Diễn Châu: Dạy nghề dân cần và địa phương có nhu cầu

(Baonghean) - Khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, căn cứ vào nhu cầu lao động của các địa phương, huyện Diễn Châu đã định hướng việc dạy và học nghề cho người dân phù hợp. Nhờ đó, hầu hết lao động sau khi học nghề đều có việc làm ổn định, thu nhập khá…
Lớp học nghề chế biến cá phi lê do Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu triển khai cho 60 học viên ở xã Diễn Ngọc đã bước sang tháng thứ 3. Hiện nay, tay nghề của các học viên đã có những chuyển biến rõ rệt. Học viên Thái Thị Hoa, dù đã có kinh nghiệm làm nghề chế biến cá hơn 2 năm, nhưng vẫn thấy việc học nghề là thiết thực, bởi theo như chị thì: “Trước đây, tôi chỉ làm theo thói quen, không biết cầm dao thế nào để thái cá cho đúng, cho nhanh… Nay, được học, được hướng dẫn cụ thể, tôi nắm bắt được kỹ thuật, kỹ năng, nên hiệu quả công việc cao hơn”.
Quan sát giáo viên hướng dẫn cho chị em, chị Hoàng Thị Dung, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản Đông Lộc rất phấn khởi, bởi đa phần học viên trong lớp đều là công nhân của chị. Việc công nhân vừa học, vừa thực hành ngay tại xưởng chế biến giúp chị duy trì được tiến độ sản xuất. Và hiệu quả rõ nhất là từ khi được đào tạo, năng suất chế biến tại cơ sở của gia đình chị đã tăng từ 3 tấn lên 5 tấn/ngày, còn giúp gia đình chị tiết kiệm nguyên liệu, không để lãng phí cá như trước đây. Còn công nhân cũng được hưởng lợi vì năng suất tăng, lương cao hơn.
Thực hành lớp chăn nuôi thú y ở xã Diễn Thái (Diễn Châu).
Thực hành lớp chăn nuôi thú y ở xã Diễn Thái (Diễn Châu).
Nghề chế biến cá phi lê là một nghề đem lại nguồn thu nhập cao và là nghề mới phát triển ở Diễn Châu trong vài năm trở lại đây. Riêng tại Diễn Ngọc, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân, một ngày nghề chế biến cá phi lê giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập bình quân 150 nghìn đồng/người/ngày. Cá chủ yếu được chế biến từ cá hội, loại hải sản có sản lượng đánh bắt cao, giá thành rẻ, thị trường tiêu thụ quanh năm, nên không lo hết việc. Tuy nhiên, vì trước đây chưa được đào tạo bài bản, công nhân chủ yếu làm theo kiểu “truyền việc”, năng suất  không cao mà lại lãng phí nguyên liệu. Đó cũng là lý do vì sao khi điều tra nhu cầu học nghề, rất nhiều bà con ở xã đăng ký học cách sơ chế cá phi lê. 
Chọn nghề gì để đào tạo cho hiệu quả và vừa có thể đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là điều lãnh đạo huyện Diễn Châu trăn trở trong công tác đào tạo nghề. Khi Đề án 1956 được triển khai, huyện đã thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của các ban, ngành và chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, giao cho các trung tâm dạy nghề, trạm khuyến nông phối hợp với các xã, thị khảo sát nhu cầu học nghề xuống đến từng hộ dân; từ đó, có kế hoạch dạy các ngành, nghề phù hợp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tổ chức thực hiện công tác tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức in tài liệu, phát tờ rơi đến từng khu dân cư. Đồng thời, mời giáo viên là những người có kinh nghiệm thực tế như cán bộ trạm khuyến nông, các kỹ sư nuôi trồng thủy sản về trao đổi. Những ngành, nghề đòi hỏi kỹ thuật và phương tiện thực hành hiện đại, mời giáo viên ở các trường nghề có uy tín của tỉnh về trực tiếp giảng dạy.  
Hiệu quả rõ rệt nhất là các học viên say mê, hứng thú với bài học, hầu như không có tình trạng học viên bỏ học giữa chừng, chất lượng các lớp học đồng đều. Ông Nguyễn Nhã Sơn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu, cho biết: Nếu như vài năm trước, mỗi năm trung tâm chỉ mở được từ 10 – 12 lớp học nghề, thì năm nay đã tăng lên 45 lớp. Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, trong năm 2014, Trung tâm dạy nghề đã xin chỉ tiêu tăng thêm 3 lớp. Trong các ngành, nghề thì hiệu quả nhất là nghề may, nghề điện. Bên cạnh đó, các nghề nông nghiệp như chế biến thủy, hải sản, nghề dịch vụ khách sạn, nghề chế biến nấu ăn và nghề trồng trọt cũng rất phát triển.
Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm tạo việc làm cho các học viên sau khi ra trường, vì thế luôn chú trọng tìm đầu ra cho các học viên sau khi tốt nghiệp. Hiện trung tâm đang liên kết với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để cung ứng và đào tạo nguồn lao động như: Công ty Namsung Vina Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ, Công ty Vĩnh Quang - Diễn Ngọc, Doanh nghiệp sản xuất tư nhân Diễn Hoàng. Đặc biệt, khi có đơn hàng về việc làm, trung tâm mạnh dạn tham mưu với UBND huyện để có sự hỗ trợ về kinh phí tạo thuận lợi cho học viên, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Với cách làm đó, đến nay có gần 2.000 lao động nông thôn được nâng cao tay nghề và có cơ hội được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Hơn 90% trong số này được tạo việc làm, thu nhập ổn định tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong huyện. Một số khác mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác xã giải quyết việc làm cho bản thân và hàng trăm lao động khác trong vùng, như mô hình chị Nguyễn Thị Thơm nuôi cá nước ngọt ở Diễn Phúc, chăn nuôi lợn của anh Nam ở xóm 3, xã Diễn Thái, Công ty Tùng Phương - Diễn Phong… Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá ngày một tăng, bước đầu tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần vào việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của toàn huyện.
Những kết quả mà huyện Diễn Châu đạt được trong công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng cũng đã mở ra một hướng đi mới cho các địa phương khác. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải nắm đúng nhu cầu học nghề của người dân và của địa phương. Quan tâm đến chất lượng đào tạo, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Bên cạnh đó, muốn làm tốt công tác đào tạo nghề thì cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền để nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Mỹ Hà

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.