Diện mạo mới ở Tiền Phong

30/10/2013 19:44

(Baonghean) - Tôi vừa có dịp trở lại Tiền Phong - xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao biên giới Quế Phong. Cuộc sống của đồng bào nơi đây thực sự đã thay da đổi thịt. Dọc hai bên đường và đôi bờ sông là những cánh rừng tái sinh, rừng trồng và những cánh đồng lúa chín vàng, những nương ngô, bãi mía xanh mát mắt. Những căn nhà lá lụp xụp trước đây nay đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, nhà sàn gỗ kê lợp ngói và cả nhà cao tầng khang trang; khu chợ mới xây kiên cố ở trung tâm xã người bán, người mua khá tấp nập...

Ông Lương Văn Huyện – bản Phương Tiến I với rừng quế 15 năm tuổi của mình.
Ông Lương Văn Huyện – bản Phương Tiến I với rừng quế 15 năm tuổi của mình.

Ông Lương Hiến Chương – Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã Tiền Phong cho biết: Tiền Phong gồm 4 dân tộc anh em (Thái, Kinh, Khơ mú, Thổ) sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Những năm trước, ở Tiền Phong đi đến xóm bản nào cũng nghe chuyện lo đời sống cho dân, nhất là lo cái ăn hàng ngày, chỉ chuyện đó thôi cũng làm nhọc lòng lãnh đạo xã.

Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ, chính quyền xã đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp thực tế địa phương, thay đổi nếp nghĩ cách làm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xoá đói giảm nghèo, khắc phục khó khăn, coi trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tích cực phát triển kinh tế đồi, rừng, mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.

Để giúp bà còn nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, xã còn phối hợp với trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, các mô hình trình diễn, các buổi hội thảo đầu bờ, từ đó nhân ra diện rộng. Nhờ đó, nhiều năm liền Tiền Phong trúng vụ, năng suất lúa đạt từ 53-55 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2012 đạt 3.364 tấn thóc, vượt định mức lương thực theo kế hoạch đề ra, đã chủ động giải quyết được vấn đề lương thực, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ nuôi từ 2-5 con trâu, bò. Hiện nay toàn xã có 4.490 con trâu, 1.900 con bò (trong đó bò laisind 60%), 5.330 con lợn và 45.000 con gia cầm, trong đó có 26.000 con vịt bầu địa phương.

Phong trào cải tạo vườn tạp, đào ao thả cá, mở rộng phát triển nghề phụ, truyền thống như: sản xuất gạch nung, gạch bê tông, cát sỏi, sửa chữa ô tô xe máy, điện dân dụng, xay xát, kinh doanh vật tư phân bón, dệt thổ cẩm, mây tre đan lát…đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân. Nếu như trước đây thu nhập đầu người đạt rất thấp, số hộ đói nghèo chiếm tỉ lệ cao hơn 60%, thì đến năm 2013 dự tính bình quân thu nhập đầu người đạt 350kg thóc và hơn 6 triệu đồng, giảm số hộ nghèo xuống còn 36% theo chuẩn mới, nâng số hộ giàu lên 10%, hộ khá lên 20%. Điển hình như xóm Lâm Trường II, hầu hết người dân ở đây rất năng động trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Đến nay xóm không còn hộ đói, chỉ còn 1/55 hộ nghèo.

Trong đó nổi bật có: gia đình ông Nguyễn Văn Chiến có mức thu nhập 200 triệu đồng/năm, gia đình ông Lương Văn Huyện thu nhập mỗi năm hơn 80 triệu đồng. Ông Lương Văn Huyện được Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 2005, ông vinh dự được đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội. Noi gương ông, các gia đình xóm Phương Tiến đua nhau làm trang trại có hiệu quả. Ông Lương Văn Huyện tâm sự: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, năm 1995 tôi mạnh dạn nhận hơn 30 ha đất trống, đồi trọc trồng quế, sắn, ngô, đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt lấy ngắn nuôi dài. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nhờ được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, nên gia đình tôi không những hoàn trả được vốn vay ngân hàng mà còn tích lũy được nguồn vốn khá, làm được hai dãy nhà sàn gỗ kê lợp ngói, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.

Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cái ăn, cái mặc cho bà con được xã và bản chăm lo. Các mục tiêu: điện, đường, trường, trạm… được đầu tư nâng cấp. Nhiều tuyến đường vào các xóm bản được tôn cao, mở rộng, nhiều nơi được bê tông hoá. Hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia; 12/25 xóm bản được công nhận làng văn hoá, trong đó có 2 xóm bản được công nhận đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh; có hơn 64% số hộ là gia đình văn hoá, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, các hủ tục lạc hậu trong ma chay cưới xin giảm hẳn. Đến thời điểm này Tiền Phong cơ bản đã hoàn thành 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, giờ đây đồng bào các dân tộc ở xã Tiền Phong, đang vui với cuộc sống mới…

Bài, ảnh:Lao Thanh Chương

Mới nhất
x
Diện mạo mới ở Tiền Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO