Điều lệ trường THCS và THPT có hiệu lực từ 15/5
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ 15/5 tới.
Điều lệ này quy định về tổ chức và quản lý nhà trường; chương trình và các hoạt động giáo dục; giáo viên; học sinh; tài sản của trường; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo đó, trường trung học sẽ được thành lập khi có đủ các điều kiện: Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thuộc về chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.
Phải có ít nhất 25% tổng diện tích của trường cho sân chơi, bãi tập.
Ảnh minh họa: ninhbinh.eu.vn
Mỗi trường trung học có hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm, thời gian đảm nhận chức vụ hiệu trưởng không quá hai nhiệm kỳ ở một trường trung học.
Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phó hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công.
Trường trung học thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; thực hiện kế hoạch thời gian năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Căn cứ chương trình giáo dục và kế hoạch thời gian năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch và thời khoá biểu để điều hành hoạt động giáo dục, dạy học.
Học sinh khuyết tật học hòa nhập được thực hiện kế hoạch dạy học linh hoạt phù hợp với khả năng của từng cá nhân và Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật.
Điều lệ trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định mỗi lớp ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh; Số học sinh trong mỗi lớp của trường chuyên biệt được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt đông của trường chuyên biệt.
Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.
Học sinh không được lưu ban quá hai lần trong một cấp học. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Điều lệ cũng quy định phải dành ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường cho khu sân chơi, bãi tập.
Nhà trường phải chủ động phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình và xã hội để xây dựng môi trường giáo dục thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
Mỗi lớp có một ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức trong mỗi năm học gồm các thành viên do cha mẹ, người giám hộ học sinh cử ra để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trong việc giáo dục học sinh.
Theo TTXVN/Vietnam+