Điểm mặt 3 vụ khiếu nại người tiêu dùng thắng kiện
(Baonghean.vn) - Không ít các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc dư luận. Từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Từ năm 2015, Chính phủ quyết định ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước... Dưới đây là một số vụ việc khiếu nại đáng chú ý đã được giải quyết.
1. Vụ việc bảo hành xe máy Yamaha Nozza Grande
Ngày 15/7/2017, Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận Đơn khiếu nại của người tiêu dùng Phan Ng. Th. V. liên quan đến chất lượng xe máy Yamaha Nozza Grande và dịch vụ của Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam.
Người tiêu dùng cho hay sau khi mua và sử dụng xe máy Nozza Grande từ tháng 11/2015 đến năm 2016 thì xe có hiện tượng rung đầu và giật khựng ở bánh lái xe phía trước, chạy xe trên dốc thì xe có tiếng kêu phát ra từ giảm xóc.
Trong quá trình mang xe đến đại lý để bảo hành, xe máy chỉ được kiểm trả và bảo dưỡng theo định kỳ. Sau khi thay thế phụ tùng miễn phí theo chương trình triệu hồi năm 2016, tình trạng xe ngày càng nặng hơn và hãng trả lời không thể khắc phục được. Đến thời điểm khiếu nại, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Sau khi tiếp nhận Đơn khiếu nại và xác minh các thông tin liên quan, Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi công văn đề nghị Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam giải trình và giải quyết vụ việc.
Đến ngày 3/8, Công ty Yamaha đã gửi công văn giải trình, theo đó xác nhận chất lượng dịch vụ theo đơn khiếu nại của người tiêu dùng, đồng thời xác nhận tình trạng hao mòn của hệ thống truyền động CVT dẫn tới các vấn đề của xe máy trong thời gian qua.
Yamaha Việt Nam đã tiến hành thu hồi, thay mới các chi tiết liên quan và kiểm tra bảo dưỡng xe đảm bảo xe hoạt động bình thường.
2. Vụ việc tranh chấp về số tiền đặt vé máy bay của hãng Air Asia
NTD khiếu nại về việc đặt vé máy bay trực tuyến của hãng hàng không Air Asia qua ứng dụng trên điện thoại di động. Cụ thể, NTD đặt vé khứ hồi Đà Nẵng - Kuala Lumper.
Khi thanh toán, ứng dụng báo số tiền 42,112 USD (hơn 40 đô la Mỹ), nhưng sau khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thì ngân hàng báo số tiền là 421,12 USD (hơn 400 đô la Mỹ).
Cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng đã liên hệ với Air Asia và được công ty cam kết sẽ giải quyết trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đó, người tiêu dùng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Air Aisa.
Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng, Cục QLCT đã liên hệ với hãng hàng không Air Asia tại Malaysia (Công ty không có trụ sở tại Việt Nam) để thông báo về vụ việc của người tiêu dùng. Sau quá trình làm việc và trao đổi giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và công ty về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, công ty đã tiến hành xin lỗi và chấp nhận hoàn lại tiền vé máy bay cho NTD.
3. Vụ việc khiếu nại về việc mua hàng qua điện thoại của Công ty Thái Dương Xanh
Cuối năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận Đơn của nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc bị “lừa đảo” khi mua hàng qua điện thoại của Công ty TNHH TM Thái Dương Xanh Việt Nam.
Theo đó, NTD khiếu nại về việc được Công ty Thái Dương Xanh gọi điện thông báo trúng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng, được sử dụng để mua điện thoại Samsung Galaxy A8 trị giá 8,5 triệu đồng, vì thế, NTD chỉ phải thanh toán 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận được hàng qua bưu điện, NTD phát hiện sản phẩm là điện thoại MIQ A8 với giá trị rất thấp.
Trên cơ sở khiếu nại của người tiêu dùng, Cục QLCT đã tiến hành làm việc, trao đổi với các bên liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ việc cũng như tư vấn, hỗ trợ các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một số đơn khiếu nại đã được Công ty Thái Dương Xanh và người tiêu dùng giải quyết theo phương án hòa giải “trả hàng - hoàn tiền”. Một số đơn khiếu nại khác đang được tiếp tục kiểm tra và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyền của người tiêu dùng
Căn cứ theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Trách nhiệm của người tiêu dùng
1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.