Đó là tình yêu!

08/08/2011 17:18

(Baonghean) - Liễu sinh cuối tháng 8, mùa miền Trung ngút ngàn mưa lũ. Lũ thường bất ngờ kéo về giữa đêm, nhiều khi không chạy kịp, chỉ có cách bám theo những can nhựa trong nhà ngồi chồm hỗm trên mái nhà tránh nước. Hai mươi mấy năm sống với quê, nó không quen nổi sự nơm nớp lo sợ những cơn lũ bất thần từ thượng nguồn kéo về. Vì vậy khi một nhạc sĩ đồng hương về quê, phát hiện ra nó có thanh, có sắc, rủ lên phố lập nghiệp, Liễu nhanh chóng gật đầu. Liễu chưa từng có giấc mơ ca sĩ, giấc mơ thành người nổi tiếng. Đơn giản chỉ vì muốn thoát khỏi vùng chiêm trũng luôn ám ảnh bất cứ ai những mùa mưa lũ. Ngày đi, khúc sông bên nhà thao thiết chảy. Sông xanh ngắt, soi cả những bụi cây bụi cỏ lúp xúp. Nhạc sĩ nói, quê mình là đất địa linh nhân kiệt đấy, sông xanh núi biếc không đâu đẹp bằng. Nó vô tư đáp: Vâng, cũng chẳng nơi đâu nghèo bằng, lắm lũ bằng, khắc nghiệt bằng. Nhạc sĩ nhìn ánh mắt đang ánh lên vẻ mừng vui hỉ hả của nó, thấy lòng chùng lại.

Nó nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống phố thị. Nó chuyển từ "anh" sang, gọi nhạc sĩ là "bố" dù gã chỉ hơn mười lăm tuổi. Nó cười khì khì: "Gọi vậy cho an toàn". Nhạc sĩ tiếc nuối khi chỉ cách đây hai tháng, con bé còn hồn nhiên đến độ gật đầu ngay lập tức khi anh - một người cùng làng nhưng lần đầu gặp mặt rủ đi xa. Vậy mà bây giờ, khi đã chút chút quen thân lại dè chừng, cảnh giác. Gã tự nhủ, vậy còn đỡ hơn ngu ngơ ngốc nghếch, ra đời dễ bị lừa.

Liễu ở chung nhà với nhạc sĩ, mỗi người một phòng. Vợ nhạc sĩ chết gần hai năm trước vì một vụ tai nạn ngay khi vừa đi chợ về đến nhà. Chiếc xe tải mất lái lao thẳng vào cổng nhà khi chị đang mở cổng. Hoa giấy lả tả bám quanh chiếc cổng. Hoa màu hồng rớt trên nền máu đỏ loang lổ. Cảnh ấy khiến gã mỗi lần bắt gặp một cánh cổng rậm rạp hoa giấy hồng lại nhói đau lòng. Gốc hoa giấy cổ thụ bị gã chặt nát. Chiếc cổng mới được xây lại, không cỏ cây hoa lá bám lên, chỉ một màu xám buồn u uẩn.

..Sự có mặt của Liễu khiến những người hàng xóm xì xào. Một bà bán trầu cau cách nhà mươi thước có hôm hỏi dò: "Ở nhà đó thấy có gì lạ không?". "Không". "Sao tao nghe đồn vợ lão ấy chết tức tưởi quá, oan quá nên thi thoảng vẫn hiện về nói chuyện với chồng?". Liễu có chút chột dạ khi hôm mùng một, trong mùi hương khói và hoa huệ, quả là nhạc sĩ ngồi hát một mình, những câu hát chậm rãi, thầm thì như trò chuyện với người đã khuất. Suốt đêm Liễu không ngủ được, hướng mắt nhìn ra ô cửa sổ không trăng không sao, cô thấy giữa mịt mù sương tiếng gió rền rĩ.

