Đình công và vị thế công đoàn ở Nghệ An

Diệp Thanh 22/02/2021 10:04

(Baonghean.vn) - Từ cuộc đình công mới nhất tại Công ty VietGlory nhìn lại những cuộc đình công trên địa bàn Nghệ An từ trước đến nay, có thể khẳng định: Tổ chức công đoàn đang dần khẳng định được vị thế và sự trưởng thành của mình.

Từ một sự việc cụ thể

Sau sự việc đình công tại Công ty TNHH VietGlory đóng ở xã Diễn Trường (Diễn Châu), sáng 19/2, ban lãnh đạo công ty đã đến trụ sở của LĐLĐ huyện Diễn Châu để cảm ơn và bày tỏ nguyện vọng được thành lập tổ chức công đoàn càng sớm càng tốt. Sự hợp tác và đồng thuận này đối lập hoàn toàn với sự xa cách, đề phòng trước đó.

Công nhân Công ty TNHH VietGlory đã đi làm trở lại vào ngày 18/2.Ảnh: LĐLĐ huyện Diễn Châu.

Ông Vũ Duy Từ - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu chia sẻ: “Mặc dù được thành lập từ năm 2019 nhưng Công ty TNHH VietGlory luôn lấy lý do đang trong thời gian đào tạo nghề để từ chối thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi lần tiếp xúc và vận động, họ đều tỏ ra dè chừng, thờ ơ. Thậm chí, khi LĐLĐ huyện xuống hỗ trợ nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19, họ cũng từ chối không nhận. Sau cuộc đình công vừa rồi, họ đã thay đổi thái độ hoàn toàn”.

Trước đó, ngày 16/2, gần 1.400 công nhân lao động của Công ty TNHH VietGlory đã tổ chức đình công trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Nguyên nhân của cuộc đình công đến từ những yêu cầu về quyền lợi của người lao động từ trước Tết chưa được giải quyết xung quanh vấn đề tăng lương khi tăng sản lượng; phụ cấp xăng xe; tăng chế độ ăn ca; công nhân làm việc lâu năm phải có tiền làm thêm…

Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường trao đổi với công nhân trong cuộc đình công tại công ty TNHH VietGlory ngày 16/2 vừa qua
Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường trao đổi với công nhân trong cuộc đình công tại Công ty TNHH VietGlory ngày 16/2 vừa qua. Ảnh: LĐLĐ huyện Diễn Châu.

Ngay sau khi nắm được thông tin, LĐLĐ huyện đã xuống công ty, nắm tình hình, hướng dẫn công ty lấy ý kiến công nhân và làm việc với ban giám đốc để giải quyết những kiến nghị của người lao động. Từ những kinh nghiệm giải quyết đình công của mình, Ban chấp hành LĐLĐ huyện Diễn Châu đã dự báo trước thái độ của người lao động về việc giải quyết kiến nghị trong Thông báo ngày 16/2 và Quyết định ngày 17/2. Điều khiến những cán bộ công đoàn lo lắng nhất là cuộc đình công diễn ra trong thời điểm diễn biến dịch Covid-19 đang vô cùng phức tạp; vì vậy, cuộc đình công này cần phải được xử lý nhanh nhất có thể.

Khoảnh khắc hàng ngàn người lao động vỗ tay khi Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường đứng lên giới thiệu và chia sẻ một lần nữa đã khẳng định được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Dưới sự tư vấn khéo léo, thấu tình đạt lý của LĐLĐ huyện, lãnh đạo công ty đã bổ sung thêm những chế độ có lợi cho người lao động, người lao động cũng nhanh chóng quay trở lại làm việc vào ngày 18/2.

“Mặc dù đã có thông báo người lao động sẽ đi làm bình thường nhưng sáng 18/2, chúng tôi vẫn mặc thường phục, có mặt tại công ty từ 6h30 để quan sát và nắm bắt tình hình. Cho đến khi tận mắt thấy tất cả công nhân lao động vào xưởng, ổn định công việc, chúng tôi mới có thể yên tâm. Thời gian tới, LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục đồng hành với công ty trong thành lập tổ chức công đoàn, giám sát việc thực hiện các chế độ cho người lao động, tổ chức đối thoại giữa các bên...”

