Đồ gia bảo, mong để lại cho đời

16/03/2011 17:37

(Baonghean) - Dân chơi cây cảnh thành Vinh ồn rằng, trong một khu vườn ở đất xã Nghi Thịnh (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có 5 cây thị cổ 600 năm tuổi và một ông già họ Lê "dị" tính. Ông "dị" tính bởi chẳng bán kiếm chục tỷ dưỡng già mà chỉ mong con cháu biết giữ gìn cây như cha ông đã giữ, mong cả 5 cây sẽ được xếp hạng là cây Di sản. Lúc đó, đồ gia bảo họ Lê đất Nghi Thịnh sẽ được để lại cho đời.

Xứng danh "Ngũ cổ thị"

Năm cây thị cổ xứng đáng để ngưỡng mộ. Chúng tôi sững sờ khi đối diện với những cây thị cổ. Những u, cục, hang hốc trên những thân cao to vập vạp, đen xanh tạo thành những hình thù kỳ dị khiến mắt chẳng muốn rời. Gốc thị bé nhất chu vi hơn 6m, còn gốc lớn nhất chu vi hơn 14m. Ông già họ Lê "dị’ tính bảo, con người có tổ có tông, có cha mẹ, có con cái, cổ thị nhà ông cũng thế. Thị cũng có bố, có mẹ, có con. "Thị bố" là cây có thân chu vi trên 14m. Thân và gốc "thị bố" như một núi đá nhỏ đỡ hàng chục cánh tay vạm vỡ vươn tỏa khắp khu vườn. Trong cái "núi đá nhỏ" có một hốc lớn diện tích chừng 5m2. Ông già già họ Lê nói vui, chỗ đó đủ cho chủ nhân khi chán nằm giường trải chiếu ngơi nghỉ.

Ông Thưởng bên cây thị "bố"


"Thị mẹ" chu vi gốc gần 10m. Không hùng vĩ như thị bố, nhưng ở "thị mẹ" là một vẻ đẹp toàn mỹ, tự nhiên. Gốc, thân "thị mẹ" tròn, những múi thịt, u xoáy, đụn rễ đều đặn như được bàn tay nghệ nhân bonsai xắp xếp.

Còn 3 ông "thị con" thân, gốc kém lớn hơn bố mẹ tí chút nhưng cũng chẳng chịu thua về vẻ đẹp. Cũng sần sùi những u, những hốc, những múi sóng xoắn tít tạo nên những hình thù lạ mắt. Chưa hết, trên thân, trên cành còn vận thêm những chiếc áo đủ sắc xanh tạo bởi những họ dương xỉ sống tầm gửi.

Cây thị "mẹ"


Hỏi về lai lịch của 5 cây thị cổ, chủ nhân cho biết, dòng họ Lê của ông về mở đất ở Nghi Thịnh ngót nghét 600 năm thì cây thị cũng đã có tự bao giờ. Vào thời Đức Thái tổ Lê Lợi, có một vị quan tên là Lê Văn Hoan hiệu là quí Công, gốc ở Thanh Hóa, ông được triều đình giao cai quản vùng duyên hải miền Trung. Xa xưa, Nghi Thịnh và các vùng lân cận còn hoang sơ lắm. Sở dĩ Thủy tổ của ông chọn đất này là vì có một trận cuồng phong rất lớn, mọi cây cối trong vùng bị phá hủy sạch, chỉ những cây thị vẫn tồn tại, Thủy tổ cho rằng đây là vùng đất lành nên đã quy tụ con cháu lập làng sinh sống. Những lần quân ra Bắc vào Nam để đánh giặc, Thủy tổ đều ghé thăm những cây thị, thật kỳ lạ là sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy Thủy tổ đã cho lập tại đây một ngôi đền để ghi ơn 5 cây thị. Năm 1965, bom đạn Đế quốc Mỹ đã thiêu trụi ngôi đền, chẳng hiểu sao 5 cây thị vẫn còn nguyên vẹn.

Ông già họ Lê "dị" tính

Một trong 3 cây thị con

Kể cho ông già họ Lê chuyện ồn ã của dân chơi cây cảnh, ông chẳng tỏ vẻ bất ngờ mà thủng thẳng kể chuyện những đại gia xứ Bắc tìm về xem cây. Vào năm 2006, có 2 vị khách lạ xưng ở Hải Phòng nhờ đám xe ôm Cửa Lò chở đến. Quan sát thưởng ngoạn chán chê xong họ ra về.