* * *
Nhạc sĩ dẫn Liễu giới thiệu một lượt các phòng trà quen thân với ông, Liễu nhanh chóng được biết đến như một hiện tượng. Những buổi tối đi hát về, nhạc sĩ vẫn đón Liễu bằng chiếc wave đã cũ. Sang đến mùa mưa, lấy lí do đi mưa gió dễ ốm bệnh, Liễu chuyển sang đi taxi, được ba ngày thì có xe Camry đưa đón tận cổng nhà. "Anh ấy là đại gia dầu khí, bố đừng nhìn anh bằng mắt khắt khe, khó chịu vậy!". Khi mở cổng cho Liễu vào, nhạc sĩ hình như có nhìn theo chiếc xế hộp bằng ánh mắt khó chịu. Gã thấy buồn cười, đại gia dầu khí chắc phải gấp đôi tuổi Liễu nhưng vẫn là anh, gã hơn mười lăm tuổi lại là bố.

"Bố, anh ấy nói yêu con nhưng không thể bỏ vợ. Vậy có thật yêu không?". Một thời gian ngắn sau, Liễu háo hức hỏi gã. Trời ơi, cái điều như vậy cũng phải hỏi, cũng háo hức, má cũng ửng hồng. Gã nói với Liễu, rằng tỉnh lại đi, tỉnh đi. Yêu mà không bỏ vợ thì đó chỉ là thứ tình thoáng qua, thứ tình thêm thắt. Liễu thoáng chút nghệt mặt. Con bé lí sự: "Dễ gì bố, anh ấy có hai con, vợ sống sờ sờ ra đấy. Đến như bố, vợ chết mấy năm rồi còn không quên nổi". Nhạc sĩ dằng mạnh cánh cửa đóng sầm, bỏ ra ngoài. Biết rằng mình vừa lỡ lời, nhưng hình như cơ mặt Liễu đang cứng lạnh cả, chẳng bật ra được một lời xin lỗi.

Liễu quyết định dọn đồ ra khỏi nhà nhạc sĩ. Trước khi đóng cửa phòng lại, đi xuống bậc cầu thang cô nghe một giọng nữ ấm áp năn nỉ: "Ở lại đây đi". Giật mình quay lại, Liễu nhìn lên dốc cầu thang không một bóng người. Chỉ là những tia nắng rọi thẳng từ trên sân thượng xuống. Nó rùng mình nhìn thẳng vào bức ảnh treo ngay lối đi lên cầu thang sau lưng mình. Bức chân dung người vợ quá cố của nhạc sĩ dõi đôi mắt nhìn theo. Liễu rũ mạnh mái tóc cho những suy nghĩ mờ ảo bung ra khỏi đầu, khép cửa lại và đi ra. Tự nhủ, chắc đêm qua không ngủ, đầu óc có phần mụ mị.

Liễu ra đi, biến mất hẳn trên sân khấu các phòng trà. Đã có lúc nhạc sĩ cố công kiếm tìm cũng không ra. Gã chẳng dám mong Liễu bình yên góc nào đó giữa thành phố lớn này, chỉ mong cô bị đau ít thôi, bị thương ít thôi. Gã không còn sáng tác những bài hát kiểu độc thoại, thì thầm với tình yêu quá khứ, về người vợ xưa. Gã bắt đầu sáng tác những bài hát về sự ra đi của một người con gái, hồn nhiên đến, hồn nhiên đi, chỉ gã ở lại với nỗi đau. Bức hình vợ gã nơi lối dẫn lên cầu thang vẫn nhìn gã mỉm cười.

