Điện sinh hoạt vì sao không thể áp dụng một giá?
Áp dụng bán điện một giá sẽ tăng chi phí cho đa số người dùng và không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm khi nguồn cung còn hạn chế.
Đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016 - 2017 đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra lấy ý kiến bao gồm 3 phương án: Phương án 1 sẽ giữ nguyên 6 bậc như hiện hành; Phương án 2 là quy định một biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) tính ở thời điểm hiện tại là 1.747 đồng/kWh và phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 bậc hoặc 4 bậc.
Điện đồng giá chỉ có ở thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Phương án quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt 1.747 đồng/kWh được coi là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành. Phương án này sẽ tiết kiệm nhân lực và chi phí quản lý cho ngành điện, tuy nhiên sẽ gây khó khăn cho những người nghèo, thu nhập bình quân thấp và không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện ở mỗi quốc gia đều có liên quan chặt chẽ đến quá trình cung - cầu điện, điều kiện sản xuất kinh doanh điện cũng như chính sách xã hội riêng để chính phủ quyết định giá.
Hiện nay, giá điện ở các nước đa phần do chính phủ quyết định. Các quốc gia có số doanh nghiệp của nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất kinh doanh điện đều do chính phủ định giá. Nhìn chung, các nước kiểm soát giá điện chặt chẽ hầu hết đều có giá điện bậc thang, có những nước quy định giá điện lên tới 7 – 8 bậc thang và giá điện bậc thang cao nhất lên tới 25 – 27 cent/kWh tương đương 5.000 – 6.000 đồng/kWh.
Bảng so sánh phương án quy định một biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) với phương án giá điện hiện hành. |
Từ đó, ông Tri cho rằng, với những quốc gia áp dụng tính giá điện theo phương án một giá (đồng giá) thì đều có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đến người tiêu dùng cuối cùng như Singapore, Philipines hay Tây Úc. Hiện ở Singapore, điện sinh hoạt đồng giá đang ở mức 16 – 17 cent/kWh tương đương gần 4.000 đồng/kWh.
“Ở Việt Nam, nếu tính biểu giá điện theo mức đồng giá với giá bản lẻ điện cao như vậy chắc sẽ không có người tiêu dùng nào chấp nhận được, trong khi nước ta có điều kiện sản xuất kinh doanh điện cạnh tranh khác với các quốc gia khác. Sản lượng điện ở Việt Nam có 35% - 40% từ thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, có giá thành rẻ hơn và không bị phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nhiên liệu. Trong khi đó nước ta cũng có sản lượng 30% từ các nguồn điện khí trong nước sản xuất và than phát điện cũng chiếm tới 30% sản lượng điện sản xuất trong nước”, ông Tri chỉ rõ.
Đại diện EVN cũng cho hay, bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phát điện với tỷ trọng tăng dần lên, giá than theo giá thị trường thế giới. Giá khí cho sản xuất điện hiện nay cũng đã cơ bản theo giá thị trường thế giới. Như vậy, đầu vào nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam đã theo giá thị trường, riêng đầu ra bán lẻ điện lại vẫn phải theo quy định của Nhà nước.
Hiện EVN chưa thống nhất phương án tính giá điện cụ thể, song theo ông Đinh Quang Tri, điều quan trọng của chính sách giá điện là phải vạch ra được tín hiệu cho người tiêu dùng và người sản xuất. Giá điện phải đảm bảo cho người sản xuất có đủ chi phí để bù đắp được vốn đầu tư cũng như các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh để tiếp tục sản xuất điện cung cấp cho hệ thống. Người tiêu dùng cũng phải có được một mức giá hợp lý để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Do vậy để đáp ứng được chính sách giá điện hợp lý là không thể xuất phát từ yêu cầu của một phía.
Điện đồng giá là lùi xa nhưng tiến quá nhanh
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, đại diện Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD), phương án quy định một biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) sẽ tạo được sự minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng cũng như quản lý, kiểm tra giám sát. Đồng thời phương án này tạo điều kiện cho việc cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ điện và từng bước thực hiện cơ chế thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá điện và thay thế bằng chính sách khác.
“Tuy nhiên, so với quy định hiện hành, nếu chuyển sang phương án quy định một biểu giá điện sinh hoạt sẽ gây ra nhiều tác động: Các hộ dùng điện ít và trung bình (khoảng dưới 240kWh/tháng sẽ phải tăng tiền điện hàng tháng, trong khi các hộ dùng nhiều điện (khoảng từ 300kWh/tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện. Và quan trọng hơn là với phương pháp này, áp lực tạo ra để sử dụng điện tiết kiệm tuy vẫn có nhưng không cao bằng phương án biểu cơ cấu giá điện lũy tiến bậc thang”, ông Thỏa phân tích.
Bảng so sánh phương án quy định một biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) với phương án giá điện hiện hành. |
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, giá điện không chỉ đơn thuần là kinh doanh còn liên quan đến an sinh xã hội. Phương án tính giá điện cần cân nhắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Nếu áp dụng tính giá điện đồng mức rõ ràng là không phù hợp với tiêu chí sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, trong khi điện là nguồn năng lượng không tái tạo và tiết kiệm luôn là quốc sách hàng đầu. Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng luôn ủng hộ phương án khuyến khích tiết kiệm trong sản xuất và trong tiêu dùng, vì vậy phản đối phương pháp tính giá điện đồng mức”, ông Hùng nói.
Hoàn toàn không đồng tình với phương án một giá điện, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu rõ quan điểm: Giá điện phải là công cụ của Nhà nước để điều khiển nhu cầu sử dụng điện, nhất là trong giai đoạn nguồn cung điện của nước ta chưa hoàn toàn thoải mái đáp ứng nhu cầu, do vậy phương án tính một giá điện là không phù hợp.
“Thực chất của phương án điện đồng giá là làm lùi lại tiến trình cách nay khoảng 20 năm hoặc quá nhảy vọt đến sau năm 2024 khi nước ta đã có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Do đó, đây có thể được coi là “bước nhảy” lùi xa tiến nhanh nên không thích hợp và không thể chấp nhận được ở giai đoạn hiện nay. Nếu chấp nhận phương án này cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ công cụ điều tiết của giá điện”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long chỉ rõ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
(Bộ Công Thương):
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc lấy ý kiến về Đề án Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Đà Nẵng và TP HCM trước khi trình Dự thảo chọn phương án lên Bộ Công thương và Chính phủ. Trong tháng 10/2015, EVN sẽ hoàn thiện Đề án Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gửi Bộ Công Thương xem xét, tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Song song với Đề án Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN tích cực triển khai hai đề án khác là nâng cao năng suất lao động và đề án giảm tổn thất điện năng. Với Đề án nâng cao năng suất lao động, mục tiêu trong năm 2015, năng suất lao động của EVN sẽ phải tăng tối thiểu 8,5% so với năm 2014. Trong Đề án giảm tổn thất điện năng với mục tiêu trong năm 2015 tổn thất điện năng phải giảm xuống mức 8%/năm./.
Theo VOV