Ba ngày sau, ngoài hai người hôm trước còn có thêm một người nữa cũng đi bằng xe ôm đến. Lần này họ đến ra giá đòi mua cả 5 cây thị. Lần đầu tiên có người hỏi mua, ông ra giá mỗi cây một tỷ đồng. Cân nhắc một lúc, họ trả ông 30.000 USD (gần 500 triệu đồng) cho mỗi cây. Họ bảo, đã hỏi kỹ cung đường vận chuyển. Cổ thị lớn như thế chỉ có chuyển đi qua Cảng Cửa Lò, chi phí vận chuyển lớn lắm nên giá xin chỉ như thế. Thấy họ thiết tha, ông nói thật đây là cây gia bảo của tổ tiên để lại nên ông không bao giờ bán. Sau nghe họ nói lại, nếu ông đồng ý bán, họ sẽ mua để đưa sang Trung Quốc để dự Đại hội Olimpic.

Năm 2008, "Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển nghe tiếng cổ thị nên cũng đã tìm đến nhà ông. Ông Tuyển cũng ngẩn ngơ ngắm mà ra luôn giá mỗi cây 1,5 tỷ, đồng ý là mua hết cả 5 cây. Ông ấy lẩm nhẩm, chuyển 5 cây ra đảo Tuần Châu chỉ cần một cây sống là ông lãi chán.

"7,5 tỷ đồng là một đại gia tài nhưng làm sao tôi có thể bán. Tôi nói với ông Tuyển, nếu thích tiền thì tôi đã bán lâu rồi. Tiền có rồi hết, đời tôi giữ được cây, đời con cháu, chắt chít chúng nó cũng sẽ giữ được cây. 5 cây thị là một trong những món đồ gia bảo truyền đời của dòng họ Lê Nghi Thịnh." – Ông già họ Lê "dị" tính khẳng khái.

Đồ gia bảo, mong gửi lại cho đời

Sau gần 2 giờ đồng hồ, chừng thấy mến đám khách Vinh ham chuyện, ông "khoe" thêm hai món gia bảo cũng sẽ cất dành "cháu con". Hai món ông khoe là một chiếc Huy hiệu Bác Hồ và một bức ảnh ông được chụp cùng Bác và hầu hết thành viên của Đảng, Chính phủ năm 1967. Huy hiệu Bác Hồ thì chúng tôi đã được xem nhiều, nhưng bức ảnh mà ông già họ Lê đang giữ thì đúng là cực quý. Có lẽ, ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trong ảnh, còn lại tất cả thành viên của Đảng, của Chính phủ chẳng thiếu ai. Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa, xung quanh đầy đủ các ông Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Phạm Hùng, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Vũ Kỳ…


Bức ảnh Bác Hồ và các thành viên của Đảng, Chính phủ năm 1967
do ông Thưởng lưu giữ.


Ông Thưởng (ngồi giữa) "khoe" tấm Huy hiệu Bác Hồ với khách

Ông già họ Lê giới thiệu tỉ mỉ tên từng người trong ảnh rồi chỉ vào anh bộ đội trẻ bế trong lòng một cháu bé ngồi bên phải Bác Hồ mà nói: đây là tôi đấy. Bấy giờ, chúng tôi mới biết, ông già "dị" tính họ Lê có tên đầy đủ là Lê Minh Thưởng, nguyên là cận vệ của Bác Hồ. Ông Thưởng kể, bức ảnh được chụp năm 1967, đúng vào dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ.

Ông Thưởng có bố là đảng viên năm 1935, anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1958, khi chế độ nghĩa vụ quân sự lần đầu tiên thực hiện, ông đã đi khám tuyển nhưng không trúng. Buồn vì không được nhập ngũ, ông gia nhập lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng). Sau một thời gian ngắn, ông được triệu tập về học ở Trường C500. Một năm sau, ông nhận được quyết định về công tác ở Cục cảnh vệ (Cục cảnh vệ, lúc đó có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ cho đến ngày Bác qua đời.

Hơn 10 năm bảo vệ Bác Hồ, ông nói, mình đã được Bác dạy cho nhiều điều. Còn nhớ lắm lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ thể dục buổi sáng, Bác dạy đại ý rằng: Cùng đi với nhau thì phải nói chuyện. Trò chuyện quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, việc nào không biết thì phải hỏi. Đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì thì nói cho mọi người cùng nghe. Im lặng có thể là giấu dốt hoặc tự kiêu. Rồi ông nói: Vì thế bây giờ, các chú là khách xa đến chơi, có chuyện gì nên bộc bạch ra cho nhau cùng biết.

Chẳng dám giấu, chúng tôi cho ông biết là muốn xem để viết về 5 cây thị quý. Ông cười và nói: "Hội sinh vật cảnh tìm đến trước các chú rồi. Họ lấy mẫu vỏ, thân cây đi xác định tuổi của cây. Nghe đâu đã xác định tuổi cây là 570 năm. Tôi năm nay đã 74 tuổi, chẳng mong muốn gì, chỉ mong con cháu biết giữ gìn cây như cha ông đã giữ. Và, cả 5 cây sẽ được xếp hạng là cây Di sản. Lúc đó, đồ gia bảo họ Lê đất Nghi Thịnh sẽ được để lại cho đời".


Ngô Nhật Lân

Mới nhất
x
Đồ gia bảo, mong để lại cho đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO