Đình công đúng pháp luật?
Tại hội thảo về cách giải quyết các cuộc đình công không tuân theo trình tự pháp luật (thực chất là đình công tự phát, bất hợp pháp) do Nghệ An tổ chức sáng 25-10, vị đại diện đến từ Tổng Liên đoàn Lao động VN đưa thông tin, tính từ khi Bộ Luật lao động ra đời (năm 1995), trên địa bàn cả nước có gần 3.000 cuộc đình công xảy ra nhưng phần lớn là các cuộc đình công bất hợp pháp, không theo quy định của pháp luật. Tương tự trên địa bàn tỉnh ta, cho đến thời điểm này, có 8/8 cuộc đình công xảy ra thì đều là tự phát, không theo trình tự pháp luật. Vì sao vậy?
Theo quy định, một cuộc đình công được gọi là hợp pháp khi do công đoàn đứng ra tổ chức, có trình tự lấy ý kiến người lao động theo tỷ lệ đồng ý từ 50% hoặc 75% tùy theo quy mô số lao động trong doanh nghiệp, sau đó đăng ký với Liên đoàn Lao động cấp trên bằng văn bản kiến nghị để xem xét, trả lời có được đình công hay không.
Để được đình công, người lao động phải chờ trong vòng 5- 7 ngày để được trả lời là được đình công (hợp pháp) hay không. Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật lao động, cuộc đình công dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, cơ quan chức năng đều phải vào cuộc giải quyết bằng những cách giống nhau là đàm phán với chủ sử dụng lao động để sớm đưa người lao động trở lại làm việc...
Một thực tế ở các đơn vị xảy ra đình công là tổ chức công đoàn chưa nắm được tâm tư nguyện vọng của một số người lao động để đàm phán với chủ sử dụng lao động dẫn đến bị động, bất ngờ. Khi sự việc xảy ra, đại diện công đoàn trong doanh nghiệp vì nhiều áp lực nên không giải quyết được.
Giải pháp cho vấn đề trên, ngoài sửa đổi các quy định pháp luật về đình công theo hướng gắn với đặc điểm tâm lý cuộc đình công cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, linh hoạt và trách nhiệm của các cơ quan liên ngành về giải quyết đình công ở mỗi địa phương. Khi thực hiện tốt các yêu cầu trên, thì các cuộc đình công hợp pháp mới xảy ra.
Nguyễn Hải