Đô Lương: Bấp bênh những danh hiệu “Làng văn hóa”

17/01/2013 18:41

Những năm qua, Đô Lương được xem là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bởi số lượng Làng văn hóa được công nhận vượt trội, cùng sự hiệu quả trong công tác huy động nhân dân đồng lòng xây dựng phong trào vững mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, việc duy trì và phát huy danh hiệu Làng văn hóa đang gặp nhiều trở ngại.Khởi sắc từ phong trào xây dựng “Làng văn hóa”

(Baonghean) - Những năm qua, Đô Lương được xem là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bởi số lượng Làng văn hóa được công nhận vượt trội, cùng sự hiệu quả trong công tác huy động nhân dân đồng lòng xây dựng phong trào vững mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, việc duy trì và phát huy danh hiệu Làng văn hóa đang gặp nhiều trở ngại.

Khởi sắc từ phong trào xây dựng “Làng văn hóa”


Về thăm Làng văn hóa Lăng Lả Lả (xã Văn Sơn, Đô Lương) đúng vào dịp cả xóm ra quân làm đường giao thông nông thôn. Không khí nô nức, phấn khởi lan tỏa khắp ngõ trên, ngõ dưới, nhà nhà tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để mở rộng đường liên thôn theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Bà Bùi Thị Thanh, Bí thư kiêm xóm trưởng xóm Lăng Lả Lả cho biết: “Làng chúng tôi được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” năm 1998. Đó là kết quả của sự nỗ lực của nhân dân toàn xóm. Từ khi được công nhận Làng văn hóa đến nay, mọi phong trào như thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, văn hóa văn nghệ, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự... được nhân dân chấp hành nghiêm túc. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xóm chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,4%, thấp hơn mức trung bình chung của xã); tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu GĐVH ở mức cao (95%) và 3 năm liên tục xóm không có người sinh con thứ ba và không có đối tượng vi phạm pháp luật...”.

Không chỉ riêng làng Lăng Lả Lả mà 13/13 xóm của xã Văn Sơn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” và Văn Sơn cũng là xã đầu tiên được công nhận danh hiệu Xã văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Trong 13 xóm được công nhận Làng văn hóa của xã Văn Sơn có 9 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh và 4 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện; 4/5 công sở đạt danh hiệu Đơn vị văn hóa; 12/34 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng học văn hóa”, tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 87%. Ông Nguyễn Đăng Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Sơn cho biết: Từ khi thực hiện phong trào xây dựng Làng văn hóa đến nay, an ninh trật tự được giữ vững, tệ nạn xã hội giảm hẳn, các hủ tục được bài trừ và tình đoàn kết trong nhân dân được thắt chặt”.



Đền Phú Thọ (xã Lưu Sơn, Đô Lương) đón nhận danh hiệu "Di tích lịch sử văn hóa quốc gia".

Tổng kết 12 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Đô Lương được xếp vào đơn vị tốp đầu của tỉnh trong xây dựng Làng văn hóa. Tính đến nay, toàn huyện có 156/366 làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, 268 dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ văn hóa” cấp huyện và 114 cơ quan, đơn vị đạt Đơn vị văn hóa. Phong trào xây dựng Làng văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, chỉ tính riêng 10 năm qua, toàn huyện đã huy động được 15,1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân để xây dựng các các công trình phục vụ đời sống văn hóa. Đến nay, 356/366 xóm có nhà văn hóa, 12/33 xã có thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin đồng bộ. Mọi mặt đời sống như kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân Đô Lương được nâng cao.

Có thể khẳng định, danh hiệu Làng văn hoá đã trở thành biểu tượng cho sự phồn thịnh, phát triển của mỗi địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc bảo vệ danh hiệu “Làng văn hóa” gặp không ít khó khăn...

Gian nan giữ vững danh hiệu

Ở Xã văn hóa Văn Sơn trong năm 2012, có tới 11/13 làng văn hóa có người vi phạm chính sách Dân số/ KHHGĐ, điều đó đồng nghĩa với việc vi phạm một trong những tiêu chí về Làng văn hóa. Do đó, năm 2012, xã Văn Sơn chỉ có 2 làng giữ vững danh hiệu Làng văn hóa. Hay như Thị trấn Đô Lương, nơi được coi là “trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị” của huyện, quá trình 12 năm xây dựng Làng văn hóa nhưng đến nay cũng chỉ có 4/10 khối đạt danh hiệu này. Riêng khối 4, hai năm liên tục giữ vững tiêu chí về Làng văn hóa nhưng năm 2012 lại bị “ngắt quãng” vì trên địa bàn khối có người vi phạm tệ nạn xã hội. Ông Trương Công Thảo, Chủ tịch UBND Thị trấn Đô Lương cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, mặc dù trong kế hoạch năm của UBND thị trấn năm nào cũng đưa ra chỉ tiêu phát triển Làng văn hóa nhưng không năm nào đạt. 3 năm liên tục, thị trấn không có thêm khối nào được công nhận Làng văn hóa, lý do chủ yếu là vi phạm sinh con thứ ba, thiếu đất để xây dựng các công trình văn hóa và đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội gia tăng. Mặc dù Ban chỉ đạo (BCĐ) đã đưa ra nhiều giải pháp: khen thưởng, động viên; ký cam kết, đẩy mạnh tuyên truyền... nhưng cũng không mang lại hiệu quả gì”.

Không riêng gì hai trường hợp nêu trên mà trong tổng số 156 làng trên địa bàn huyện Đô Lương được công nhận danh hiệu Làng văn hóa thì trong năm 2012, khi thẩm định để công nhận lại thì có đến 129 làng vi phạm tiêu chí, trong đó có 81 làng không được công nhận lại danh hiệu Làng văn hóa; 65 dòng họ đăng ký xét lại thì chỉ có 41 dòng họ đạt các tiêu chí còn 24 dòng họ còn lại không đạt.

Ông Lê Văn Lương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương cho biết: “Hiện đang xảy ra thực trạng chất lượng các làng, khu dân cư văn hóa thiếu bền vững. Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do tình trạng sinh con thứ 3; vệ sinh môi trường không bảo đảm; vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Trong đó, hai nguyên nhân sinh con thứ 3, vệ sinh môi trường nảy sinh từ nội tại các làng, khu dân cư văn hóa. Nguyên nhân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có thêm yếu tố khách quan. Đối với những làng vi phạm các tiêu chí BCĐ sẽ có văn bản nhắc nhở; họp BCĐ và ký cam kết; có kế hoạch theo dõi, thẩm định lại...”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thông tin đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về quỹ đất. Theo qui định, mỗi xóm phải có các công trình văn hóa với tổng diện tích 2.000m2, trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” thì đây thực sự là vấn đề hết sức gian nan. Trong tổng số 356 xóm có nhà văn hóa thì mới chỉ có 144 nhà văn hóa đủ diện tích theo qui định; 298/356 xóm có sân thể thao thì chỉ có 108 xóm đảm bảo đúng chuẩn.

Để nâng cao chất lượng các làng, khu dân cư văn hóa cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân nêu trên. Trước hết, Đảng ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên tuyền, vận động quần chúng nhân dân để người dân nhận rõ sự thiết thực của phong trào và tự nguyện tham gia. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan để phát triển và nhân rộng phong trào. Các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào. Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi với uy tín trong cộng đồng cần vào cuộc, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong vận động các tầng lớp nhân dân, con cháu trong gia đình tuân thủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm phải coi việc duy trì, phát huy danh hiệu “Làng văn hóa” là việc làm thường xuyên.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Đô Lương: Bấp bênh những danh hiệu “Làng văn hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO