Chuyển đổi số

Điều gì đang cản trở việc áp dụng Internet di động trên toàn cầu?

Phan Văn Hòa 31/10/2024 13:51

Báo cáo mới nhất về "Tình trạng kết nối Internet di động năm 2024" của Hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) cho thấy, những lợi ích của kết nối di động vẫn chưa được tận dụng đầy đủ vì 43% dân số toàn cầu, tương đương với 3,45 tỷ người vẫn chưa được sử dụng Internet di động.

Tổng quan tình hình kết nối Internet di động toàn cầu năm 2024

Trong những năm gần đây, mặc dù lượng người dùng Internet di động trên thiết bị cá nhân vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. So với giai đoạn 2015-2021, khi mỗi năm có thêm hơn 200 triệu người dùng Internet di động mới, thì con số này đã giảm đáng kể trong 2 năm gần đây, theo đó mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 160 triệu người dùng mới.

Một báo cáo nghiên cứu mới đây, được tài trợ bởi Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) thông qua Quỹ Di động vì Phát triển GSMA, đã phác họa một bức tranh chi tiết về tình trạng tiếp cận và sử dụng dịch vụ Internet di động trên toàn cầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo này đã nêu lên một số trở ngại lớn ngăn cản việc tăng cường sử dụng Internet di động, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và các nước đang phát triển. Đồng thời, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa các chính phủ, nhà khai thác mạng di động và các tổ chức quốc tế. Báo cáo tiết lộ rằng 4,6 tỷ người (chiếm 57% dân số toàn cầu) hiện đang sử dụng Internet di động trên thiết bị cá nhân.

Đặc biệt, báo cáo cho thấy, 350 triệu người (4% dân số toàn cầu) sống ở những vùng xa xôi không có mạng Internet di động (khoảng cách phủ sóng) và 3,1 tỷ người (39% dân số toàn cầu) có quyền truy cập vào Internet di động nhưng lại không sử dụng (khoảng cách sử dụng). Khoảng cách sử dụng lớn hơn khoảng cách phủ sóng 9 lần, cho thấy còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa khả năng tiếp cận và thực tế sử dụng.

Đáng chú ý, khu vực có kết nối thấp nhất trên toàn cầu là châu Phi cận Sahara, nơi chỉ có 27% dân số sử dụng dịch vụ Internet di động, cho thấy khoảng cách phủ sóng là 13% và khoảng cách sử dụng là 60%.

Những rào cản với việc áp dụng Internet di động trên toàn cầu

Báo cáo cho rằng, vấn đề lớn nhất ở đây là làm sao để những người chưa tiếp cận Internet có thể kết nối được. Nếu làm được điều này, kinh tế toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 3.500 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2030. Điều đáng chú ý là phần lớn lợi ích này (khoảng 90%) sẽ thuộc về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Khoảng cách phủ sóng Internet di động tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt và địa hình hiểm trở. Tại những khu vực này, hạ tầng viễn thông còn hạn chế, việc triển khai các trạm BTS gặp nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật và chi phí.

Để khắc phục tình trạng này, cần một khoản đầu tư lớn ước tính khoảng 418 tỷ USD để xây dựng và nâng cấp hệ thống mạng, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận Internet. Việc đầu tư này không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức quốc tế.

Ở các nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình, việc áp dụng Internet di động còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người dân có thu nhập thấp.

Rào cản lớn nhất chính là khả năng chi trả cho thiết bị và chi phí truy cập Internet. Tại các quốc gia này, một chiếc điện thoại thông minh cơ bản, có thể truy cập Internet, thường có giá bằng 18% thu nhập trung bình hàng tháng. Con số này càng trở nên đáng lo ngại đối với 20% người nghèo nhất trên thế giới, khi mà họ phải chi tới 51% thu nhập hàng tháng cho một thiết bị tương tự.

Tại khu vực châu Phi cận Sahara, tình hình còn nghiêm trọng hơn, theo đó 20% người dân nghèo nhất ở đây gần như phải chi hết toàn bộ thu nhập hàng tháng của mình (tới 99%) để mua được một chiếc điện thoại thông minh cơ bản.

Thiếu kỹ năng số và hiểu biết về công nghệ là một rào cản lớn thứ hai đối với việc áp dụng Internet di động, đặc biệt ở các quốc gia châu Á. Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi và người ở vùng nông thôn, gặp khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị di động và các ứng dụng cơ bản. Họ không biết cách tìm kiếm thông tin, thực hiện giao dịch trực tuyến, hoặc tham gia vào các mạng xã hội.

Bên cạnh đó, việc thiếu nội dung và dịch vụ có liên quan, được bản địa hóa cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều ứng dụng và nền tảng trực tuyến không hỗ trợ ngôn ngữ hoặc văn hóa địa phương, khiến người dùng khó tiếp cận và sử dụng. Khoảng 43% người dùng Internet di động bày tỏ mong muốn sử dụng Internet nhiều hơn cho các hoạt động phức tạp hơn, như học tập trực tuyến, làm việc từ xa, hoặc tham gia vào các cộng đồng trực tuyến. Điều này cho thấy nhu cầu kết nối có ý nghĩa và sự hòa nhập kỹ thuật số thực sự của người dân.

Rào cản phổ biến nhất ngăn cản người dùng tăng cường sử dụng Internet di động chính là những lo ngại về an toàn và bảo mật thông tin cá nhân. Nhiều người lo sợ về việc bị tin tặc tấn công, mất cắp thông tin, hoặc trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Khả năng chi trả cũng là một rào cản lớn, đặc biệt là đối với các gói dữ liệu di động và chi phí mua sắm điện thoại thông minh. Tại nhiều quốc gia, chi phí dữ liệu di động vẫn còn khá cao so với thu nhập bình quân đầu người, khiến nhiều người hạn chế việc sử dụng Internet.

Chất lượng kết nối cũng ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm người dùng. Mặc dù phần lớn người dân trên thế giới đã chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh 4G hoặc 5G, nhưng vẫn còn một bộ phận đáng kể, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn đang sử dụng điện thoại 3G hoặc điện thoại phổ thông. Điều này dẫn đến tốc độ truy cập Internet chậm, kết nối không ổn định, và hạn chế việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến đòi hỏi băng thông cao.

Tại châu Mỹ Latinh & Caribe và khu vực Trung Đông - Bắc Phi, hơn 1/3 người dùng Internet di động vẫn sử dụng điện thoại 3G hoặc điện thoại phổ thông. Con số này thậm chí còn cao hơn ở châu Phi cận Sahara, lên tới gần 2/3. Điều này cho thấy, chất lượng hạ tầng mạng và khả năng tiếp cận thiết bị hiện đại vẫn còn là những thách thức lớn tại các khu vực này.

Ông John Giusti - Giám đốc quản lý tại GSMA, đã khẳng định rằng việc xóa bỏ những rào cản như chi phí, kỹ năng số và nhận thức về Internet di động là vô cùng quan trọng để mọi người có thể tiếp cận công nghệ số. Để đạt được mục tiêu này, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, nhà mạng và tổ chức quốc tế là điều cần thiết để đầu tư vào hạ tầng số và nâng cao an ninh mạng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Telecomreviewasia
Copy Link
Mới nhất
x
Điều gì đang cản trở việc áp dụng Internet di động trên toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO