Đình Phượng Lịch
Theo sử sách, đình Phượng Lịch được xây dựng từ thời vua Tự Đức thứ 20 (1866). Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nam Khoán, các tổ chức: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng được thành lập và hoạt động rộng khắp. Đình Phượng Lịch trở thành địa điểm hội họp, in ấn tài liệu, báo chí, truyền đơn, nơi diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 7/11/1930 của hàng trăm người dân các làng: Phượng Lịch, Trung Hậu, Đông Phái, Tràng Khê và các làng xung quanh.
(Baonghean) Theo sử sách, đình Phượng Lịch được xây dựng từ thời vua Tự Đức thứ 20 (1866). Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nam Khoán, các tổ chức: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng được thành lập và hoạt động rộng khắp. Đình Phượng Lịch trở thành địa điểm hội họp, in ấn tài liệu, báo chí, truyền đơn, nơi diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 7/11/1930 của hàng trăm người dân các làng: Phượng Lịch, Trung Hậu, Đông Phái, Tràng Khê và các làng xung quanh.
Thực dân Pháp đã đàn áp hòng dìm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong biển máu… Tại làng Phượng Lịch, chúng đã bắt các đồng chí: Phạm Căn, Vũ Phương, Trần Cầu, Cao Phúc đem tập trung về đình để tra khảo, sau đó giải đi giam ở huyện và tỉnh... Từ năm 1936 – 1939, Diễn Châu đã có đảng bộ với 15 chi bộ gồm 87 đảng viên, lấy danh nghĩa của các tổ chức phường hội để làm cơ sở che mắt địch. Đình Phượng Lịch trở thành trung tâm hoạt động của các phường hội lúc bấy giờ. Tháng 10/1944, đồng chí Bùi Tự Cường thay mặt Phủ ủy Diễn Châu về tổ chức Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Phượng Lịch gồm 4 đồng chí đảng viên do đồng chí Phạm Duân làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Phượng Lịch, phong trào cách mạng nơi đây đã phát triển mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân…
Đình Phượng Lịch đã xuống cấp, rất cần được trùng tu tôn tạo.
Đã gần 70 năm trôi qua nhưng cụ Cao Văn Tấn, 1 trong số 4 cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống vẫn nhớ như in không khí ngày khởi nghĩa: “Ngày 20/8/1945, các đồng chí trong Đảng bộ huyện Diễn Châu triệu tập Hội nghị khẩn cấp tại đình Phượng Lịch bàn kế hoạch giành chính quyền ở phủ lỵ do đồng chí Phạm Duân trực tiếp chỉ đạo. Để tránh đổ máu cho quần chúng trong cuộc đấu tranh, đồng chí Phạm Hoàn được phân công làm chỉ huy lực lượng tự vệ khống chế quan phủ và tước vũ khí đội lính khố xanh. Số vũ khí thu được gồm 14 khẩu súng đã được cất dấu tại đình Phượng Lịch chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 8h sáng ngày 21/8/1945, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc đình Phượng Lịch, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của các thế lực địa chủ, phong kiến địa phương. Sau khi thu hồi dấu, ấn của lý trưởng, đình Phượng Lịch trở thành nơi làm việc của Ủy ban khởi nghĩa và là trụ sở của ủy ban hành chính kháng chiến lâm thời xã Phượng Lịch. Ngôi đình này còn là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Từ năm 1946, đình Phượng Lịch là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của phong trào cách mạng, là nơi làm lễ tiễn đưa các lớp trai làng lên đường đánh giặc cứu nước theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã về thăm mái đình lịch sử này.
Tháng 8/1947, Công đoàn Liên khu IV tổ chức Đại hội và triển lãm thành tích kháng chiến tại đình Phượng Lịch trong thời gian 7 ngày, đồng chí Hồ Tùng Mậu – Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu đã về dự. Tháng 12/1948, Đại hội Liên hoan Thanh niên tỉnh Nghệ An được tổ chức tại đình Phượng Lịch, thiếu tướng Nguyễn Sơn đã về dự và nói chuyện với đại hội. Từ năm 1951-1952, đình là địa điểm của xưởng dệt vải Tam Hợp – Diễn Châu để cung ứng vải cho bộ đội Vệ quốc đoàn. Cũng tại ngôi đình này, Sư đoàn 304 đã tổ chức sinh hoạt “rèn quân luyện cán” để chuẩn bị cho Chiến dịch Đông Xuân 1951-1952, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và nói chuyện với sư đoàn...
Ngày nay, đình Phượng Lịch không chỉ là nơi hội họp mà còn là chốn tâm linh của người dân Diễn Hoa. Năm 2003, đình Phượng Lịch được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Võ Dũng