Diện mạo mới ở xã Nam Hưng (Nam Đàn)

21/04/2017 15:07

(Baonghean) - Về Nam Hưng, dạo bước trên những con đường nông thôn mới phong quang, sạch đẹp, chạy dọc giữa những dãy nhà khang trang, những cánh đồng trù phú cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê giàu truyền thống đang vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Miền quê giàu truyền thống

Hơn nửa thế kỷ trước, xã Nam Hưng là vùng đất hoang vu, “rừng thiêng nước độc”. Thực hiện chủ trương dãn dân của tỉnh, năm 1962, người dân các xã Xuân Hòa, Vân Diên, Nam Trung, thị trấn Nam Đàn, các xã Thanh Lương, Thanh Lam, Ngọc Sơn (Thanh Chương), Tân Sơn (Đô Lương) đã về đây khai hoang, lập nghiệp.

Người dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) góp công sức, kinh phí làm đường GTNT. Ảnh: Đinh Nguyệt
Người dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) góp công sức, kinh phí làm đường GTNT. Ảnh: Đinh Nguyệt

Tháng 4/1967, Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập xã Nam Hưng gồm các HTX: Hồng Lĩnh, Bắc Sơn, Tân Phong, Tân Nam, Tiền Phong và Lam Tiến. Năm 1968, Đảng ủy xã Nam Hưng đã chỉ đạo hợp nhất 5 nông trang thành 3 HTX: Hưng Tiến, Hưng Thành và Lĩnh Sơn. Những ngày đầu mới thành lập, còn nhiều khó khăn, để đưa xã Nam Hưng phát triển một cách toàn diện, Đảng bộ và chính quyền xã Nam Hưng đã có nhiều nỗ lực phát huy nội lực, thu hút ngoại lực tạo đà cho xã phát triển ổn định và phát triển. Đồng chí Nguyễn Phùng Huy được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Đinh Xuân Hiền - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND đầu tiên của xã.

Thời kỳ đó, khó khăn chồng chất khi xã mới được thành lập, lại chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Cấp ủy và chính quyền Nam Hưng đã triển khai mọi giải pháp để ổn định dân cư, quy tụ sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân để gây dựng phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau để vượt lên thách thức. Nhân dân xã Nam Hưng tích cực tham gia chiến đấu, vừa phục vụ kháng chiến vừa thi đua sản xuất.

Trường Mầm non Nam Hưng đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Ảnh Đinh Nguyệt
Trường Mầm non Nam Hưng đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Ảnh Đinh Nguyệt

Thực hiện chủ trương xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, từ sau năm 1986, Đảng bộ và chính quyền xã Nam Hưng đẩy mạnh việc huy động nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đề ra nhiều chủ trương lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, với định hướng “nông, lâm gắn với chăn nuôi”.

Nhờ vậy, từ một xã miền núi nghèo, Nam Hưng đã nhanh chóng tiếp thu các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng; đa dạng hóa nguồn thu nhập. Trong hành trình bền bỉ 50 năm qua, chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng, sự cần cù, sáng tạo của nhiều thế hệ người dân nơi đây đã “biến” vùng đất nghèo nàn trở thành những làng mạc, những cánh đồng trù phú, tốt tươi.

Khởi sắc nhờ nông thôn mới

Xã Nam Hưng thực hiện xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp; mới chỉ có 7/19 tiêu chí. Hầu hết các tiêu chí chưa hoàn thành của xã đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn. Bởi vậy, xã vừa tập trung huy động nội lực, vừa tranh thủ các chương trình mục tiêu của Trung ương, các cơ chế chính sách của tỉnh và huyện, vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, con em quê hương trên khắp mọi miền đất nước. Trong 5 năm qua, xã huy động được nguồn kinh phí: 125 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 101 tỷ đồng.

Nguồn lực trên đã giúp cho diện mạo xã Nam Hưng ngày một đổi mới. Điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hoá, thuỷ lợi, nhà ở dân cư được đầu tư, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Hệ thống giao thông của xã, xóm với gần 40 km cơ bản đã được rải nhựa và bê tông hoặc cấp phối, đảm bảo lưu thông thuận lợi. Hệ thống thủy lợi cơ bản được nâng cấp để đủ nước phục vụ sản xuất.

Nông dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) năng động phát triển các ngành nghề dịch vụ, xây dựng nâng cao thu nhập. Ảnh: Đinh Nguyệt
Nông dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) năng động phát triển các ngành nghề dịch vụ, xây dựng nâng cao thu nhập. Ảnh: Đinh Nguyệt

Cơ sở vật chất cho các trường học hàng năm đều được bổ sung, xây mới, đến nay 3/3 trường có cơ sở vật chất khang trang. 10/10 xóm đã có nhà văn hoá xóm, khuôn viên, sân vận động đảm bảo phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương. Trên địa bàn, đến nay cơ bản không còn nhà tạm và dột nát, có trên 90 % nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố, bền và đẹp.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, Nam Hưng phát huy lợi thế kinh tế vùng đồi. Hiện nay, có trên 70% số hộ có diện tích đất rừng, có trên 200 hộ nhận hợp đồng khai thác nhựa. Nhiều hộ dân phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi (dê, ong, trâu, bò).

Ngoài ra, thuận lợi có đường QL 15A chạy qua, người dân địa phương còn năng động phát triển các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh. Nhiều lao động địa phương đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng từ 2 - 4 triệu đồng, đến nay đạt 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,8%.

Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa phát triển, lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, 10/10 xóm đạt xóm văn hóa; điển hình xóm 3/2 giữ vững danh hiệu suốt 20 năm qua; có trên 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa.

Công tác giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài được quan tâm. 3/3 trường học trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng chuyên môn được xếp trong tốp đầu của huyện. Trạm y tế được đầu tư nâng cấp, xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế năm 2012; đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Người dân ý thức trong việc vệ sinh môi trường, giữ gìn làng quê sạch đẹp; bình yên thôn xóm.

Nhiều mô hình chăn nuôi phát triển, thu nhập cao trên địa bàn xã Nam Hưng. Ảnh: Đinh Nguyệt
Nhiều mô hình chăn nuôi phát triển, thu nhập cao trên địa bàn xã Nam Hưng. Ảnh: Đinh Nguyệt

Là xã có đến 4/10 xóm có giáo, nhưng nhờ làm tốt nhiệm vụ phối hợp với các địa phương giáp ranh, với hội đồng mục vụ giáo xứ và giáo họ trong tác tuyên truyền nên lương - giáo đoàn kết; tình hình an ninh trật tự tại các thôn xóm luôn ổn định.

Đảng bộ xã Nam Hưng 5 năm liền được công nhận Trong sạch vững mạnh, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị hàng năm được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của cán bộ và nhân dân xã nhà trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016.

Trao đổi về định hướng phát triển thời gian tới, ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết: Địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện các tiêu chí một cách vững chắc. Trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc về nội dung tiêu chí quy hoạch đã được phê duyệt, giải quyết tốt hơn về công tác môi trường trên địa bàn; phát huy lợi thế kinh tế vùng đồi, xác định cây, con phù hợp và đa dạng hóa nguồn thu để nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy nội lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và một số công trình phúc lợi xã hội khác. Tiếp tục thực hiện tốt hơn các tiêu chí để góp phần đưa huyện nhà sớm về đích NTM”.

Đinh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Diện mạo mới ở xã Nam Hưng (Nam Đàn)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO