Điểm nhấn du lịch biển Cửa Lò
(Baonghean) - Hằng năm, đến vụ cá nam, ngư dân Cửa Lò lại làm lễ cầu yên: Cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Dần dần từ một lễ hội cầu yên đã phát triển thành lễ hội sông nước quy mô lớn trong vùng - trở thành điểm nhấn của mùa du lịch biển Cửa Lò. Nhân sự kiện Lễ hội sông nước Cửa Lò 2015, phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Thị xã...
Một góc Thị xã biển Cửa Lò. Ảnh: Sỹ Minh |
Phóng viên: Lễ hội sông nước Cửa Lò phản ánh nét đẹp truyền thống của người dân vùng biển. Vậy ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của lễ hội đặc sắc này?
Ông Doãn Tiến Dũng: Theo người xưa kể lại, làng chài nhỏ Cửa Lò sống bằng nghề đánh bắt cá, lênh đênh trên biển khơi mênh mông với biết bao nguy hiểm rình rập. Những người dân chất phác luôn tin rằng trên biển có một vị thần luôn đi theo để bảo vệ họ. Vị thần ấy đánh đuổi quỷ dữ và ban cho họ những khoang cá đầy. Với mong muốn cầu xin thần biển hãy chở che để có một năm làm ăn nhiều may mắn, ngư dân ở đây đã tổ chức lễ hội cầu thần biển, hay còn gọi là lễ hội sông nước. Ban đầu lễ hội diễn ra với quy mô nhỏ, theo thời gian cùng với sự phát triển của Thị xã, quy mô lễ hội ngày càng mở rộng gắn với khai trương mùa du lịch Cửa Lò. Để giữ gìn bản sắc riêng của một lễ hội vùng biển, phần lễ được chú trọng. Đó là phải đảm bảo được yếu tố tâm linh, trang trọng, thành kính. Phần lễ có Lễ Yết cáo tại đền Vạn Lộc vào chiều 30/4, Lễ rước kiệu từ đền Vạn Lộc về Quảng trường Trung tâm Thị xã vào ngày 1/5.
Công ty Song Ngư Sơn phục vụ Khách du lịch đi thăm Đảo Ngư; |
Phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như: Giao lưu văn nghệ “Nối vòng tay biển” do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn; đốt pháo hoa; đua thuyền truyền thống trên biển và thi đấu bóng đá mini, bóng chuyền bãi biển, kéo co, biểu diễn võ thuật… Đặc biệt, giải đua thuyền truyền thống giữa các phường, xã không những làm sống lại nét đẹp văn hóa của ngư dân làng chài mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút hàng vạn du khách về xem. Ngoài ra, trong lễ hội còn có các hoạt động: trưng bày ảnh các di tích lịch sử, thắng cảnh của Cửa Lò và Nghệ An trong quá trình chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương; tổ chức thi văn hóa ẩm thực, thi đầu bếp, lễ tân giỏi và thi nét đẹp duyên dáng của các thiếu nữ trong vùng. Lễ hội sông nước Cửa Lò ngày càng phát triển thành một lễ hội có quy mô lớn thu hút du khách thập phương.
Phóng viên: Thị xã Cửa Lò vừa được công nhận đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước. Xin ông cho biết những định hướng để Cửa Lò phát triển xứng tầm đô thị du lịch biển?
Ông Doãn Tiến Dũng: Ngày 25 tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận Cửa Lò là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước. Đây là một vinh dự lớn cho đô thị du lịch biển sau 20 năm xây dựng và phát triển. Đó cũng là cơ hội để Cửa Lò bứt phá và phát triển để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã ban hành.
Và để xứng tầm là đô thị du lịch biển, Thị xã Cửa Lò đã xây dựng định hướng, trong đó chú trọng các lĩnh vực:
Đua thuyền trong Lễ hội Cầu Ngư 2014 của phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) |
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân thấy được vinh dự lớn và tầm quan trọng của đô thị du lịch, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp sức vào sự phát triển của đô thị du lịch. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch đến du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khách nước ngoài.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó tập trung: Phát triển kinh tế nhanh và đúng hướng, lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm. Xây dựng môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn) an toàn, xanh, sạch, đẹp. Xây dựng con người Cửa Lò thật sự thân thiện, văn minh.
Hải sản, thực phẩm ưa thích của du khách khi đến Cửa Lò. |
Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật du lịch, trong đó thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường nội thị và vành đai liên kết đảm bảo liên hoàn; đầu tư và thu hút đầu tư các công trình trọng điểm, trong đó quan tâm đến các công trình vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú chất lượng cao như quần thể Khu du lịch Lan Châu
Bài: Thanh Thủy (Thực hiện)
Ảnh: Xuân Nhường