Diện mạo nông thôn mới ven đô
(Baonghean) - Đường xóm rộng rãi thảm nhựa đã gắn biển đặt tên; Nhà dân cao tầng bề thế giữa vườn cây cảnh làng nghề; trường học, trạm xá và các nhà văn hóa xóm được chỉnh trang, xây mới, Khi phía các cánh đồng, trên các mô hình sản xuất mới, bà con xã viên đang tích cực chăm sóc cây trồng mùa vụ, thì trong khu dân cư ầm ì tiếng máy móc gấp rút hoàn thành các công trình văn hóa công cộng… Khung cảnh xã ven đô Nghi Liên (TP. Vinh) đã thực sáng lên diện mạo nông thôn mới theo hướng văn minh đô thị.
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới cho thu nhập cao ở xóm 3 - Nghi Liên. |
Đang chăm sóc vườn cây cảnh xanh um với những thứ cây quý phô dáng thế trong làng nghề trồng hoa - cây cảnh xóm 4, người cán bộ lão thành của xã Nghi Liên giãn nét mặt hồ hởi nói với chúng tôi: “Có thể nói quê hương Nghi Liên đã đổi mới hết mực. Sau hơn 5 năm tách từ huyện Nghi Lộc sáp nhập về Thành phố Vinh, địa phương đã nỗ lực bắt nhịp được với yêu cầu phát triển của một xã cửa ngõ đô thị loại 1. Nhất là từ khi bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu chương trình quốc gia, mọi phong trào cộng đồng góp sức xây dựng quê hương thực sự đã khơi dậy quyết tâm hành động mới”.
Nắng trải vàng trên những cánh đồng quê xanh tốt lúa màu. Dọc đồng đất có cái tên lam lũ Mồ Cúi, thuộc diện tích canh tác của bà con xóm 3 – Nghi Liên tăm tắp những dãy nhà lưới mô hình rau an toàn. Xóm trưởng xóm 3, Lê Bá Đức đang lúi húi kiểm tra giếng khoan tưới, nói: “Cữ này bà con mới thu hoạch một lứa rau quả. Mấy ngày trước, các nhà vườn đang đỏ rực cà chua, trĩu mướp đắng và xanh rờn các loại rau, đẹp lắm! Xóm tui có 11 hộ tham gia mô hình với diện tích 5.000m2, làm từ năm 2012. Ngoài là lưới thành phố hỗ trợ, thì xóm huy động bỏ ra gần 300 triệu đồng để đầu tư kéo điện ra đồng, đào ao và khoan giếng lấy nước tưới”. Sản xuất rau an toàn theo mô hình ứng dụng của Trung tâm Ứng dụng các tiến bộ KHCN – Sở KH&CN thì đã có một số nơi làm. Nhưng phải nói chưa có nơi nào thành công như Nghi Liên. Mùa nào thì trồng rau quả ấy, sản phẩm rau an toàn của nông dân – thị dân Nghi Liên đã phục vụ khắp các chợ trên địa bàn và nội đô. Ông Nguyễn Văn Cẩn – xóm 3, cho hay: “Nhà tôi làm sào rưỡi, mặc dù chưa có hỗ trợ tiêu thụ theo như cam kết của mô hình, nhưng hai mẹ con nhà nó chịu khó chạy chợ, bán khỏe, thu nhập chừng 6 triệu đồng một tháng”. Anh Nguyễn Đình Kỳ - xóm 3 vừa chăm chú tưới mấy luống rau cải, vừa giảng giải: “Trồng rau nhà lưới vừa hạn chế hư hỏng cây trồng do mưa lớn, vừa giữ được độ ẩm cho đất, cứ chăm bón đúng hướng dẫn kỹ thuật là cây trồng tốt vượt. Thí dụ như cà chua thì ngọn leo lên tận giàn cao quá đầu người, buông quả lúc lỉu chín đỏ rực trông thích mắt. Thương lái người ta đến tận nơi mua, vì cái “sạch” rồi, thì cái “đẹp” sẽ khiến người ta càng ưa chuộng”. - Trồng rau sạch theo mô hình nhà lưới này, hiệu quả kinh tế thế nào? - “Nhà tôi thực hiện mô hình trên diện tích 1 sào, Nhà nước hỗ trợ 100.000đ/m2, nhà bỏ ra 20 triệu đồng, trừ chi phí thu 17 triệu đồng/năm, gấp đôi, gấp ba trồng lúa và trồng lạc trước đây!”. Ừ là nghe thì đơn giản, nhưng để chuyển đổi được thế là cả quá trình thay đổi tập quán sản xuất...
Bên cạnh mô hình trồng rau sạch, Nghi Liên cũng đẩy mạnh công tác khuyến nông, bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi, cơ cấu các giống mới để đồng loạt tăng năng suất cây trồng trên đồng ruộng... Dẫn chúng tôi đi giữa tăm tắp những con mương bê tông tưới tiêu như những khung nhạc vui trên mượt mà cánh đồng lúa thì con gái, anh cán bộ trẻ của UBND xã Nghi Liên cho biết, toàn xã có 36 km kênh mương thì nay đã bê tông hóa được 33 km, cùng với xây dựng 2 trạm bơm chuyền tổng kinh phí là 50 tỷ đồng chủ yếu từ ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm xã vào tháng 3/2014 này, đồng chí cũng đã ra thăm đồng ruộng và tỏ ý vui mừng về quy hoạch cũng như cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, triển khai các mô hình mới của Nghi Liên. Thực tế, đó là từ việc cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn xã biết vận dụng lợi thế địa phương và cơ chế của Nhà nước, nhất là trong xây dựng nông thôn mới để tập trung xây dựng các mô hình kinh tế vùng ven đô, cải thiện đời sống nhân dân về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%.
Xã Nghi Liên đã tạo cho một phía cửa ngõ thành phố trở nên trẻ trung, năng động, đầy tiềm năng. Các nghề thủ công, cơ khí và dịch vụ thương mại phát triển. Đã có nhiều doanh nghiệp lựa chọn Nghi Liên để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong tổng thu nhập, giá trị gia tăng công nghiệp – xây dựng đạt hơn 81 tỷ đồng, chiếm gần 51%. Từ chú trọng công tác quy hoạch đi trước một bước kể từ khi sáp nhập về thành phố, bắt tay vào “làm” nông thôn mới, Nghi Liên thuận lợi để quy hoạch xây dựng các cơ sở vật chất thiết chế văn hóa. Được xây dựng sau cùng, Nhà văn hóa xóm 3 quy hoạch tại bãi đất rộng trên đồng Mồ Cúi, máy móc đang ủi xúc tôn nền, nhưng trong khu khuôn viên đã được trồng những hàng cau vua bén xanh thẳng tắp. Ngoài một số xóm đã xây dựng nhà văn hóa trước đó, thì trong giai đoạn thực hiện tiêu chí nông thôn mới, các xóm còn lại đã đồng loạt xây dựng mới với mức đầu tư hàng tỷ đồng… Tại khu vực xóm 6, đang nhộn nhịp thi công hoàn thiện sân khấu sân vận động lớn của xã và các hạng mục hồ sen, tiểu cảnh phụ trợ trước nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ để kịp hoàn thiện trước ngày 27/7 này, nghĩa là đúng dịp xã làm lễ công bố hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới…
Gặp Bí thư Chi bộ xóm 6 Đinh Cao Thái ngay trên công trường thi công, ông cho hay, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khi về xóm đã được triển khai quyết liệt, khơi dậy được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nên sau 4 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, xóm đã phát triển mạnh được nghề chăn nuôi lợn, gà hàng hóa. Hộ ông Lê Duy Trúc xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, duy trì thường xuyên trong chuồng 50 – 60 con, năm xuất bán 3 lứa, thu lãi ròng trên 100 triệu đồng… Nông dân xóm nay lên thị dân, ý thức xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ, tích cực xây dựng văn minh ngõ xóm, vệ sinh môi trường và sôi nổi làm giao thông nông thôn, nay đã khép kín bê tông hóa nội xóm. Có hộ như ông Đào Xuân Diệm hiến 120m2 đất cho xóm làm đường, người chạy chợ như chị Nguyễn Thị Giang ủng hộ 12 triệu đồng mua cát sỏi; các hộ bám đường 1A trích 120 triệu đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng góp vào quỹ xóm… Tất cả, đã giúp xóm 6 là một trong những xóm hoàn thành sớm nhất các tiêu chí nông thôn mới.
Vãn chiều, trên các sân vận động các xóm đã rộn ràng các trận bóng chuyền, cầu lông, chúng tôi ngỏ ý muốn được xem buổi tập dượt văn nghệ của Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm của xã, anh cán bộ ủy ban rút điện thoại gọi và cho hay là đội văn nghệ đã nghỉ buổi tập, rồi anh gợi ý sao không vào thăm Trạm y tế nhỉ? Thì đi! Trạm y tế xã Nghi Liên khang trang nằm trong khuôn viên xanh mát bóng cây. Đang đúng ngày trạm tổ chức tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho các cháu nhỏ trên địa bàn. Trạm trưởng Nguyễn Thị Liễu cho biết, trạm đã được công nhận đạt chuẩn quốc giai giai đoạn 2 (từ 2011 – 2020); thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế (có 1 bác sỹ) đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, và hiện nay trạm đang thực hiện 65% bảo hiểm y tế ngay tại tuyến xã…
Thời gian không cho phép để đi, cảm nhận hết những gì mà nhân dân xã ven đô Nghi Liên nỗ lực đạt được trong 4 năm tích cực xây dựng nông thôn mới. Nhưng chúng tôi đã được hòa vào niềm vui chung, khí thế náo nức chờ đón ngày chính thức công bố hoàn thành mọi tiêu chí mục tiêu ở đây. “Sau sự kiện vui này, Nghi Liên kỳ vọng cũng là bước sang một giai đoạn phát triển bền vững thi đua với các phong trào ở nội đô. Chúng tôi sẽ phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và toàn dân về vai trò của một địa phương cửa ngõ phía Bắc thành phố để vươn lên xứng tầm hơn nữa!” - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phượng tiễn chúng tôi với cái bắt tay thật chặt và giọng nói đầy quyết tâm.
Đình Sâm