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu

Trưởng thành sau những cuộc đình công

Là đơn vị được LĐLĐ tỉnh đánh giá cao trong việc giải quyết đình công, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam không chỉ là có nhiều kinh nghiệm quý báu trong giải quyết đình công mà còn làm tốt phòng ngừa đình công trái pháp luật. Chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Các cuộc đình công diễn ra mỗi nơi một kiểu và khác hoàn toàn với những gì sách vở, tài liệu đã ghi, vậy nên cán bộ công đoàn phải là những người linh hoạt, trang bị tốt các kỹ năng mềm và khiến người lao động hiểu rằng mình tôn trọng họ, là bạn của họ. Có những cuộc đình công chúng tôi phải đi theo công nhân nhiều ngày liền, ăn cơm với họ, trò chuyện với họ, thuyết phục những người lãnh đạo họ; có những cuộc chúng tôi nắm thông tin từ công nhân trước khi đình công chưa diễn ra, kịp thời tuyên truyền đến từng tổ, từng nhà trọ. Cũng có cuộc chúng tôi buộc phải để cho công nhân cảm nhận được hậu quả của việc thiếu hợp tác, cố tình gây khó dễ... Cán bộ công đoàn phải chỉ ra cho cả doanh nghiệp và công nhân lao động thấy hậu quả của các cuộc đình công, từ đó giải quyết các vấn đề một cách nhanh và hợp lý nhất”.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An, để giải quyết đình công, cán bộ công đoàn phải khiến cho người lao động tin tưởng. Ảnh tư liệu.

Chị Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho rằng, để làm chủ tình hình của một cuộc đình công, cán bộ công đoàn phải là người bình tĩnh, nắm chắc các quy định pháp luật và có kỹ năng thuyết phục, thương lượng. Kể về những kỷ niệm khi giải quyết đình công của mình, chị Hương cười, nhớ lại: “Có lần, khi chúng tôi vào thương lượng với chủ doanh nghiệp, họ đã né tránh bằng cách để chúng tôi đợi rất lâu trong một căn phòng không quạt, không nước giữa đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè. Khi chúng tôi ra về, công nhân lại cho rằng chúng tôi đến nhận phong bì và đứng về phía doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng, sự chân thành và kiên trì đã giúp chúng tôi giải quyết sự việc và giải tỏa hiểu nhầm”.

Cũng theo kinh nghiệm của chị Hương, đứng trước hàng trăm, hàng ngàn công nhân lao động, cán bộ công đoàn cần thể hiện sự thân thiện, gần gũi, sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản. Thậm chí, một vài câu nói hài hước, đúng lúc cũng có tác dụng xoa dịu tình hình rất hiệu quả. Sau khi giải quyết được đình công, tổ chức công đoàn phải tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và người lao động trong tổ chức đối thoại và giám sát thực hiện các kiến nghị.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công trò chuyện với công nhân trong một cuộc đình công. Ảnh tư liệu.


“Những cuộc đình công gần đây, hầu như LĐLĐ tỉnh chỉ đứng từ xa nắm thông tin, tình hình và tư vấn mà không cần phải trực tiếp xuống giải quyết. Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ đình công, công đoàn cấp trên cơ sở đã trưởng thành hơn rất nhiều. Không chỉ bình tĩnh giải quyết khi đình công xảy ra, cán bộ công đoàn còn làm rất tốt công tác phòng ngừa đình công. Khi cán bộ công đoàn vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, vị thế của tổ chức công đoàn sẽ được khẳng định”.

Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An

Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2020, toàn tỉnh có gần 30 cuộc đình công. Trung bình mỗi năm có từ 2-4 cuộc. Những cuộc đình công chủ yếu là vì lợi ích và đa số các kiến nghị đều được giải quyết. Sự thay đổi này cho thấy quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo.

Mới nhất
x
Đình công và vị thế công đoàn ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO