập. Anh M.- chủ tiệm vừa thoăn thoắt tính tiền gói hàng, vừa liên tục trả lời câu hỏi của khách. Anh bảo: “Người đến mua cũng đa dạng lắm, học sinh sinh viên có, phụ huynh đi mua sách cho con có, cán bộ hưu trí đến tìm tạp chí hoặc sách lịch sử cũng nhiều…
Nói chung ở đây đủ loại sách, đủ loại khách chú ạ!”. Rồi anh tâm sự thêm, gia đình anh làm nghề bán sách gia truyền đã mấy chục năm rồi. Ban đầu cửa hàng mở tại nhà trong ngõ sâu, chủ yếu bán truyện tranh và cho thuê sách văn học, lịch sử… , sau không biết từ đâu mà con đường Nguyễn Văn Cừ này trở thành con đường chuyên bán sách cũ, thế là gia đình anh cũng thuê mặt bằng để chuyển cửa hàng về đây. Mới đó mà cũng đã 5 năm rồi, cái nghề bán sách này nó không đua chen được, cứ phải từ từ, nhẹ nhàng. Cửa hàng nào có khách quen của cửa hàng đó, không tranh khách, không cãi vã. Nói chung tôi xác định cứ giữ nghề sách này, vừa có chút thu nhập vừa lấy đức học cho con cháu!”.
Cũng cùng suy nghĩ như anh M., bác TH. là người đã gắn bó với nghề bán sách cũ ở con đường này gần chục năm nay. Từ bé đã có niềm yêu thích đặc biệt với những cuốn sách, bác bảo nhà bác xưa kia có một tủ sách dăm bảy trăm cuốn, sau chiến tranh và nhiều lần chuyển nhà mất mát hết. Về hưu, bác mở một cửa hàng bán sách cũ để có việc làm vui tuổi già, và cũng là để gần gũi với những cuốn sách mà bác say mê thuở nào. Bác chia sẻ: “Tôi quý sách, cũng quý lây cả những người mê sách, yêu sách. Có mấy cậu sinh viên đến mua, lục tìm cả buổi được mấy cuốn sách, tôi bớt cho nửa giá. Thời đại này mà còn đạp xe vã mồ hôi đi lục sách cũ ố vàng thì quý lắm cháu ạ.”
Bác TH. chỉ cho tôi mấy bạn trẻ đang lúi cúi lục lọi mấy hộp cacton đựng sách cũ. Theo như bác kể, đây là khách quen của cửa hàng, thậm chí còn gửi lại số điện thoại để bao giờ có đợt “hàng” mới về thì nhờ bác nhắn một câu. Ở cửa hàng bác TH., cửa hàng anh M. và nhiều cửa hàng khác trên dọc đường Nguyễn Văn Cừ đều thấp thoáng hình ảnh nhiều bạn trẻ cắm cúi chọn sách, đọc sách. Thiết nghĩ, trong thời đại thông tin internet bùng nổ như hiện nay, việc giữ gìn tình yêu với những cuốn sách, dẫu là sách cũ hay sách mới, là việc làm đáng trân trọng.
Nguyễn Thành Duy