Diễn Vạn – mùa làm kẹo Tết
(Baonghean.vn) Nói đến làng nghề có tiếng về sản xuất kẹo cu-đơ, kẹo lạc cùng các loại bánh kẹo khác của Nghệ An không thể không kể đến 2 làng nghề truyền thống Xuân Bắc, Đồng Hà thuộc xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Đến hẹn lại lên, trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, 2 làng nghề bước vào chính vụ sản xuất; những chuyến xe tải lớn, nhỏ tấp nập vào ra “đánh” hàng... Và những năm gần đây, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn, nhỏ đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh.
(Baonghean.vn) Nói đến làng nghề có tiếng về sản xuất kẹo cu-đơ, kẹo lạc cùng các loại bánh kẹo khác của Nghệ An không thể không kể đến 2 làng nghề truyền thống Xuân Bắc, Đồng Hà thuộc xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Đến hẹn lại lên, trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, 2 làng nghề bước vào chính vụ sản xuất; những chuyến xe tải lớn, nhỏ tấp nập vào ra “đánh” hàng... Và những năm gần đây, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn, nhỏ đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh.
Quyện vào cái rét của tháng cuối năm là mùi thơm bùi của lạc vừng, ngọt mát của đường, mạch nha... Trong không khí sản xuất nhộn nhịp, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình anh Vinh Hồng (ở làng Đồng Hà) - là một trong những gia đình cha truyền con nối, chuyên sản xuất mặt hàng cu-đơ và kẹo mè xửng. Ngay từ đầu tháng 10 dương lịch, mức tiêu thụ sản phẩm của cơ sở anh Hồng đã tăng lên gấp 3 lần ngày thường, trung bình 4 ngày xuất 1 xe hàng khoảng 3 tấn kẹo; chủ yếu xuất bán đi thị trường Thái Nguyên, Cao Bằng...
Anh Hồng cho biết: “Để sản phẩm kẹo có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, ngay từ những ngày đầu làm nghề anh đã xác định yếu tố đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả những nguyên liệu “đầu vào” như: lạc, vừng, mạch nha, đường... phải là loại ngon, đảm bảo độ giòn, thơm, béo. Kẹo cu-đơ muốn nấu ngon thì đầu tiên phải có nguyên liệu tốt, như mật phải ngon, lạc đều hạt, bánh đa giòn... Khâu khó nhất là canh thời điểm lúc mật sôi bỏ lạc làm sao để kẹo không già và cũng chẳng bị non, chỉ cần sơ sểnh tý là hỏng.
Các hộ làm nghề bánh kẹo ở xã Diễn Vạn (Diễn Châu) đã chú trọng đầu tư về mẫu mã, bao bì, tem nhãn và đưa máy móc vào sản xuất.
Khoảng thời gian để nha đủ độ và non lửa hay quá lửa chỉ tính được bằng giây, do vậy, khi nấu người thợ phải thật chú ý về thời gian và màu sắc. Yếu tố quyết định hình thức cũng như chất lượng của kẹo chính là công đoạn đứng bếp khuấy nha và đường. Vì thế, thợ đứng bếp bao giờ cũng phải có kinh nghiệm cao trong nghề. Ngoài ra, thợ lăn cắt kẹo cũng rất quan trọng, nếu không nhanh tay lăn kẹo để kẹo cứng thì mẻ kẹo đó coi như không thành công, sau đó mới đến người đóng gói”. Ở Diễn Vạn, ngoài sản xuất bánh kẹo theo phương pháp thủ công là chính, nay đã có một số công đoạn được dùng bằng máy như: trộn nguyên liệu, cắt, hàn túi khi đóng gói... Do đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì, tem nhãn nên lượng hàng hoá làm ra của các cơ sở đã cao gấp 3 - 4 lần khi chưa đưa máy móc vào sản xuất. Hiện trong xã có 20 cơ sở sản xuất bánh kẹo mỗi cơ sở với 15-20 công nhân tham gia, đạt trung bình từ 6-8 tạ các loại /ngày.
Theo anh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Khuyến nông xã, phụ trách làng nghề thì: “Nghề sản xuất kẹo cu-đơ, kẹo lạc ở Diễn Vạn đã được duy trì và phát triển hơn 50 năm qua, trải qua bao sóng gió, lúc thịnh lúc suy nhưng không ai nỡ bỏ nghề. Đến cuối năm 2009, xóm Đồng Hà và Xuân Bắc đã được đón nhận bằng công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo của UBND tỉnh. Làng Đồng Hà hiện có 122/214 hộ làm nghề với hơn 300 lao động tham gia. Năm 2010, lợi nhuận từ nghề đạttrên 7 tỷ đồng. Làng Xuân Bắc có 96/122 hộ với 228 lao động làm nghề, lợi nhuận cũng đạt gần 7 tỷ đồng; thu nhập bình quân lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng.
Trước sự đa dạng và phong phú của bánh kẹo được sản xuất trong các nhà máy hiện đại đang tràn ngập trên thị trường, nhưng các sản phẩm bánh kẹo truyền thống của Diễn Vạn (nhất là kẹo cu-đơ, kẹo lạc ép) đã len lỏi được vào thị trường thành thị và được người tiêu dùng chấp nhận… Các hoạt động bán hàng cũng được cải tiến nhanh gọn và tiện lợi; hầu hết giao dịch mua bán được thực hiện qua điện thoại và trên mạng... Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều cho rằng, sản phẩm đã có truyền thống lâu đời thì ắt sẽ được mọi người ghi nhận nên chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu. Một trong những nguyên nhân khó khăn nữa là việc sản xuất tại làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ, mạnh ai nấy làm; mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu nên để xây dựng thương hiệu chung đang là vấn đề khó khăn của làng nghề” .
Ở xóm Đồng Hà và Xuân Bắc, còn có mè xửng, kẹo dồi, bánh tai voi... cũng rất được nhiều khách hàng từ phố thị đến thôn quê ưa chuộng. Không chỉ vào dịp tết mà trong ngày thường, các loại bánh kẹo của Diễn Vạn vẫn được rất nhiều khách hàng mua để làm quà biếu tặng nhau trong những dịp đi xa. Thị trường tiêu thụ đã mở rộng ra hầu hết các tỉnh phía Bắc; từ Thái Nguyên, Vĩnh Phú đến Cao Bằng, Tuyên Quang... Đặc thù của nghề sản xuất bánh kẹo là mang tính thời vụ, vào cuối thu và đầu xuân mới phát triển mạnh (khoảng từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau). Trung bình mỗi hộ sản xuất có từ 1 đến 2 bếp, trong tháng cao điểm, bếp nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày, nếu lượng hàng tiêu thụ mạnh có khi phải làm tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Với mỗi bếp cần khoảng 10 lao động, 1 người đứng bếp, 2-3 người cắt bánh kẹo, còn lại là thợ đóng gói; mức thu nhập bình quân của người lao động đang ổn định từ 80.000 đồng/người/ngày đối với thợ đứng bếp, từ 30.000 - 50.000 nghìn đồng/người/ngày đối với thợ đóng gói. Ngoài tạo việc làm cho những người trong gia đình, làng nghề phát triển còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở trong xã.
Muốn có thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, trước hết sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, tuân thủ vệ sinh ATTP; có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng...Ngày Tết đang đến gần, hy vọng các sản phẩm bánh kẹo truyền thống của Diễn Vạn sẽ đủ sức cạnh tranh, vươn ra xa thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ngọc Anh