* * *
Liễu trở về thăm nhà. Đi mãi cũng mệt, mỏi gối chùng chân. Năm năm xa quê, quay lại tay trắng càng trắng tay. Chỉ thêm cái cục nợ còn dắt theo bên mình và vết sẹo dài như con sâu gớm ghiếc chạy trên cổ. Cục nợ ấy của đại gia. Vết sẹo của vợ đại gia. Bà cho đàn em đầu gấu "hỏi thăm" khi biết Liễu "dám xớ rớ tới chồng bà". Đại gia dầu khí thèm con trai, một hai hứa sẽ mua cho hai mẹ con Liễu một căn biệt thự. Nhưng nhà chưa kịp mua thì lão đã ngồi bóc lịch trong tù. Bà vợ cao chạy xa bay sang trời Tây cùng con gái đang du học bên đó, tuyên bố không hề liên quan vì đã đơn thân ly hôn ngay trước khi ông ra tòa, việc ai làm nấy chịu. Liễu thi thoảng ôm con trai bắt xe đò mấy trăm cây số thăm đại gia trong tù. Ông không nói chuyện nhiều, chỉ nắm tay Liễu, nắm bàn tay nhỏ xíu xiu của đứa bé mà khóc hu hu như con nít.

Mẹ tất tả chạy ra đón, khóc vì giận, vì tủi, đứa con gái mất tăm mất tích mấy năm không gặp. Hai mẹ con rưng rức ôm nhau khóc. Trong hoàn cảnh này rõ ràng khóc còn dễ chịu hơn nói gì đó. Liễu về buổi sáng thì buổi chiều thấy nhạc sĩ tìm về. Anh không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ thấy xót xa khi dường như đoán biết trước mọi chuyện.

* * *
Lại một lần nữa Liễu theo nhạc sĩ rời quê quay về phố. Những tia nắng vàng trong như mật ngọt chạy dọc nẻo đường quê loanh quanh. Ngang qua khúc sông xanh trong hiền hòa chảy bên ruộng lúa đương thì con gái, tâm trạng Liễu đã khác xa ngày xa quê lần trước. Cô đã không còn sợ những ngày lũ bão. Đã thấy dòng sông thanh bình, những con đường làng quanh co hiền hòa hơn nơi nào hết. So ra, những gì Liễu đi qua mấy năm qua còn khó khăn hơn những tháng năm tuổi thơ chán vạn lần.

Cánh cổng xám xịt nhà nhạc sĩ từ lúc nào đã điểm thêm một giàn hoa giấy. Những bông hoa màu hồng xen lẫn màu trắng dịu dàng, vui mắt.

- Em và con trai có thể trở về, căn phòng ấy vẫn để trống. Em quay lại với sân khấu đi.

- Hôm nào em sẽ quay lại thăm anh. Còn về lại thì chắc không thể.

... Anh vẫn không tin có tình yêu chân thành giữa một cô ca sĩ mới bước chân vào nghề và một đại gia nghe nhạc như vịt nghe sấm phải không? Vậy mà em biết, đó là tình yêu. Em sẽ chờ anh ấy, mười lăm năm không phải là thời gian ngắn nhưng em tin mình sẽ vượt qua. Mỗi lần đi thăm nuôi, em lại thấy thương anh ấy nhiều hơn. Anh vẫn biết, em cứng đầu mà.

Liễu nắm bàn tay gầy guộc của nhạc sĩ. Trước khi quay đi, cô nhìn lên khẽ gật đầu chào tấm hình người vợ cũ nhạc sĩ. Chị vẫn ở đó, vẫn ánh mắt hiền dịu, nụ cười mỉm dịu dàng khiến Liễu thấy lòng ấm cúng.

Đêm đêm, trong một phòng trà nhỏ, người đàn bà bé nhỏ choàng khăn che vết sẹo cuộc đời in hằn trên chiếc cổ dài, cất lên tiếng hát đầy yêu thương và day dứt. Ở phía dưới, người nhạc sĩ ngoại tứ tuần đốt thuốc với niềm vui khe khẽ khi đợi chờ một sự đổi thay mà anh biết trước rất khó có sự thay đổi.


Lam Giang

Mới nhất
x
Đó là tình yêu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO