Điều chỉnh, bổ sung biển báo: Nhiệm vụ cấp bách trên mỗi cung đường
Qua rà soát, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Khu Quản lý đường bộ khẩn trương điều chỉnh nội dung, kích thước hình vẽ, chữ cái, con số trên các biển báo theo quy định; rà soát các vị trí cắm biển báo trên các đoạn tuyến QL thiết kế 4 làn xe trở lên để kịp thời giúp người đi đường nhận biết dễ dàng, thuận tiện. Đây là nhiệm vụ cấp bách, cần được duy trì và trở thành tiêu chí đảm bảo ATGT trên QL của các địa phương.
Biển báo sai
Theo rà soát của Tổng cục ĐBVN, tình trạng các biển báo hiệu đường bộ “cắm” bất hợp lý, sai, thiếu hoặc thừa thông tin hiện nay trên nhiều tuyến QL không chỉ gây lãng phí cho Nhà nước, mà còn gây bức xúc, lúng túng cho người tham gia giao thông trong việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, tình trạng hệ thống biển báo, biển hiệu, đèn tín hiệu trên QL chạy qua các địa phương hiện nay do Sở GTVT các địa phương quản lý, trong khi việc điều tiết các hoạt động giao thông trực tiếp lại thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nên nếu không có sự phối hợp đồng bộ trong quy hoạch, quản lý, xử phạt... thì bức xúc sẽ thuộc về người đi đường.
Đơn cử như trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) hiện có nhiều biển báo hiệu mới được “cắm” khiến người đi đường khó có thể nhận biết, tuân thủ tốc độ nào ở làn đường nào, vì có biển báo tốc độ quy định, nhưng lại thiếu biển báo tốc độ tối đa hay tối thiểu cho phép; có đoạn thì “cắm” chi chít biển báo khó phân biệt; nơi có biển báo chỉ dẫn lối ra, nhưng tìm quanh lại không thấy lối ra ở đâu… Dọc QL 1A, tình trạng biển báo hiệu “bị trùm chăn”, cột biển báo gãy đổ, biển báo cấm xiêu vẹo, hoen rỉ không khó tìm. Tại km 148 QL 1A (đoạn chạy qua cổng Khu Công nghiệp Quảng An 1, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), có biển báo cấm dừng đỗ đối với các loại xe cơ giới, đã hoen rỉ, được phủ các tấm chăn rách, chiếu cũ trùm lên. Thế là ngay tại đây, các loại xe ô tô lớn, nhỏ thoải mái dừng đỗ để ăn uống trong các hàng quán ven đường, gây mất trật tự ATGT. Chưa kể những tấm biển báo bất đắc dĩ do dầm mưa dãi nắng, bị đâm gẫy đổ chưa được thay thế, “núp bóng” sau những tấm biển quảng cáo... vẫn hàng ngày “trơ gan cũng tuế nguyệt” khiến nhiều người đi đường cố lắm mới đoán được nội dung. Thực tế này đang tồn tại ở nhiều địa phương.
Quốc lộ 1A hiện đang thiếu nhiều biển báo. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Theo phản ánh của cánh lái xe đường dài, khổ nhất hiện nay là tình trạng lái xe bị lực lượng CSGT “tuýt còi” mà không biết thanh minh như thế nào về lỗi vi phạm, chỉ vì tình trạng thiếu biển báo quy định. Như đối với bảng thông tin tốc độ theo tiêu chuẩn ngành GTVT chỉ cắm ở những vị trí cần thiết với khoảng cách giữa các bảng từ 30-50 km; biển quy định tốc độ tối đa cho phép chỉ cắm ở những nơi thật sự nguy hiểm như: Đoạn đường cong liên tục, đèo dốc, “điểm đen” tai nạn giao thông cần phải hạn chế tốc độ liên tục 24/24 giờ...
Tuy nhiên, nhiều lái xe cho biết khoảng cách cắm biển tương ứng hiện nay chưa phù hợp, chưa đủ khoảng cách để các phương tiện có khả năng điều chỉnh tốc độ theo quy định của biển báo. Thêm vào đó, sau khi hết yêu cầu về hạn chế tốc độ, cần thiết phải cắm các biển báo “hết hạn chế tốc độ tối đa, tối thiểu” hoặc bổ sung biển “đi chậm”, “nguy hiểm” hay các biển cảnh báo phù hợp... thì trên QL hiện thiếu trầm trọng. Do đó, nhiều lái xe vi phạm lỗi quy định về tốc độ cho phép. Không ít trường hợp lái xe phải phanh gấp, dừng xe bất ngờ để nhìn lại biển báo hiệu trên đường, tránh tình trạng “lỡ” vi phạm thì chỉ còn cách nộp phạt theo quy định. Vậy là, nhiều nơi có biển báo hiệu cũng như không, cấm nhưng vẫn chẳng thể cấm, tạo nên sự “hổ lốn” về giao thông, gây mất an toàn trực tiếp các phương tiện và người đi đường khác.
Cấp bách
Tổng cục ĐBVN hiện đã rà soát gần 104.000 biển báo hiệu đường bộ, được tập hợp từ 95 tuyến và đoạn tuyến, bao gồm các biển báo cấm, nguy hiểm, hiệu lệnh, chỉ dẫn, biển phụ và các loại biển thông tin khác. Trong số này, theo Tổng cục ĐBVN, số biển cần bổ sung là hơn 7.600 biển; tổng số biển báo các loại cần điều chỉnh vị trí là gần 250 biển; tổng số biển báo cần điều chỉnh nội dung khoảng 500 biển và gần 500 biển báo cần phải dỡ bỏ.
Loạn biển báo. Ảnh: CTV
Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, biển hiệu và đèn tín hiệu chỉ dẫn giao thông trên QL tại các địa phương đang bị thả nổi. Nhiều biển báo chỉ dẫn giao thông cắm sai vị trí, thiếu thông tin hoặc biển báo hiệu cắm mới kèm theo chỉ dẫn phụ dài dòng... không chỉ gây bức xúc, khó hiểu cho người đi đường, mà còn không phát huy tác dụng, gây lãng phí cho Nhà nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, nhiều biển báo chỉ dẫn giao thông trên QL hiện nay còn không phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Trước thực tế này, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu Cục Quản lý xây dựng đường bộ, các Ban Quản lý dự án giao thông, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ, các Sở GTVT gấp rút rà soát, kiểm tra hồ sơ kỹ thuật thi công các dự án xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ, trong đó chú trọng các hạng mục điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ và hệ thống đảm bảo ATGT đường bộ trong các dự án. Trong đó, hệ thống các cột km trên dải phân cách giữa, biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ đường, hộ lan tôn sóng, dải phân cách cứng, mềm, phải thực hiện đầu tư theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; đồng thời thống kê chi tiết các biển cần phải điều chỉnh nội dung và kích thước hình vẽ, kích thước và khoảng cách các chữ cái, con số; thống kê danh sách các biển báo cần bổ sung, điều chỉnh; rà soát các vị trí cắm biển báo hiệu tại lề đường trên các đoạn tuyến có thiết kế 4 làn xe trở lên mà người tham gia giao thông khó nhận biết; xác định cấp, loại đường để sử dụng màng phản quang cho phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia...
Theo đó, thời gian hoàn thành việc điều chỉnh, thay thế, bổ sung biển báo hiệu đường bộ và hệ thống đảm bảo ATGT đường bộ trên các tuyến QL được phân làm hai giai đoạn. Giai đoạn I đến trước ngày 20/3/2013, công tác được triển khai thực hiện hoàn thành tối thiểu 50% kế hoạch, ưu tiên điều chỉnh, bổ sung, thay thế trên các QL có lưu lượng xe lớn, các tuyến đường tham gia Hiệp định hợp tác quốc tế tạo thuận lợi cho việc vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (biển báo hiệu AH). Giai đoạn II đến trước ngày 20/3/2014, hoàn thành 50% tổng số điều chỉnh, bổ sung, thay thế còn lại trên các tuyến, đoạn tuyến QL. Sau khi điều chỉnh, thay thế hoàn thành 100% tổng số biển báo cần thay thế, tiến hành thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá chung trên từng tuyến, đoạn tuyến.
Điều chỉnh, bổ sung biển báo phải được tiến hành thường xuyên
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phạm Quang Vinh cho biết: Theo chiến lược phát triển ngành GTVT, công tác kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, thay thế, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu và phải được tiến hành thường xuyên trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ chỉ thực hiện tiếp nhận bàn giao quản lý, khai thác đối với các công trình xây dựng giao thông đường bộ khi có đầy đủ nội dung về thiết kế hệ thống ATGT, đặc biệt là hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Biển báo giao thông phải tuân thủ các quy chuẩn
Trung tá Trần Ngọc Ánh, Phòng CSGT Hà Nội cho biết: Khi cắm biển báo chỉ dẫn, ngành Giao thông phải tuân thủ các quy chuẩn được Bộ GTVT ban hành về kích thước biển, tầm cao, vị trí, số biển cần thiết... Bên cạnh đó, bất kỳ biển báo chỉ dẫn nào cũng phải tuân thủ quy tắc dự lệnh và động lệnh, tức là phải đặt ở vị trí làm sao để dự báo trước cho người tham giao thông biết và đủ thời gian để họ xử lý tình huống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt biển báo là việc làm cần phải cân nhắc và có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý triệt để những vi phạm. Về phía người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Riêng với biển báo giao thông đã hết tác dụng, cơ quan chủ quản cần tiến hành tháo dỡ để tránh trở thành những “cái bẫy” đối với người, phương tiện tham gia giao thông. Chỉ có như vậy, biển báo giao thông mới thực sự phát huy hiệu quả.
Biển báo trên QL18 và 1A có quá nhiều bất cập
Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ II (Tổng cục ĐBVN) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hệ thống tổ chức biển báo, đèn tín hiệu trên hai tuyến QL 18, QL 1A hiện nay có quá nhiều bất cập về hạ tầng giao thông, khiến phát sinh nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông. Đặc biệt, tình trạng thiếu các biển báo nhắc lại tốc độ quy định phương tiện lưu thông trên đường tại các điểm tách, nhập làn đường khiến cho các phương tiện từ tuyến khác khi nhập vào đường QL không biết thực hiện tốc độ bao nhiêu, đi làn đường nào... rất nguy hiểm và gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi áp dụng xử lý vi phạm. Khu Quản lý đường bộ II hiện đang gấp rút lập dự án bổ sung ngay các biển báo này.
Theo Tin tức - H